Hậu trường làm sách nói dành cho người khiếm thị

Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người khiếm thị dù hoạt động phi lợi nhuận nhưng luôn hướng đến chuyên nghiệp quy trình và nâng cao chất lượng sản phẩm.

9h sáng thứ năm tại phòng hội trường của Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người khiếm thị, 10 học viên lớp Tập huấn dành cho Tình nguyện viên đọc sách nói, độ tuổi trải dài từ thanh niên đến trung niên, ngồi quây tụ quanh người hướng dẫn - cựu phát thanh viên, giảng viên Khải Hoàn. Tất cả đều chăm chú lắng nghe, người dùng giấy bút, người mở ứng dụng ghi chú trên điện thoại. Bài giảng buổi đầu tiên là những kiến thức nền tảng về phát âm và giọng đọc tiếng Việt.

Thoạt nhìn, ít ai ngờ rằng học viên hầu hết đều là những người đã có ít nhiều kinh nghiệm phát thanh, dẫn chương trình truyền hình hay sản xuất nội dung âm thanh. Tuy vậy, ai ai cũng mong muốn trau dồi chuyên môn để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm sách nói của thư viện.

Tập huấn giọng đọc tại Thư viện Sách nói dành cho người khiếm thị Thư viện Sách nói Hướng Dương dành cho người khiếm thị luôn hướng đến chuyện nghiệp hóa quy trình và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Anh Trần Anh Khôi, Giám đốc Thư viện, cho biết sau đợt đăng tuyển gần đây, thư viện nhận được rất nhiều đơn đăng ký trở thành tình nguyện viên đọc sách. Công việc linh hoạt về thời gian, tiến độ, không có thù lao - nhưng thu hút được nhiều giọng đọc mong muốn tham gia.

Hướng đến chuyên nghiệp hóa quy trình

Thư viện Hướng Dương hiện có đội ngũ tình nguyện viên đọc sách, dò đọc, review sách, tóm tắt sách, truyền thông… hơn 100 người Việt Nam và ngoại quốc. Riêng khâu đọc thu âm hiện còn danh sách khoảng 50 người chờ thẩm định giọng và xếp lịch thu âm khi có chỗ trống.

Đại diện ban sản xuất cho hay dẫu là hoạt động phi lợi nhuận, thư viện vẫn luôn nỗ lực cập nhật, cải tiến chuyên môn, hướng đến quy trình sản xuất chuyên nghiệp.

27 năm kể từ ngày thành lập, thư viện đã thu âm hơn 3.000 cuốn sách. Tuy nhiên, do sản phẩm cũ là băng cassette và CD bị hư hỏng nhiều, năm 2020 website lại bị hack và phát tán ra các kênh không chính thức mà thư viện không thu hồi được toàn bộ nên website hiện tại của thư viện còn trên 2.500 sản phẩm sách nói phục vụ bạn đọc.

Sách thuộc đa dạng đề tài, thể loại: lịch sử, khoa học, y học, danh nhân, hạt giống tâm hồn, văn học, cổ tích, tâm lý học, kỹ năng sống, nuôi dạy con… Ngoài ra, thư viện luôn cập nhật các bộ sách giáo khoa mới nhất từ tiểu học đến trung học, và đọc sách giáo khoa đại học theo yêu cầu của các sinh viên khiếm thị…

Những năm gần đây, thư viện chuyển đổi quy trình theo hướng mới: áp dụng công nghệ vào sản xuất và quản lý, bổ sung hiệu ứng nhạc - âm thanh, đánh giá - giới thiệu sách, tăng thêm khâu kiểm tra/thẩm định nội dung tài liệu đọc, giọng đọc và thành phẩm.

Tại thư viện có 4 phòng thu, mỗi căn đều ốp cách âm và ngăn đôi bằng lớp kính (để 2 bên có thể nhìn thấy nhau), là nơi làm việc của người đọc và kỹ thuật viên. Một bên là dàn máy tính chỉnh âm, một bên máy thu giọng nói. Ngoài ra còn một phòng tự thu bố trí riêng cho tình nguyện viên đọc đã có chuyên môn tự thu âm.

Anh Trọng Thanh, cựu phóng viên, phát thanh viên và hiện là biên tập viên tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đã có 12 năm gắn bó với Thư viện. Vốn là người thích đọc sách, anh Thanh xem công việc này vừa là sở thích, niềm vui "được đọc sách miễn phí", vừa vận dụng thế mạnh sẵn có của mình "góp phần nhỏ bé đưa những cuốn sách hay đến những bạn khiếm thị".

Tình nguyện viên tại Thư viện sách nói dành cho người khếm thị Tình nguyện viên tại Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người khiếm thị gồm gần 100 người, ở các vị trí giọng đọc, truyền thông, review, viết tóm tắt…

Với chất giọng trầm ấm, biểu cảm, anh chuyên đọc sách văn học trong nước và quốc tế dịch ra tiếng Việt. Ngoài ra còn một số ấn phẩm mang tính thông tin pháp luật cần phổ cập, sách giáo khoa…

Sắp xếp phù hợp với lịch trình cá nhân, anh Trọng Thanh thường dành sáng thứ bảy 8h30-11h30 đến phòng thu. "Những cuốn mỏng và đơn giản, chỉ một buổi sáng là đọc xong. Những cuốn dày hơn thì cần nhiều thời gian hơn, tùy theo dung lượng. Có những sách dài, chẳng hạn bộ Hồi ký song đôi, tác phẩm Huy Cận viết về tình bạn với Xuân Diệu, tôi đọc mấy tháng mới xong", anh nhớ lại.

Tuy có chuyên môn giọng đọc và nhiều năm kinh nghiệm thu âm sách nói, anh Trọng Thanh vẫn rất mong chờ lớp tập huấn. "Một hoạt động rất bổ ích, sẽ giúp các giọng đọc tại thư viện chuyên nghiệp hơn. Công việc này bên cạnh chất giọng trời cho, cũng cần người đọc có kỹ năng xử lý văn bản, trong trường hợp cần đọc ngay tài liệu mà không có thời gian xem trước; và cả sự khổ luyện nhất định, để bản thu truyền đạt được tình thái, cảm xúc của văn bản", anh chia sẻ.

Bên cạnh hoạt động sản xuất và phổ cập sách nói, Quỹ Hướng Dương còn nhiều hoạt động khác như giải cờ vua cho người khiếm thị, tặng gậy dò đường cho người khiếm thị, trao học bổng Hướng Dương, học bổng Ánh Sen, dạy tin học, hướng dẫn kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh cho người khiếm thị…

Năm 2023, Thư viện tổ chức cuộc thi kể chuyện dành cho các em nhỏ khiếm thị mà anh Trọng Thanh là thành viên ban giám khảo. "Tôi hy vọng hoạt động này sẽ tìm được nguồn lực hỗ trợ để duy trì tổ chức, trở thành sân chơi thường niên cho các em", anh nói.

Quen biết chị Hướng Dương, người sáng lập Thư viện, hơn 20 năm từ những ngày chị mới vào nghề, cùng nhau làm các chương trình cho thiếu nhi, giờ đây anh chỉ tiếc nuối đã không tham gia thư viện sớm hơn. "Hướng Dương là một người tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết. Tôi mong rằng tấm lòng và thiện chí của cô ấy sẽ còn được lưu giữ và tiếp nối", anh bộc bạch.

Người khiếm thị thường có đôi tai nhạy bén, chỉ cần nghe giọng là biết người, nên cũng có những lần anh tình cờ được các thính giả của mình nhận ra. "Ngày trước tôi và Hướng Dương thường nhận được rất nhiều thư, bây giờ thời đại thay đổi, chẳng mấy ai còn viết thư tay, nhưng đến dịp Tết, vẫn rất nhiều thư chúc tết học sinh khiếm thị gửi về", anh xúc động kể.

Tỉ mẩn trong từng chi tiết

Tại thư viện, anh Trọng Thanh luôn được các kỹ thuật viên tận tâm và nhiệt tình hỗ trợ hết mình. Thư viện hiện có 4 kỹ thuật viên làm việc toàn thời gian, tất cả đều là người khuyết tật, đồng hành cùng người đọc trong suốt quá trình thu âm; trong đó có người đã gắn bó 19 năm với thư viện. Họ làm công việc tương tự "bông 1" trong bản thảo sách in: Đối chiếu với sách giấy, nghe để phát hiện lỗi sai, sót, phát âm chưa hoàn thiện và trực tiếp hỗ trợ các giọng đọc thu âm lại chỗ cần chỉnh sửa.

 Kỹ thuật viên là người làm công việc "bông 1" bản thảo tại chỗ và đồng hành cùng giọng đọc trong suốt quá trình thu âm sách nói. Ảnh: P.K.

Kỹ thuật viên là người làm công việc "bông 1" bản thảo tại chỗ và đồng hành cùng giọng đọc trong suốt quá trình thu âm sách nói. Ảnh: P.K.

Trên bàn chị Thanh Thảo, kỹ thuật viên phòng thu số 3, sắp xếp gọn gàng khoảng chục cuốn sách đa dạng thể loại: Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9, Nụ hôn mắc nợ (Khuê Việt Trường), Thần hồ (TchyA), Vụ ám sát ông Roger Ackroyd (Agatha), Ruồi trâu (Ethel Lilian Voynich), Những kẻ trung kiên (Veronica Roth)... kẹp những tờ ghi chú tiến độ, lỗi sai cần chỉnh sửa…

Vốn yêu thích sách, lại cảm phục nghĩa cử dành cho người khiếm thị của chị Hướng Dương, khi thấy thông tin đăng tuyển, chị đã nộp đơn và gắn bó với thư viện từ năm 2019 đến nay. Từ thứ hai đến thứ bảy chị đều đặn di chuyển hai chiều đi - về từ Củ Chi đến trung tâm thành phố. Công việc cần liên tục nghe âm thanh máy và nhìn màn hình, những khi cần giải lao chị lại ra ngoài phòng thu đi lại hành lang để thư giãn.

"Nếu người đọc sai sót hoặc chưa tròn vành rõ tiếng dù chỉ một chữ thì cũng cần thu âm lại cả câu câu hoàn chỉnh", chị nói. Người đọc và kỹ thuật viên luôn cố gắng làm trọn vẹn và hoàn chỉnh nhất có thể trong buổi thu âm.

Tuy nhiên, cũng tương tự sách in, sau "bông 1" sách nói vẫn cần trải qua công đoạn biên tập, sửa lỗi trước khi hoàn thiện. Không có "bông 2" thì sản phẩm có thể mắc lỗi sai chính tả, sai nội dung, lỗi kỹ thuật về âm thanh, nhạc.

Đảm nhiệm phần việc này là tổ dò đọc. Người dò đọc sẽ nghe và đối chiếu nội dung sách giấy với bản thu âm. "Công việc lặp lại, cũng có phần buồn chán, lại đòi hỏi độ tập trung, tỉ mỉ và nhẫn nại cao, do đó rất ít người gắn bó lâu dài", đại diện ban sàn xuất cho hay. Thiếu các biên tập viên "bông 2" này, tiến độ ra thành phẩm có thể bị trì trệ.

Đến nay Thư viện Hướng Dương là đơn vị duy nhất sản xuất và phát hành chính thức phiên bản sách nói cho các ấn phẩm sách giáo khoa phổ thông. Dòng sản phẩm này yêu cầu độ chính xác tuyệt đối, nhất là các chi tiết bảng biểu, số liệu…, bởi lẽ đây là học liệu phục vụ việc học tập và thi cử của học sinh khiếm thị… Khó khăn nhất là sách khoa học kỹ thuật, công nghệ, cả người đọc và người dò đều cần có hiểu biết chuyên môn và thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức mới để diễn đạt và dò lỗi những thuật ngữ chuyên ngành.

"Có khi thu âm rồi mà người đọc dò nghe lại, nhắm mắt tưởng tượng không ra được thì sẽ đề xuất diễn đạt lại", đại diện ban sản xuất nói. Những cơ sở giáo dục dành cho người mù có quy mô lớn, nguồn lực tốt có thể sản xuất được lượng sách chữ nổi đáp ứng nhu cầu của học viên. Tuy nhiên, sản phẩm sách giáo khoa phiên bản âm thanh của Thư viện Hướng Dương mang đến cơ hội tiếp cận giáo dục cho những học sinh mù vùng sâu, vùng xa, điều kiện khó khăn.

Dò đọc là công việc đòi hỏi sự tập trung và tỉ mỉ cao, có vai trò rất quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm sách nói. Ảnh: P.K.

Dò đọc là công việc đòi hỏi sự tập trung và tỉ mỉ cao, có vai trò rất quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm sách nói. Ảnh: P.K.

Hoàng Khôi (26 tuổi) là người đọc dò tại Thư viện từ tháng 10/2024 được đội ngũ sản xuất nhận định là "làm việc tận tâm, tỉ mẩn, không nề hà cả những sản phẩm khó". Công việc chính là nghe thu âm, đối chiếu với sách, đánh dấu và sau đó thống kê lại những lỗi cần sửa. "Khó nhất là làm sách tin học, cụ thể là code, địa chỉ website, vì phải chính xác đến từng dấu chấm, phẩy, ngoặc... Nếu sai thì người nghe thao tác sai khi thực hành", Khôi cho biết. Hiện, Khôi thường đến thư viện vào chiều thứ ba và thứ năm hàng tuần. "Mình rất thích và mong muốn gắn bó với công việc này, vì có thể đóng góp cho những việc làm ý nghĩa của thư viện", Hoàng Khôi nói.

Thư viện Hướng Dương luôn kỳ vọng có thêm nguồn lực để duy trì ổn định, mở rộng các hoạt động, đầu tư vào phòng thu, kỹ thuật viên, để tiếp tục hành trình thắp sáng ước mơ cho người mù nói riêng và người khuyết tật nói chung.

Thư viện sách nói dành cho người mù do chị Nguyễn Hướng Dương sáng lập, ra đời vào tháng 5/1998, thuộc Hội Phụ nữ Từ thiện TP.HCM; từ năm 2010 trực thuộc Quỹ từ thiện Sách Nói Cho Người Mù; năm 2018 đổi tên thành Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù. Tính đến năm 2024, Thư viện đã thu âm trên 3.000 tựa sách, phát hành trên 475.000 băng đĩa sách nói phục vụ cho người mù trong cả nước. Trang websachnoionline.com của Thư Viện ra đời vào năm 2008, đổi sang thuviensachnoihuongduong.com vào năm 2022, đến nay đã thu hút hơn 20 triệu lượt truy cập.

Thư viện còn có các chương trình khác phục vụ người mù như “Học bổng Hướng Dương dành cho sinh viên mù” đã trao 1.011 suất học bổng và 242 laptop cho 295 sinh viên, “Học bổng Ánh Sen dành cho học sinh mù” đã trao 4.541 suất cho học sinh. Cô Nguyễn Hướng Dương nhận Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2010, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Giáo dục” năm 2014. Năm 2018, một năm sau khi Thư viện được UBND TP.HCM cấp cho mặt bằng rộng gần 180 m2 tại số 18B Đinh Tiên Hoàng, Phường Đakao, Quận 1, TP.HCM (nay là Phường Tân Định, TP.HCM), Hướng Dương qua đời vì tai nạn. Người đầu tàu mất đi nhưng nhiệt huyết vẫn còn mãi, các nhà hảo tâm, các tình nguyện viên, Hội đồng Quản lý Quỹ từ thiện sách nói cho người mù và nhân viên thư viện vẫn quyết tâm duy trì hoạt động của thư viện.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/hau-truong-lam-sach-noi-danh-cho-nguoi-khiem-thi-post1566142.html