Hát giao duyên - Nét đẹp của dân tộc Tày, Nùng
Cao Bằng có 8 dân tộc cùng sinh sống như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Lô Lô, Sán Chỉ, Hoa... Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa riêng rất đặc sắc tạo nên một rừng hoa đa sắc màu. Tạo hóa đã ưu ái cho Cao Bằng cảnh đẹp vừa hùng vĩ, vừa nên thơ làm say đắm lòng người, chính mảnh đất hữu tình đó đã là sự khơi nguồn cho những làn điều dân ca say đắm lòng người, chân chất, đậm đà tình nghĩa.
Dân tộc Tày, Nùng cơ bản giống nhau về tiếng nói, lời hát, các làn điệu dân ca như: sli, lượn, nàng ới, phong slư... cũng có những câu thành ngữ, tục ngữ dân gian có sự tương đồng và vì một lẽ hồi còn nhỏ tôi cũng được chứng kiến những chàng trai, cô gái của hai dân tộc có thể qua lại, tìm hiểu hát giao duyên với nhau. Hát hát giao duyên không chỉ diễn ra lúc nông nhàn mà còn hát trong dịp lễ, tết, lên nương, xuống chợ, đám cưới để chúc mừng gia đình đón cô dâu mới, chúc đôi vợ chồng trẻ trăm năm hạnh phúc. Đồng thời, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, các sở, ngành, địa phương thường tổ chức hội thi hát dân ca - giao duyên, qua đó, góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn. Khi tôi ngồi viết bài này, đâu đây vẫn còn văng vẳng khúc hát của học trò cũ đã được phổ từ bài thơ của cô giáo Hoàng Thị Khuyên:
“Em mời anh hãy đến với Cao Bằng,
Để cùng ngắm hoa trên đỉnh núi.
Đắm mình trong khúc dân ca vời vợi,
Lượn nàng ới da diết đợi anh về”.
Có lẽ mãi không thể nào quên khi những đêm thanh vắng, hay ngày chợ phiên, trên nương... tôi lại được nghe tiếng lượn nàng ới, tiếng hát sli của các anh, chị. Mỗi lần như thế mẹ tôi lại lẩm bẩm, thì thầm "Lại có con trai làng khác sang tán con gái bản mình”, rồi mẹ tôi lại lắng nghe từng câu hát và nhận xét “Cậu này nói hay, khéo sâu sắc”. Mẹ tôi hồi trẻ nổi tiếng hát lượn giỏi, nhiều người mê nên nhiều chị thường hay đến hỏi kinh nghiệm của bà. Tôi hồi đấy tầm 10 tuổi chưa hiểu ý tứ trong câu hát nhưng cũng tò mò và thấy thú vị nên thường chạy ra nơi có tiếng hát đẻ xem anh, chị nào đang tìm hiểu nhau. Dưới ánh trăng mờ ảo, một số chị đang ngồi trên sàn hát vọng xuống, có mấy anh ngồi dưới đường hát vọng lên, tiếng hát ngọt ngào, say đắm, gửi gắm nỗi mong chờ yêu thương của các chàng trai, cô gái.
Có lần đi chợ Nặm Nhũng về qua đoạn Kéo Yên tôi cũng mải mê theo tiếng hát của các "có" (anh) và "chế" (chị) đi chợ về, tiếng hát vang vọng núi rừng, quyến luyến bước chân khi họ chia tay nhau về bản. Có lần tôi thắc mắc khi nghe không hiểu câu hát của một anh “Đám nương kia xanh tốt, đến giờ đã có ai phát có chưa?", rồi sau này lớn lên tôi mới hiểu đó là kiểu ướm hỏi khi họ tìm hiểu nhau qua câu hát.
Cái hay của hát giao duyên của người Tày, Nùng Cao Bằng là không cứ dịp nào, có thể hát khi đêm về những chàng trai vào làng tìm cô gái để tìm hiểu, hay dịp đám cưới, lễ hội, ngày chợ, hoặc mừng nhà mới... Cứ có dịp mà có nam thanh, nữ tú lời hát sẽ được cất lên. Không gian diễn xướng cũng rất phong phú, không cố định chỗ nào, có thể hát khi lên nương; hát trên đồi; hát khi từ biệt nhau; hát bên bếp lửa; hát ngoài hiên, ngoài sàn....
Hát giao duyên không phải là những bài hát sẵn có hay đã được chuẩn bị sẵn, mà là dựa vào ngữ cảnh, dựa vào lời nói của đối phương, dựa vào tình cảm để tìm lời cho hợp lý. Vì đối đáp tức thì nên đòi hỏi cả nam và nữ đều ứng đối linh hoạt có cách để dẫn dắt câu chuyện tạo sự hô ứng giữa nam và nữ. Qua lời hát và cách đối đáp mà họ hiểu nhau, biết được đối phương là người như thế nào?
Những bài hát giao duyên của dân tộc Tày, Nùng giống như lối hát quan họ, hát giao duyên của người miền xuôi cũng sử dụng rất nhiều lối nói ẩn dụ, so sánh, ví von... Thường thì họ so sánh với những vật dụng hay phong cảnh, vật nuôi, cả những quan niệm của người miền núi. Lời hát thể hiện mức độ tình cảm, sự khéo léo khi tìm lời càng sâu sắc làm cho lòng đối phương say đắm, quyến luyến không thể rời xa, vì thế mà đêm càng khuya tiếng hát càng da diết, tình càng ngấm theo giọng hát ngọt ngào. Nhiều đôi nên duyên chồng vợ cũng qua những khúc hát giao duyên.
“Thân noong gặn bjoóc mặn bjoóc mơ
Điếp căn lẻ chăn điếp khẩn khẩn
Điếp căn gặn pát nặm têm phiêng
Điếp căn gặn pia liềng vằng lậc"
Dịch:
Em như hoa mận, hoa mơ
Thương nhau không phải vật vờ bướm hoa
Thương nhau như bát nước đẩy
Thương nhau như cá đua vây sông dài.
Thường người Nùng hát giao duyên bằng điệu hát lượn, sli nhiều hơn, người dân tộc Tày hát cả lượn, nàng ới, ít khi hát sli. Trong âm điệu của khúc hát sli, lượn, nàng ới tuy có sự khác nhau, mỗi một thể loại lại có cách hát khác nhau nhưng đều có điểm chung là nhẹ nhàng, hát như từ trong lòng bật lên, rất da diết, dễ vào lòng người nghe.
Người Tày, Nùng ở vùng miền đông lại có cách hát giao duyên khác hơn một chút so với vùng khác, dù âm điệu sli, lượn cũng gần như nhau nhưng cách thức bắt đầu của lời hát giữa nam và nữ bao giờ cũng bắt đầu bằng câu: “Em ơi trên trời có đám mây vàng..." hay "Anh ơi trên trời có đám mây hồng" rồi những câu tiếp theo mới bắt đầu bày tỏ tình cảm của mình. Khúc hát giao duyên của người Tày, Nùng luôn là người con trai cất lời trước, chủ động để mở lời, gợi ý để cô gái tiếp lời.
Mở đầu là lời ướm hỏi của chàng trai trong một không gian từ bản làng xuống chợ với ánh nắng rực rỡ như cũng đang hân hoan cùng chàng trai khi nhìn thấy một cô gái xinh đẹp, ăn mặc chỉnh trang để xuống chợ. Ngày xưa trai gái xuống chợ không phải chỉ để bán buôn mà là dịp để trai, gái được dịp gặp nhau, để được thổi sáo, hát sli, lượn tìm hiểu nhau. Chàng trai trong bài hát này đã dành cho cô gái lời khen ngợi chân thành, thể hiện sự chân trọng của người con trai dành cho cô gái, và cũng đã bày tỏ sự ngưỡng mộ của chàng dành cho nàng, vì vậy mà chiếm chọn được trái tim cô ngay từ lúc ban đầu vì là con gái được khen xinh đẹp, chăm chỉ là điều hạnh phúc nhất.
Trong ý tứ của cô gái đã có chiều ưng chàng trai nên nàng đã co chàng biết mình chưa có chồng kèm theo lời bông đùa nhưng mang hàm ý mở lối cho chngf trai đến với mình. Chàng trai cũng rất khéo léo khi chàng vừa cho cô gái biết mình chưa vợ, một mặt vừa kể lể hoàn cảnh để gợi tình thương ở cô gái. Lời hát giao duyên gợi cho chúng ta nhớ đến câu ca dao" Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu” chàng trai trong bài ca dao cũng giống như chàng trai trong lời hát giao duyên này tuy nhiên chàng trai trong khúc hát này hoàn cảnh còn đáng thương hơn khi anh mồ côi, sống một mình côi cút. Cái đáng yêu ở đây là chàng không nói thẳng là yêu cô gái mà nhờ cô gái mai mối, cách ướm hỏi này vừa đáng yêu lại vừa khéo léo, một mặt để dò hỏi ý tứ cô gái, mặt khác để nếu như cô gái không có tình cảm với mình cũng đỡ bị tổn thương.
Qua khúc hát giao duyên mới thấy được tâm hồn phong phú, tình cảm sâu sắc của người dân tộc Tày, Nùng Cao Bằng nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Lời hát vừa ý nhị, rào trước để thử lòng đối phương cũng là kiểu tỏ tình rất quen thuộc của người Việt Nam xưa. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy được sự mạnh bạo, dám bày tỏ tình cảm, khéo léo của cô gái để dẫn lối cho chàng trai vượt qua mặc cảm, ngượng ngùng để bày tỏ tình cảm với cô gái.
Lời hát cuối cùng vừa là lời bày tỏ tình yêu, vừa là lời thề thiêng liêng và cũng là khát vọng hạnh phúc của biết bao lứa đôi. Lời hát đối đáp tạo sự hô ứng, kiểu như cả hai dắt díu nhau đi theo một hướng, người này tìm cánh mở lối cho người kia bày tỏ tình cảm để rồi họ đã có cái kết viên mãn. Những khúc hát giao duyên bao giờ cũng là những lời hát với ý tứ đẹp nhất, hay nhất, tuy nhiên không phải lúc nào tình yêu cũng có cái kết đẹp. Có rất nhiều lý do mà có những chàng trai, cô gái không thể đến được với nhau, họ đã bị lỡ hẹn để rồi mang nỗi đau dai dẳng với nỗi day dứt không chọn vẹn.
Dù bao năm tháng qua đi, dù xã hội đã thay đổi với những nhu cầu thụ hưởng âm nhạc cũng như cách bày tỏ tình cảm của thế hệ trẻ đã thực sự hòa nhập với thế giới xong đâu đây trong các bữa tiệc, hay trên sân khấu tiếng hát sli, hát lượng vẫn cất lên, vẫn ngọt ngào, da diết.
Viết đến đây tôi lại nhớ đến thầy Phạm Long, giảng viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên khi đặt chân đến Cao Bằng thầy đã viết: “Tiếng lượn ai tha thiết bên thung/Như vô tình trao lời đưa tiễn".
Tiếng lượn như níu giữ bước chân du khách khi đến với Cao Bằng để rồi đắm mình trong khúc hát giao duyên của một cô gái dân tộc Tày, Nùng và quên mất rằng mình đang đi hay đến “Bỗng quên cả mình đi hay mình đến/Bởi Cao Bằng luôn mãi đọng trong tim”.
Tôi tin tình cảm của thầy nói hộ cho bao người khi đến với Cao Bằng nơi có những khúc hát giao duyên say đắm lòng người. Và tôi cũng tin rằng thầy đã phải ngẩn ngơ trước tiếng hát vút lên bên thung của một cô gái Cao Bằng đã làm lay động cảm xúc của thầy giáo già, đưa thầy trở lại tuổi đôi mươi. Tiếng hát, lời hát chính là linh hồn của con người, là phẩm chất mộc mạc nhưng đầy tình nghĩa; rất tình tứ, ý nhị nhưng không kém phần táo bạo.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/hat-giao-duyen-net-dep-cua-dan-toc-tay-nung-3172748.html