Hậu quả khôn lường từ trào lưu 'anti vắc xin'

Thời gian gần đây, một số dịch bệnh bắt đầu xuất hiện trở lại. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tỉ lệ tiêm vắc xin giảm sút. Đáng lo ngại hơn, hiện nay có rất nhiều hội, nhóm 'anti vắc xin' (chống vắc xin) hoạt động sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội gây hoang mang trong cộng đồng, khiến nhiều người dao động, làm ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng phòng dịch bệnh cho người dân, nhất là với đối tượng trẻ em.

Tiêm vắc xin sởi cho trẻ 9 đến 12 tháng tuổi tại Trạm Y tế Phường 5, TP. Đông Hà - Ảnh: H.T

Tiêm vắc xin sởi cho trẻ 9 đến 12 tháng tuổi tại Trạm Y tế Phường 5, TP. Đông Hà - Ảnh: H.T

Cuối năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, bệnh sởi bùng phát ở các TP: Hà Nội, Hồ Chí Minh cùng nhiều địa phương khác. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch sởi bùng phát là do tỉ lệ tiêm vắc xin thấp. Trong đó số trẻ mắc sởi chủ yếu ở độ tuổi từ 4 tháng đến 8 tuổi, nhiều trẻ khi vào viện đã bị biến chứng viêm phổi, viêm thanh quản.

Mới đây, một em bé 4 tuổi ở Hà Nội tử vong sau khi mắc sởi, dù đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương nỗ lực cứu chữa. Qua khai thác tiền sử, các bác sĩ nhận thấy mặc dù đã 4 tuổi nhưng em bé này mới chỉ được tiêm một liều vắc xin viêm gan ngay sau sinh và một mũi vắc xin BCG trong vài tuần sau đó. Không chỉ vậy, tiền sử tiêm chủng của các trẻ khác trong gia đình đều có tình trạng tương tự.

Điều này khiến các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi là nạn nhân của tình trạng do dự hoặc chống tiêm chủng. Cuối tháng 3/2025 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cũng ghi nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh sởi trong năm 2025. Đây cũng là trường hợp chưa tiêm vắc xin có chứa thành phần sởi.

Được biết, hiện nay tuy tình hình bệnh truyền nhiễm trong nước cơ bản vẫn đang được kiểm soát nhưng bệnh sởi vẫn tiếp tục ghi nhận số mắc cao ở nhóm trẻ em tại một số tỉnh, thành phố. Trong số các ca mắc sởi, có 90,8% ca chưa tiêm vắc xin, 4,9% không rõ tiền sử tiêm chủng và 4,3% đã tiêm. Mặt khác, cả nước đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh cúm A(H5N1) trên người; một số bệnh lưu hành như bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng bắt đầu có xu hướng tăng cục bộ tại một số địa phương.

Tại Quảng Trị, tính đến ngày 4/5/2025, toàn tỉnh ghi nhận 233 ca sởi, 187 ca sốt xuất huyết, 30 ca tay chân miệng, 3 ca nghi uốn ván khác, 1 ca nghi ho gà, 1 ca nghi viêm màng não do não mô cầu. Bước vào thời điểm mùa hè với thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện biện pháp phòng chống dịch trong giai đoạn giao mùa. Trong đó tiếp tục đề cao vai trò của công tác tiêm chủng; yêu cầu Sở Y tế tiếp tục theo dõi, chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi năm 2025 đợt 3 trên địa bàn tỉnh, đồng thời căn cứ điều kiện thực tế và đặc thù tại địa phương để áp dụng các hình thức tiêm chủng phù hợp như tiêm chủng tại nhà, tại trường học và tiêm chủng lưu động.

Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng, tăng cường quản lý đối tượng tiêm chủng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm đủ các mũi vắc xin phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Cập nhật đầy đủ thông tin tiêm chủng của trẻ trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí để tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi để bảo vệ sức khỏe.

WHO nhiều lần khuyến cáo việc trẻ không được tiêm chủng đầy đủ là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu. Nguyên nhân phổ biến là do một số người dân do dự tiêm vắc xin, thiếu thông tin hoặc hiểu sai về vắc xin.

Ngoài ra, nhiều người có tâm lý chủ quan khi cho rằng bệnh truyền nhiễm hiện nay hiếm gặp hoặc không nguy hiểm. Một số cá nhân bị ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, nhất là việc kêu gọi người dân tham gia vào trào lưu chống vắc xin. Sau một vài trường hợp trẻ bị phản ứng phụ sau tiêm vắc xin, các trang chống vắc xin ngày càng lan rộng và là mối nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.

Trào lưu này mặc dù chủ yếu chỉ len lỏi trong thế giới ảo nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống thật nếu người dân không đủ tỉnh táo, không chủ động tìm hiểu những lợi ích to lớn mà vắc xin mang lại.

Nhờ vắc xin, người dân kiểm soát nhiều bệnh tật nguy hiểm mà trước đây đã từng gây ra đại dịch toàn cầu, ví dụ như bệnh đậu mùa. Việc tin tưởng vào những thông tin sai lệch, những trào lưu độc hại có thể sẽ tạo ra “lỗ hổng miễn dịch” lớn trong cộng đồng, gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của gia đình và cộng đồng.

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/hau-qua-khon-luong-tu-trao-luu-anti-vac-xin-193845.htm