Đặc sắc Lễ hội đền Kỳ Cùng-Tả Phủ ở Lạng Sơn
Ngày 19/2, Ủy ban nhân dân thành phố Lạng Sơn (Lạng Sơn), tổ chức khai mạc Lễ hội đền Kỳ Cùng-Tả Phủ. Đông đảo người dân và du khách đến tham dự.

Đội múa sư tử chào mừng lễ khai hội đền Kỳ Cùng-Tả Phủ, thành phố Lạng Sơn (Lạng Sơn).
Theo tài liệu ghi chép lại, đền Kỳ Cùng (phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) được xây dựng vào khoảng thời Hậu Lê, ban đầu là ngôi miếu nhỏ thờ Thần Giao Long (Thần sông Kỳ Cùng). Trải qua quá trình lịch sử, hiện tại, đền thờ Quan lớn Tuần Tranh, một vị quan được cử lên trấn ải tại Lạng Sơn.
Đền Tả Phủ (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) được nhân dân 7 phường của Lạng Sơn và khách buôn 13 tỉnh Trung Quốc xây dựng vào năm Chính Hòa thứ 4 (1683) để tri ân, phụng thờ Tả Đô đốc Hán Quận công Thân Công Tài.

Đông đảo người dân đến dâng hương, dâng hoa tại đền Kỳ Cùng và đền Tả Phủ để tưởng nhớ các vị tiền nhân đã có công gìn giữ biên cương.
Năm 1993, hai di tích đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp quốc gia và năm 2015, lễ hội đền Kỳ Cùng-đền Tả Phủ đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh, cho biết: Lễ hội truyền thống đền Kỳ Cùng-đền Tả Phủ là sự gắn kết về các nghi thức tế lễ, rước kiệu và các trò chơi, diễn xướng dân gian đặc sắc của nhân dân các dân tộc thành phố Lạng Sơn. Đồng thời cũng là dịp để người dân tỏ lòng biết ơn công đức của Tả Đô đốc Hán Quận công Thân Công Tài và quan lớn Đệ ngũ Tuần Tranh, những người có công dẹp giặc, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân.
Đặc biệt, Tả Đô đốc Hán Quận công Thân Công Tài là người có công trong việc mở mang thương trường giao lưu buôn bán trên mảnh đất Lạng Sơn giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc cuối thế kỷ 17, đồng thời mở mang 7 con đường và 7 phường cho phố chợ Kỳ Lừa, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc Lạng Sơn.

Lễ rước kiệu ông Tuần Tranh từ Đền Kỳ Cùng lên tạ nghĩa với ông Thân Công Tài ở Đền Tả Phủ, tại thành phố Lạng Sơn (Lạng Sơn).
Bà Phạm Tuyết Lê, Thủ nhang đền Kỳ Cùng, phường Vĩnh Trại, chia sẻ: Phần lễ chính của lễ hội tập trung chủ yếu vào hai ngày (ngày 22 và ngày 27 tháng Giêng), trong đó có lễ tế khai hội, đón rước và lễ an vị, lễ tạ. Phần hội bao gồm những nghi thức rước kiệu và các trò chơi, như: tranh đầu pháo, cờ tướng, kéo co, đẩy gậy, võ thuật, lễ hội ẩm thực, hát sli, lượn, quan họ... được diễn ra với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố Lạng Sơn và du khách thập phương.
Bà Hoàng Minh Thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lạng Sơn, cho biết: Năm nay, Ủy ban nhân dân thành phố chọn lễ hội đền Kỳ Cùng là lễ hội điểm của thành phố với ba nét mới, nổi bật so với mọi năm. Tiêu biểu trong ngày khai mạc lễ hội 22 tháng Giêng sẽ diễn ra cuộc thi trưng bày mâm lễ và gói bánh chưng của các hội liên gia; cuộc thi vẽ tranh hoa đào tại lễ hội và diễn tích về Quan Tuần Tranh.

Lễ rước kiệu được các thanh niên trai tráng, rước qua các con đường, khu phố của thành phố Lạng Sơn (Lạng Sơn).
Ngoài ra, còn có rất nhiều hoạt động hưởng ứng lễ hội đặc sắc như: đêm diễn văn nghệ ngày 24 tháng Giêng, vẽ tranh thư pháp… Lễ hội đền Kỳ Cùng-đền Tả Phủ không chỉ là dịp để người dân tưởng nhớ công lao của hai vị quan, mà còn là dịp để du khách giao lưu, gặp gỡ, vui chơi và tham gia vào các hoạt động văn hóa truyền thống; đồng thời quảng bá những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của Lạng Sơn đến với du khách trong và ngoài nước.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dac-sac-le-hoi-den-ky-cung-ta-phu-o-lang-son-post860660.html