Hậu sáp nhập - 3 yếu tố then chốt đưa bất động sản Bắc Ninh vào chu kỳ 'nóng'
Sau khi sáp nhập với Bắc Giang, Bắc Ninh đã trở thành một cực tăng trưởng mới đầy tiềm năng trên bản đồ kinh tế - đô thị phía Bắc.
Sự hợp nhất này mang đến những cú hích mạnh mẽ cho thị trường bất động sản (BĐS) địa phương, đặc biệt là phân khúc đất nền và các dự án đô thị vệ tinh. Với quy hoạch mới - hạ tầng đồng bộ - dòng vốn dồi dào - thị trường BĐS vùng sáp nhập chính thức bước vào “thập kỷ vàng” của tăng trưởng.
Hạ tầng giao thông kết nối đa chiều - Nâng tầm vị thế chiến lược
Sự phát triển vượt bậc của hạ tầng giao thông là điểm sáng nổi bật, biến Bắc Ninh thành một trung tâm kết nối liên vùng. Chỉ cách Hà Nội khoảng 60 phút di chuyển, tỉnh mới được hưởng lợi từ mạng lưới giao thông huyết mạch.
Theo báo cáo Quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của Bộ GTVT, Bắc Ninh nằm trên trục kết nối của 4 tuyến cao tốc trọng yếu gồm: Cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long và đặc biệt là tuyến Vành đai 4 vùng Thủ đô, dự kiến hoàn thành vào năm 2027, sẽ tạo ra một hành lang đô thị - công nghiệp mới, rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển và tăng cường liên kết giữa Bắc Ninh với các tỉnh lân cận cũng như các khu công nghiệp (KCN) trọng điểm.
Không dừng lại ở đó, tầm nhìn phát triển giao thông của Bắc Ninh còn vươn xa hơn với các dự án như Đề án đường sắt đô thị (metro) Hà Nội - Bắc Ninh đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi. Cùng với việc tái khởi động dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long, mạng lưới đường sắt quốc gia sẽ được hoàn thiện.

Đặc biệt, Sân bay quốc tế Gia Bình, với tầm nhìn trở thành cảng hàng không lớn nhất miền Bắc, vượt qua quy mô Sân bay Nội Bài, sẽ là một bước đột phá, biến Bắc Ninh thành cửa ngõ hàng không quan trọng của khu vực. Những dự án này không chỉ thúc đẩy giao thương mà còn là đòn bẩy mạnh mẽ cho thị trường BĐS công nghiệp và dân cư.
Quy hoạch liên vùng và ngân sách tăng mạnh - Tạo nền tảng phát triển bền vững
Sau sáp nhập, diện tích Bắc Ninh tăng lên khoảng 4.718 km² và dân số đạt hơn 3,6 triệu người, đưa tỉnh này vào top 10 tỉnh, thành phố có quy mô diện tích và dân số lớn nhất cả nước. Quy mô hành chính mở rộng tạo ra không gian phát triển mới, đặc biệt là trong quy hoạch đô thị liên vùng.
Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Điều này đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng kỹ thuật - xã hội, đặc biệt tại các đô thị trọng điểm.

Tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030.
Nguồn lực ngân sách được mở rộng đáng kể cũng là một yếu tố then chốt. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, sau sáp nhập, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của Bắc Ninh đạt hơn 441.000 tỷ đồng - Top 5 toàn quốc. Dòng ngân sách dồi dào này cho phép tỉnh ưu tiên huy động nguồn lực đầu tư công vào các dự án hạ tầng lớn, nâng cấp đô thị và phát triển khu dân cư mới. Sự rõ ràng trong quy hoạch và chiến lược phát triển sẽ thúc đẩy các dự án BĐS, đồng thời củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Đô thị hóa tăng tốc - nguồn cầu nhà ở bùng nổ
Với tổng dân số hơn 3,6 triệu người sau sáp nhập, Bắc Ninh đang đối mặt với nhu cầu nhà ở thực tăng cao, đặc biệt là từ lực lượng lao động di cư và chuyên gia làm việc tại các KCN. Theo thống kê, hiện có khoảng 650.000 lao động đang làm việc tại các KCN, CCN của Bắc Ninh như VSIP Bắc Ninh, KCN Yên Phong, KCN Quế Võ… và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Các dự án đất nền tại Bắc Ninh thu hút nhà đầu tư. (Ảnh: dự án Danko Riverside)
Để đáp ứng nhu cầu an cư cho người lao động, tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu hoàn thành gần 11.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025. Cùng với đó, phân khúc nhà ở thương mại và đất nền vẫn ghi nhận sức hút mạnh mẽ.
Dữ liệu từ một số sàn giao dịch BĐS lớn cho thấy, lượt tìm kiếm đất nền tại Bắc Ninh trong Quý I/2025 tăng hơn 60% so với Quý IV/2024. Giá đất tại các khu vực tiềm năng như Gia Bình và Đa Mai đã ghi nhận mức tăng 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy đà tăng ổn định, dựa trên nhu cầu thực và tiềm năng phát triển, chứ không phải là hiện tượng sốt ảo.
Sự đồng bộ của hạ tầng, quy hoạch đô thị cùng với nguồn cầu nhà ở thực đang tạo nên một sức nóng khó cưỡng trên thị trường BĐS Bắc Ninh. Những nhà đầu tư biết nắm bắt xu hướng - đón đầu khu vực lõi - sẽ là người sở hữu lợi thế lớn nhất trong cuộc đua “bắt sóng” đô thị mới mang tên - siêu vùng công nghiệp Bắc Giang - Bắc Ninh.