Hay bị nhầm với nấm rơm, nấm độc nguy hiểm nhất thế giới đang lây lan cực mạnh
Loài nấm độc mang tên nấm mũ tử thần đang lây lan mạnh tại vùng Bắc Mỹ. Nguyên nhân lây lan khiến giới khoa học bối rối.
Có tên khoa học là Amanita phalloides, nấm mũ tử thần là nguyên nhân gây ra 90% số ca tử vong liên quan đến nấm xảy ra hàng năm, khiến chúng trở thành loại nấm nguy hiểm nhất thế giới, National Geographic thông tin.
Amanita phalloides, loài có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao nhất, thường bị nhầm với nấm rơm, Thư viện Y học Quốc gia Mỹ (NLM) nhận định.
Loại nấm này có nguồn gốc từ Vương quốc Anh và một số vùng của Ireland, nhưng trong thế kỷ qua, nó đã lan sang Australia và Bắc Mỹ.
Kể từ khi đến Bờ Tây nước Mỹ, loại nấm xâm lấn này đã lan rộng nhanh chóng khắp bang California và thậm chí còn xuất hiện ở tận phía bắc Bắc Mỹ như British Columbia - tỉnh cực tây của Canada, nhưng phần lớn nguyên nhân sự xuất hiện của nấm mũ tử thần vẫn còn là một bí ẩn.
Tại sao nấm lại lây lan nhanh như vậy, chính xác khi nào nó xuất hiện và nó sẽ tác động như thế nào đến môi trường mà nó phát triển là những chủ đề đang được nghiên cứu.
Đây là những điều bạn cần biết về loài nấm chết người này và cách phát hiện chúng.
Chất độc hủy diệt tế bào của nấm mũ tử thần
Nấm mũ tử thần cao hơn 15 cm với mũ hình vòm có kích thước tương tự. Chiếc mũ của nó đôi khi có màu vàng hoặc xanh lục. Phía bên dưới mũ có màu trắng và thân màu trắng nhạt- những đặc điểm này khiến chúng ta khó phân biệt với một loại nấm ăn được.
Tuy nhiên, không giống như một loại nấm ăn được, nấm mũ tử thần có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho gan và thận, hoặc trong một số trường hợp có thể gây tử vong.
Đó là bởi vì nấm mũ tử thần có chứa một loại độc tố đặc biệt, nhà nghiên cứu bệnh học thực vật của Bộ Nông nghiệp Mỹ Milton Drott cho biết.
Mặc dù an toàn khi chạm vào nhưng nấm mũ tử thần có chứa Amatoxin - chất ngăn cản tế bào tạo ra protein, cuối cùng gây chết tế bào và suy nội tạng (suy gan cấp tính). Amatoxin biến mất nhanh chóng khỏi máu vì chúng được đưa vào tế bào nhanh chóng.
Độc tố Amatoxin bền nhiệt và do đó không bị phá hủy khi nấu; chúng cũng không bị phá hủy bằng cách đông lạnh hoặc đông khô. Amatoxin vẫn độc hại sau thời gian bảo quản kéo dài.
Chất độc Amatoxin nhắm vào gan và ức chế sự phiên mã (quá trình tổng hợp RNA từ mạch khuôn của gen) từ axit deoxyribonucleic thành axit ribonucleic truyền tin và làm suy yếu quá trình tổng hợp protein, dẫn đến chết tế bào.
Ngộ độc Amatoxin đặc biệt nguy hiểm vì các triệu chứng xuất hiện muộn hơn sau khi ăn nấm. Khi bệnh nhân cảm thấy ốm, mệt thì đã quá muộn, Sciencedirect thông tin.
Milton Drott nhận định rằng chất độc này có thể đã cho phép các quần thể nấm mũ tử thần phát triển mạnh và lan rộng khắp Mỹ, vì do sở hữu chất độc, chúng có khả năng phòng vệ chống lại bất kỳ kẻ săn mồi mới nào mà nấm gặp phải trong môi trường mới của nó.
Một số loại nấm có thể hủy hoại môi trường, giống như loại nấm đã quét sạch cây Hạt dẻ Mỹ, nhưng cho đến nay, không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy nấm mũ tử thần là mối đe dọa đối với môi trường mới của chúng. Trên thực tế, cây cối và các loại thực vật khác đều được hưởng lợi từ sự hiện diện của chúng.
Nấm mũ tử thần là một loại nấm rễ cộng sinh, có nghĩa là chúng hình thành mối quan hệ với thực vật, mang lại lợi ích chung cho cả thực vật và nấm. Cây nhận được chất dinh dưỡng từ đất mà nấm chiết xuất, trong khi nấm nhận được đường từ cây.
Câu hỏi lớn về nấm mũ tử thần
Anne Pringle, nhà nấm học tại Đại học Wisconsin-Madison, Mỹ và là chuyên gia hàng đầu về nấm mũ tử thần, cho biết gần như không thể xác định chính xác thời điểm thực tế loài nấm chết người này xâm nhập miền Tây nước Mỹ và tại sao nó tiếp tục lan rộng kể từ đó.
Kỷ lục sớm nhất về nấm ở bang California là từ những năm 1930. Một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng nấm mũ tử thần đã 'di cư' vào đất của một cây sồi bần được vận chuyển từ châu Âu đến bang California để làm nút chai cho ngành công nghiệp rượu vang đang phát triển lúc bấy giờ.
Những người khác cho rằng loại nấm này có thể đã bám theo một loại cây bí ẩn được nhập khẩu để làm đẹp cho khuôn viên trường đại học.
Khi các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện ra nấm mũ tử thần ở Mỹ, họ nghĩ rằng chúng có thể có nguồn gốc từ khu vực bản địa vì mức độ phổ biến của chúng.
Năm 2009, nhà nấm học Anne Pringle là người đầu tiên coi quần thể nấm mũ tử thần ở California là loài xâm lấn, một phát hiện mà bà thực hiện được khi kiểm tra DNA của chúng.
Và khi các nhà khoa học nhận ra rằng nấm mũ tử thần mới lan sang Mỹ, không có bất kỳ dữ liệu nào có sẵn để cung cấp manh mối về chính xác nơi nó xâm nhập vào Bắc Mỹ và tốc độ nhân lên của nó.
Anne Pringle cho biết, nghiên cứu về nấm mũ tử thần xâm lấn trong môi trường là khá mới, vì vậy câu trả lời cho câu hỏi tại sao nấm mũ tử thần lại lan rộng và tác động của nó đối với hệ sinh thái địa phương có thể còn phải mất nhiều năm nữa.
Milton Drott cho rằng loài nấm này có thể sinh sôi nảy nở vì nó phát triển mạnh trên vùng đất mới.
Nghiên cứu của ông đã tiết lộ ít nhất một manh mối: Các gen chịu trách nhiệm sản xuất độc tố trong nấm mũ tử thần của Mỹ cực kỳ độc đáo, rất khác biệt với cùng loài ở châu Âu. Đây có thể là chìa khóa để hiểu loài thực vật xâm lấn này đã phát triển như thế nào ở Bắc Mỹ.
Đầu năm 2023, các nhà khoa học đã công bố nghiên cứu sơ bộ cho thấy nấm mũ tử thần có thể sinh sản cả khi có và không có nấm 'đối tác'.
Cách nhận biết nấm mũ tử thần
Dù có độc chết người nhưng nấm mũ tử thần có vẻ ngoài hiền lành. Chất độc của nấm mũ tử thần không có mùi hoặc mang lại bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào khác. Độc tố của nấm mũ tử thần cũng cực kỳ ổn định khi đun nóng và không bị phân hủy khi nấu chín, không giống như các loại nấm ăn được khác - chỉ nguy hiểm khi ăn sống.
Đó là lý do tại sao các nhà khoa học khuyên bạn nên thận trọng và tránh xa việc tìm kiếm nấm. Anne Pringle cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm hiểu các loài thực vật trong môi trường địa phương của bạn.
"Nếu bạn có thể phân biệt được giữa củ cải Thụy Sĩ và rau bina, bạn có thể phân biệt được giữa nấm ăn được và nấm độc".
Nhiều nấm mũ tử thần đã được tìm thấy ở các Công viên Quốc gia, bao gồm Bờ biển Quốc gia Point Reyes ở bang California, nơi Anne Pringle hỗ trợ nghiên cứu về sự xâm lấn của nấm độc này vào năm 2010.
Cố vấn khoa học của Cơ quan Công viên Quốc gia (NPS) Ben Becker lưu ý rằng các nhân viên của công viên liên tục nhìn thấy các loài xâm lấn mới với sự di chuyển thường xuyên của con người và thiết bị, và nấm mũ tử thần là một ví dụ điển hình về cách con người có thể vận chuyển những "kẻ xâm lấn" nấm nhỏ bé trên khắp thế giới.
Nguồn: National Geographic, Sciencedirect