Hậu phương vững chắc của thương, bệnh binh

Trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhiều người lính dù trở về cuộc sống đời thường nhưng vẫn mang trên mình vết thương của một thời đạn bom khói lửa. Năm tháng đi qua, vượt lên trên nỗi đau về thể xác, trong ánh mắt của các thương, bệnh binh vẫn toát lên niềm tin vào cuộc sống bởi đằng sau họ luôn có bàn tay chăm sóc của người thân, gia đình, những 'hậu phương' vững chắc.

Theo chân đoàn cán bộ xã, chúng tôi đến thăm gia đình ông Hà Trọng Thức ở khu Mỏ Son, xã Sơn Tình, huyện Cẩm Khê nhân kỷ niệm Ngày Thương Binh – Liệt sỹ 27/7. Trong căn nhà nhỏ, thương binh Hà Trọng Thức với thương tật 81% bày tỏ niềm xúc động cùng sự biết ơn khi nhắc đến “hậu phương” của mình.Ông kể: Tháng 5/1971, ông tham gia chiến trường Tây Nguyên, chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đất nước hòa bình, trở về sau cuộc chiến tranh cùng 5 mảnh kim khí vẫn găm trong đầu không phẫu thuật được, ông Thức lúc nhớ lúc quên, đầu óc đôi khi không được minh mẫn. Ông nghĩ hạnh phúc sẽ không đến được với mình.Để gạt đi nỗi đau, ông thường xuyên đến thăm những người đồng đội cũng mang trong mình thương tích chiến tranh để cùng sẻ chia, động viên, giúp đỡ nhau. Và trong khi đến thăm người đồng đội của mình ở thị trấn Cẩm Khê, ông gặp bà Hà Thị Khang - khi đó đang là cô sinh viên tuổi đôi mươi vừa tốt nghiệp trường Sư phạm với đầy nhiệt huyết và sức trẻ. Sau khi được đồng đội mai mối, biết và cảm thông với hoàn cảnh, sự chân tình của ông Thức, bỏ qua mọi rào cản từ phía người thân, bạn bè, bà Khang quyết định đến với ông dù biết rằng phía trước là chặng đường gian nan, vất vả.

Vợ chồng ông Hà Trọng Thức cùng con trai ôn lại những kỉ niệm.

Vợ chồng ông Hà Trọng Thức cùng con trai ôn lại những kỉ niệm.

Bà Khang không chỉ là người vợ, người mẹ đảm đang, tảo tần, người giáo viên nhiệt huyết, mà còn đảm nhận vai trò một điều dưỡng viên tại nhà, chăm sóc người chồng thương binh. Mất hơn 80% sức khỏe nên việc sinh hoạt hàng ngày của ông Thức găp nhiều khó khăn, vì thế gánh nặng đè lên đôi vai bà.Bà Khang tâm sự: “Anh Thức vốn hiền lành, ít nói, tuy nhiên những lúc vết thương tái phát bản tính lại thay đổi, không kiểm soát được lời nói và hành vi. Hơn 40 năm chung sống, tôi phải chịu nhiều sự tức giận vô cớ từ chồng. Rồi những đêm thức trắng cùng chồng trải qua những cơn đau vật vã do vết thương hành hạ”.Những lúc đó, bà luôn là người chăm sóc, động viên, an ủi, là điểm tựa tinh thần giúp ông chiến thắng bệnh tật. Có những lúc bà tưởng mình gục ngã trước những khó khăn của cuộc sống. Thế nhưng người phụ nữ ấy vẫn không một lời than vãn, bà cảm thấy hạnh phúc khi có ông là chỗ dựa tinh thần và cùng nuôi dạy những đứa con của mình ngày càng khôn lớn, trưởng thành.Sau 44 năm chung sống, nhưng mỗi lần nhắc về người vợ thân yêu, ánh mắt người thương binh Hà Trọng Thức vẫn luôn ánh lên niềm xúc động và tự hào, biết ơn người phụ nữ đã cùng ông đi qua những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời. Ông chia sẻ: “Thời chiến, những người lính như tôi đã vịn vào cây súng, vịn vào đồng đội mà bước đi. Còn về với thời bình, không may trở thành thương binh, vợ con, gia đình chính là điểm tựa giúp chúng tôi vững tin hơn trong cuộc sống”.Tạm biệt ông Thức, chúng tôi đến thăm gia đình thương binh Nguyễn Tiến Ảnh ở khu Xóm Cánh 1 cũng ở xã Sơn Tình. Tiếp chúng tôi là người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi nhưng gương mặt vẫn giữ được vẻ mặn mà của một thời xuân sắc.

Bà Nguyễn Thị Việt cùng ông Nguyễn Tiến Ảnh vượt qua khó khăn, vất vả, xây dựng hạnh phúc gia đình.

Bà Nguyễn Thị Việt cùng ông Nguyễn Tiến Ảnh vượt qua khó khăn, vất vả, xây dựng hạnh phúc gia đình.

Bà Nguyễn Thị Việt nhớ lại: “Sinh ra ở vùng quê nghèo với ông Ảnh, cùng nhau lớn lên và trưởng thành, tình cảm của chúng tôi dành cho nhau lớn dần theo thời gian. Khi tôi đủ 18 tuổi, ông mới dám ngỏ lời yêu. Một năm sau, đám cưới giản dị đã được tổ chức. Cưới chưa được 1 năm, ông Ảnh lên đường nhập ngũ tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979”.12 năm chiến đấu xa nhà, số lần về thăm nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay, số ngày phép cũng chỉ được vài ngày, có những thời điểm hai vợ chồng hoàn toàn mất liên lạc. Nhà nghèo, chồng ở xa, bà Việt làm đủ nghề để duy trì cuộc sống cho gia đình.“Ai thuê gì tôi cũng làm, miễn là kiếm được tiền nuôi con. Có những lúc trong nhà không có nổi cân gạo, cơm ăn thay bằng hạt bo bo, ngô và sắn. Vất vả là thế nhưng tôi không cảm thấy khổ, bởi hồi đó, ai cũng như thế, khổ như nhau. Những năm tháng ấy, điều tôi canh cánh trong lòng, lo âu nhất là tin tức của chồng bởi trong chiến tranh, không thể nói trước bất cứ điều gì. Tôi xác định, nếu lỡ điều xấu nhất xảy ra, tôi sẽ ở vậy nuôi các con, thờ chồng”, bà Việt chia sẻ. Và bà quý lắm những lần ông về phép, mỗi lần ông về gia đình như “có hội”.

Đại diện UBND xã Sơn Tình, huyện Cẩm Khê tặng quà thương binh Nguyễn Tiến Ảnh nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.

Đại diện UBND xã Sơn Tình, huyện Cẩm Khê tặng quà thương binh Nguyễn Tiến Ảnh nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.

Năm 1989, ông Ảnh trở về quê hương và mang trên mình thương tật 31%. Hằng ngày, ông vẫn phụ giúp bà được việc nhà, nhưng vào những ngày trái gió trở trời, vết thương tái phát, bà lại chẳng thể làm gì ngoài giúp ông xoa dịu cơn đau. Mọi công việc trong gia đình một mình bà gánh vác. Dù vậy, bà vẫn luôn vui vẻ, lạc quan vì cảm thấy chồng mình còn may mắn hơn so với những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường.“Tuy cuộc sống có vất vả, nhưng tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Tôi thương ông ấy bởi sự chất phác, hiền lành, vì những hy sinh mất mát mà cuộc đời ông ấy đã trải qua” - bà Việt trải lòng. Gần 50 năm chung sống, dù phải trải qua bao gian nan, vất vả, thế nhưng cả hai vợ chồng ông Ảnh đều cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống hiện tại.Tổ quốc ghi công của những người anh hùng, những thương binh, bệnh binh và cũng biết ơn những người vợ đã và đang yêu thương, chăm sóc những người chồng đã vì Tổ quốc mà hy sinh, cống hiến. Dù mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều là những người phụ nữ đảm đang, tần tảo, với đức hy sinh, lòng vị tha và nghị lực phi thường.Trên đây là chỉ là hai trong số hàng nghìn người vợ của những thương binh, bệnh binh đã và đang từng ngày từng giờ vượt qua khó khăn để vun đắp, xây dựng cuộc sống gia đình. Bằng tình yêu thương, họ đã nguyện gắn bó cả cuộc đời mình để xoa dịu những mất mát, đau thương, mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc, giúp các thương, bệnh binh có thêm nghị sống. Những người phụ nữ ấy làm sáng ngời phẩm chất truyền thống của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Quốc An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/hau-phuong-vung-chac-cua-thuong-benh-binh-216118.htm