Hào khí Việt trong hợp xướng 'Bền vững muôn đời Tổ quốc Việt Nam ơi!'

Bắt đầu sáng tác từ năm 2011, đến tháng 8-2024, bản hợp xướng hơn 50 trang với tên gọi “Bền vững muôn đời Tổ quốc Việt Nam ơi!” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính (hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) đã được hoàn thành. Mới đây, tác phẩm này là 1 trong 11 tác phẩm âm nhạc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiệm thu và cấp giấy chứng nhận trong cuộc vận động sáng tác với chủ đề “Sống mãi với thời gian”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính.

Bản hợp xướng “Bền vững muôn đời Tổ quốc Việt Nam ơi!” gồm có 4 chương, với những chủ đề: Tổ quốc; nhân dân; bất khuất; trường sinh. Nguồn xúc cảm chính của tác phẩm là niềm tự hào về Tổ quốc và nhân dân. Khi bàn về đề tài này trong thơ, nhạc Việt Nam, chúng ta thấy được sự hiện diện của những tên tuổi lớn như: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Nam Hà, Chu Minh, Hồ Bắc… Và với tình yêu đất nước, yêu nhân dân chan chứa, thiết tha, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính đã có được cho mình những giai điệu thật đẹp, thể hiện đậm nét hào khí Việt Nam, dòng dõi Tiên Rồng, dòng máu Lạc Hồng. “Tổ quốc và nhân dân là những đề tài lớn, nguồn cảm hứng vô tận cho các thế hệ những người làm văn học nghệ thuật, trong đó có rất nhiều nhà thơ, nhạc sĩ lớn của đất nước. Khi sáng tác bản hợp xướng “Bền vững muôn đời Tổ quốc Việt Nam ơi!”, tôi đã cố gắng thực hiện tốt nhất phần giai điệu âm nhạc, còn phần lời có sử dụng thơ của một số tác giả khác. Tác phẩm khắc họa một cách chân thành, sâu sắc những cảm xúc về đất nước, về những người dân Việt Nam trong hành trình dựng nước, giữ nước và xây dựng, phát triển Tổ quốc vững bền”, nhạc sĩ Nguyễn Chính chia sẻ.

Trong chương 1 của bản hợp xướng với chủ đề “Tổ quốc”, tác giả sử dụng giọng si trưởng để mở đầu bằng những giai điệu hào hùng tha thiết. Ngôn ngữ âm nhạc hòa quyện với phần ca từ giàu chất thơ tạo nên sự cuốn hút. Ở đó, có hình ảnh những miền quê, cùng những âm hưởng dân ca đặc thù cùng tạo nên một dải giang sơn hình chữ S là Tổ quốc Việt Nam. Mỗi giai điệu đều chứa đựng cảm xúc trào dâng, niềm tự hào, lòng tri ân cha ông một thời gian nan mở nước: “Việt Nam - Tổ quốc tôi!/Nghe âm vang thiêng liêng lời sông núi hào hùng/Ta luôn mang trong tim dòng máu Lạc Hồng/Quốc hồn quốc túy thơm từ hạt gạo làng ta…”. Bước sang chương 2 với chủ đề “Nhân dân”, đã được chuyển qua giọng sol trưởng. Phần giai điệu và ca từ vẫn tiếp nối mạch nguồn cảm hứng từ chương 1 để tạo nên logic của hai chủ thể lớn Tổ quốc và nhân dân. Chất liệu dân ca tiếp tục được sử dụng tạo nên sắc màu âm nhạc đậm chất quê hương. Điều này cũng sẽ tạo được hiệu quả tốt hơn khi dàn dựng thực tế để có sự phối hợp hiệu quả giữa ca sĩ lĩnh xướng giọng nam và ca sĩ giọng nữ cùng các ca sĩ hát bè. Từ đó, làm nổi bật chủ đề chính của chương. Đến cuối chương, giai điệu âm nhạc dần lắng xuống tạo cảm xúc lắng đọng, da diết mãi trong lòng người nghe hai tiếng nhân dân. “Nhân dân tôi biết mình, biết người/Biết gió lạnh muôn đời vẫn thổi từ phương bắc/Lấy nhún nhường, nhẫn nhịn đổi bình yên/Nhưng vẫn dạy cháu con câu gan ruột nằm lòng - con giun xéo mãi cũng oằn…”.

Giấy chứng nhận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với hợp xướng “Bền vững muôn đời Tổ quốc Việt Nam ơi!”.

Giấy chứng nhận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với hợp xướng “Bền vững muôn đời Tổ quốc Việt Nam ơi!”.

Trong chương 3 với chủ đề “Bất khuất”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính sử dụng phần lời của nhà thơ Hoàng Quý. Mở đầu chương bằng 3 câu hợp xướng không dàn nhạc đệm (acappella), tiếp sau là những đoạn cao trào của tác phẩm, rồi đến những giai điệu khúc chiết, hào hùng, bi tráng. Nội dung chương, khẳng định truyền thống bất khuất từ bao đời đã trở thành phẩm chất cao quý của dân tộc ta. Ý tưởng này, càng đậm nét ở đoạn cuối chương với những giai điệu đẹp, cùng ca từ giàu hình ảnh, nội dung mang tính triết lý sâu sắc về thuở hồng hoang cha ông mở nước. “Khi nhân dân tôi đắp lũy sông Cầu, vua xuống lũy như dân/Khi nhân dân tôi họp hội Diên Hồng, vua ngồi giữa nhân dân/Sẽ hạnh phúc tột vời có một lần hái lượm giữa bạt rừng rợp bóng mẹ Tiên/Thỏa sức với cha Rồng xuôi bể, xăm kín mình rồi kéo mặt trời lên…”. Chương 4 với chủ đề “Trường sinh”, đã được tác giả sử dụng giọng si thứ và phần lời của nhà thơ Trần Chấn Uy. Nếu 3 chương đầu được xem là tiền đề thì qua chương 4 đó là kết quả tất yếu bao đời tự cường dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tổ quốc Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã và mãi trường sinh trong lịch sử; trường sinh trong bước đi văn minh của thời đại. Sự trường sinh của Tổ quốc, dân tộc được thể hiện từng phút, từng giây trong nhịp đập của Thăng Long - Hà Nội, trái tim thiêng liêng của cả nước. Nơi đây, từ ngàn năm trước, vua Lý Thái Tổ đã nhìn thấy lồng lộng bóng rồng bay; nơi anh hùng, thi sĩ cùng tụ hội làm nên một thủ đô ngàn năm văn hiến, một thành phố hòa bình. Với truyền thống yêu nước nồng nàn, thiết tha yêu hòa bình, nhưng bất khuất trước mọi kẻ thù xâm lược, trước thiên tai, dân tộc Việt Nam đã vượt qua biết bao đau thương, khốc liệt để trường sinh trong niềm hạnh phúc thật bình dị, nhân văn. Đoạn kết của chương 4 cũng là đoạn kết chung của toàn bản hợp xướng “Bền vững muôn đời Tổ quốc Việt Nam ơi!” như một lời tuyên thệ của các thế hệ con dân đất Việt hôm nay: “Xin được cùng em vỡ đất dựng nhà/Cùng em gieo mùa gặt hái/Cùng em đẻ cái sinh con/Cùng nuôi con Hồng, cháu Lạc/Giữ gìn non sông Đại Việt trường tồn như muôn ngọn dải Trường Sơn…”.

Với vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn, bản hợp xướng “Bền vững muôn đời Tổ quốc Việt Nam ơi!” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính sẽ cùng với các tác phẩm của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Trọng Đài… được các nhà hát dàn dựng, biểu diễn phục vụ công chúng trong thời gian tới. Và khi tác phẩm được hòa âm, phối khí, dàn dựng với những sự sáng tạo, kết nối nhuần nhuyễn, hợp lý giữa phần thanh nhạc và khí nhạc chắc chắn làm nổi bật chủ đề của từng chương, cũng như của toàn tác phẩm.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202502/hao-khi-viet-trong-hop-xuong-ben-vung-muon-doi-to-quoc-viet-nam-oi-2573a6a/