Hậu kiểm thông minh để không bỏ lỡ dòng vốn đổi mới sáng tạo

Đại biểu Quốc hội đề xuất thiết kế một cơ chế kiểm soát rủi ro thông minh để không bỏ lỡ dòng vốn đổi mới sáng tạo và làm suy yếu động lực lan tỏa công nghệ trong nền kinh tế.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, sáng 12/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Nên miễn thuế mọi khoản tài trợ phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, về quy định miễn thuế đối với các khoản tài trợ cho hoạt động phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số: Để thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW, bên cạnh nhiều nội dung khác, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp tặng tài trợ được trừ khoản tài trợ cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; đồng thời, doanh nghiệp nhận tài trợ được miễn thuế đối với khoản thu nhập này, không phân biệt các khoản tài trợ này là nhận được từ các doanh nghiệp độc lập bên ngoài hay là nhận được từ các doanh nghiệp có quan hệ liên kết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng, các khoản chi cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thường rất lớn, phạm vi rộng và hiện còn thiếu các quy định pháp luật cụ thể, việc định giá theo thị trường trong các lĩnh vực này là khó khả thi.

Do đó, quy định này tiềm ẩn rủi ro bị lợi dụng để thực hiện chuyển lợi nhuận, chuyển giá, trốn thuế khi giữa doanh nghiệp cho và doanh nghiệp nhận tài trợ là các bên có quan hệ liên kết.

Các nội dung này chưa được phân tích, đánh giá tác động kỹ lưỡng, nên cần được xem xét thận trọng và có thể trước mắt chưa nên áp dụng việc miễn thuế này đối với một số ít các trường hợp mà giữa bên cho và bên nhận là các doanh nghiệp có quan hệ liên kết.

Giải trình nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, bổ sung quy định cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho mọi khoản tài trợ như đề xuất của Chính phủ.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Đồng thời, đề nghị Chính phủ ban hành đầy đủ các quy định cần thiết và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm mục tiêu của việc chống chuyển giá, chuyển lợi nhuận giữa các bên có quan hệ liên kết, tránh việc bị lợi dụng chính sách; trong quá trình tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm theo dõi, đánh giá chi tiết về các khoản tài trợ được cho - nhận giữa các bên có quan hệ liên kết, sự thay đổi về nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp và số nộp ngân sách của các đơn vị này trước và sau khi chính sách được ban hành để kịp thời báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh trong trường hợp mức độ tác động là đáng kể.

Về thuế suất áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và tính thống nhất với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết, dự thảo Luật đưa ra các mức thuế ưu đãi cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ (mức 15%, 17%) về cơ bản dựa trên mức ưu đãi của Luật hiện hành áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn hoặc thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư.

Cùng với việc được hưởng thuế suất ưu đãi, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ nếu đáp ứng các điều kiện về ưu đãi thuế theo địa bàn, lĩnh vực thì cũng thuộc diện được áp dụng các chính sách ưu đãi này theo quy định của dự thảo Luật với các mức độ ưu đãi cao hơn.

Hỗ trợ tái cơ cấu nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước

Qua thảo luận, các ĐBQH thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật. ĐBQH Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng, các phương án về thuế suất phổ thông, ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hay đầu tư vào các lĩnh vực đặc biệt đã được rà soát kỹ lưỡng, cân đối giữa thông lệ quốc tế, năng lực cạnh tranh khu vực và sức chịu đựng của nền kinh tế.

ĐBQH Lê Thu Hà (Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Lê Thu Hà (Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Lê Thu Hà hoan nghênh việc cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: giữ ổn định thuế suất phổ thông 20% thay vì nâng lên như một số phương án ban đầu; bổ sung thuế suất ưu đãi 15% cho doanh nghiệp có doanh thu và lao động dưới ngưỡng nhất định, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Dự thảo Luật cũng làm rõ điều kiện áp dụng thuế suất 10% cho các lĩnh vực đặc biệt ưu đãi như công nghệ lõi, môi trường, nông nghiệp công nghệ cao; thu hẹp diện ưu đãi dàn trải, chuyển sang ưu đãi có điều kiện ràng buộc, gắn với đóng góp thực chất.

"Chính sách thuế lần này cần đảm bảo ba yêu cầu lớn: xây dựng hệ thống thuế công bằng, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế; hỗ trợ tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước; tạo dư địa tài khóa cho cải cách tiền lương, đầu tư phát triển và thực hiện các mục tiêu chiến lược đã đề ra", đại biểu Lê Thu Hà nhấn mạnh.

Về chính sách miễn thuế đối với các khoản tài trợ cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đại biểu nêu thực tế, phần lớn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ hiện nay đến từ các tập đoàn đa quốc gia và tập đoàn tư nhân lớn, hoạt động theo mô hình liên kết.

“Nếu loại trừ các khoản tài trợ nội bộ, chúng ta có nguy cơ bỏ lỡ dòng vốn đổi mới sáng tạo và làm suy yếu động lực lan tỏa công nghệ trong nền kinh tế”. Do vậy, đại biểu Lê Thu Hà đề xuất thiết kế một cơ chế kiểm soát rủi ro thông minh: thực hiện hậu kiểm chặt chẽ, truy thu thuế nếu có vi phạm; ban hành tiêu chí rõ ràng, khả thi; khuyến khích kiểm toán độc lập và tăng cường chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan thuế và cơ quan giám sát chuyên ngành.

Góp ý về các quy định liên quan đến thuế suất áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, việc lấy doanh thu hay lấy tiêu chí doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều ý kiến khác nhau.

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

"Nếu chúng ta lấy tiêu chí là doanh thu thì cũng chưa hẳn đã là khoa học, bởi có những doanh nghiệp có thể doanh thu lớn nhưng lợi nhuận chưa chắc đã cao, lợi nhuận cao nhưng có khi doanh thu lại bé”. Nêu thực tế này, đại biểu Trịnh Xuân An đề xuất, bên cạnh tiêu chí về doanh thu, nên có những tiêu chí phụ bổ sung như tiêu chí về số lượng lao động, ngành, lĩnh vực...

Đại biểu cũng nhận thấy, thuế suất của nước ta hiện nay quá phức tạp, riêng thuế suất chung đã 3 loại, thuế suất ưu đãi có các mức 10%, 17%, 15% áp dụng theo ngành, theo lĩnh vực. Có những ngành, lĩnh vực được 15 năm, có những ngành 10 năm.

"Nên làm cuộc cách mạng trong thuế suất” theo hướng có những thuế suất chung, còn lại đối với thuế suất ưu đãi thì nên dồn vào một loại thuế suất ưu đãi và ưu đãi cũng chỉ 10 - 15 năm, nhằm tránh gây phức tạp trong công tác quản lý thuế", đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật và chỉnh lý hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hau-kiem-thong-minh-de-khong-bo-lo-dong-von-doi-moi-sang-tao-10372145.html