Hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng Trung Quốc

Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc đang gây ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể tới nhiều lĩnh vực công nghiệp thế giới.

Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng. Ảnh: AFP/TTXVN

Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc đang gây ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể tới nhiều lĩnh vực công nghiệp thế giới. Việc các tập đoàn hóa dầu lớn của Trung Quốc phải ngừng hoạt động do thiếu điện đã khiến giá polyme cơ bản (hóa chất được sử dụng rộng rãi trong công nghệ hiện đại) tăng 10%.

Sự thiếu hụt càng trở nên trầm trọng do giá hàng hóa tăng cao. Theo các chuyên gia, đến cuối năm nay, giá thành polyme sẽ tiếp tục tăng, đưa mặt bằng giá của hợp chất này trở về mức đỉnh điểm vào mùa Xuân.

Việc hạn chế nguồn cung điện cho các tập đoàn công nghiệp Trung Quốc (như một phần của chương trình nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng) đã dẫn tới tình trạng ngừng hoàn toàn hoặc giảm đáng kể hoạt động sản xuất các sản phẩm hóa chất quy mô lớn. Cuối tháng 9/2021, gần như 2/3 các tỉnh thành của Trung Quốc gặp phải vấn đề về nguồn cung năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp, cũng như trong tiêu thụ hộ gia đình.

Ví dụ, một nhà máy than hóa chất lớn chuyên sản xuất polypropylene ở tỉnh Thiểm Tây đã buộc phải tạm ngừng sản xuất do thiếu than và hạn chế tiêu thụ năng lượng. Theo ước tính, nhà máy này chiếm khoảng 20-25% sản lượng polypropylene trên toàn Trung Quốc.

Theo bộ phận thương mại của tập đoàn Sibur, tập đoàn hóa dầu số một của Nga tại Trung Quốc, trong tháng Chín, sản lượng của các nhà máy sản xuất polyme đã giảm tới 287.000 tấn, trong khi sản lượng polyethylene cũng giảm khoảng 235.000 tấn. Tập đoàn Sibur cho biết thêm rằng việc hạn chế nguồn cung điện cũng ảnh hưởng tới nhu cầu của người tiêu dùng cuối cùng.

Sibur cho rằng nguồn cung giảm khiến giá polyme tăng lên mức 100-150 USD/tấn trong ba tuần gần đây. Trong khi đó, theo báo cáo của Bloomberg, polyethylene ở khu vực Viễn Đông và Tây Âu có giá từ 1.200-1.500 USD/tấn, tương đương mức tăng khoảng 10%.

Với mức tăng như hiện nay thì giá polyethylene vẫn chưa quay lại mức đỉnh vào mùa Xuân, khi giá nguyên liệu này ở châu Âu vào khoảng 2.000 USD/tấn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, do tình hình cung cấp năng lượng ở Trung Quốc sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa vào mùa nóng, việc về đỉnh dường như sẽ sớm xảy ra.

Sibur nhấn mạnh, việc kiểm soát tiêu thụ năng lượng đi cùng với môi trường giá than, hợp chất metanol ở mức cao sẽ góp phần đẩy giá polypropilen và polyethylene ở Trung Quốc trong tháng 10/2021. Họ giải thích rằng việc hạn chế năng lượng ở các tỉnh Quảng Châu, Giang Tô và Chiết Giang sẽ làm chậm quá trình sản xuất và ảnh hưởng đến biến động giá ở các khu vực khác.

Các chuyên gia cũng tin rằng việc tăng giá là không thể tránh khỏi. Chuyên gia Nina Adamova thuộc ngân hàng quốc doanh Nga Gazprombank (GPB) giải thích rằng một phần là do trong năm 2021, nhu cầu đối với sản phẩm hóa chất ở Trung Quốc cũng như ở nhiều nước khác đã tăng đáng kể. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) thông báo rằng trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng thì thì lợi nhuận của ngành công nghiệp hóa chất nước này đã tăng đến 145% trong giai đoạn từ tháng 1-8/2021.

Chuyên gia Adamova cho biết, trong bối cảnh nguồn cung các sản phẩm hóa dầu cho doanh nghiệp ở Trung Quốc và châu Âu bị cắt giảm, giá các sản phẩm hóa dầu trên thị trường thế giới và Nga nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trong quý IV/2021./.

Quang Vinh (TTXVN tại Moskva)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hau-qua-cua-cuoc-khung-hoang-nang-luong-trung-quoc/215584.html