Hãy 'Lười' một chút đi

Trong cuốn sách 'Lười', Celeste Headlee bàn về chứng nghiện hiệu suất và năng suất trong xã hội hiện đại, mang đến thông điệp về sự nghỉ ngơi, cân bằng thời gian.

Con người ngày nay dường như đang hoạt động với hiệu suất và năng suất cao hơn bao giờ hết, dù là khi tập thể dục hai lần một ngày, học ngoại ngữ hay làm thêm giờ tại một công ty công nghệ khởi nghiệp.

Tuy nhiên, theo Celeste Headlee, chuyên gia truyền thông và hành vi con người, chứng nghiện hiệu suất chính là điều khiến cho chúng ta căng thẳng, đổ bệnh và sau cùng là không hạnh phúc. Từ nhiều năm nay, chúng ta đã luôn cố gắng theo đuổi những tiêu chuẩn không ngừng tăng cao, như thể ý nghĩa cuộc đời mình phụ thuộc hết vào năng suất cao và hoàn toàn coi nhẹ sức mạnh của trạng thái thư nhàn.

Đây cũng chính là một trong những thông điệp được Celeste Headlee đề cập đến trong cuốn sách có cái tên ngắn gọn: Lười.

Theo Headlee, nếu một người thấy bản thân cứ không ngừng thêm việc vào danh sách cần làm, lúc nào cũng tìm cách tối ưu hóa thời khóa biểu và ước gì một ngày có nhiều hơn 24 giờ, có lẽ người đó đang là nạn nhân của “giáo hội năng suất” - thái độ "mình càng bận rộn càng tốt", và chưa bao giờ hiện tượng này mạnh mẽ như hiện tại.

Hội chứng cuồng năng suất cũng khiến ta cảm thấy tội lỗi khi tận hưởng nghỉ ngơi. Thời đại Công nghiệp đã thay đổi cách trả lương cho người lao động, khi nhận lương theo giờ thay vì theo đầu việc. Việc này đã thay đổi thái độ của họ đối với thời gian - nhất là đối với thời gian không làm việc.

Khi người lao động học được rằng mỗi giờ của mình đều có giá trị tiền bạc, họ sẽ càng ngày càng thấy một giờ nghỉ ngơi là xa xỉ. Rồi khi tổn thất tài chính từ việc nghỉ ngơi ngày càng rõ, chúng ta sẽ bắt đầu nghĩ coi thời gian nghỉ là thời gian lãng phí.

 Cuốn sách "Lười" của Celeste Headlee. Ảnh: Tuệ Tri.

Cuốn sách "Lười" của Celeste Headlee. Ảnh: Tuệ Tri.

Vì vậy, chẳng có gì bất ngờ khi ta thường cảm thấy khó ngắt kết nối công việc ngay cả khi đã về nhà. Thậm chí các nhà nghiên cứu đã dùng khái niệm thời gian bị ô nhiễm để nói về những khoảng thời gian nghỉ mà ta vẫn cảm thấy cần phải trả lời những email, những cuộc gọi và trăn trở về những quyết định trong công việc.

Hệ lụy từ thời gian bị ô nhiễm là nhiều người không bao giờ thực sự cảm thấy thư giãn.

Đặc biệt, việc theo đuổi hiệu suất cao không chỉ xuất hiện trong công việc của nhiều người mà còn "thâm nhập" cả vào đời sống riêng. Ngay cả khi nhiều năm không đi làm, ta vẫn có thể bị tác động bởi cái tư tưởng đặt nặng việc liên tục cải thiện bản thân và bận rộn chỉ để bận rộn.

Hơn thế nữa, sự phổ biến của mạng xã hội càng khiến con người dễ so sánh bản thân với người khác. Nếu không cẩn thận, khao khát vượt mặt người khác sẽ khiến cho ta không ngừng thi đua trở thành người hoạt động năng suất và hiệu quả nhất trên mạng. Và chẳng cần nói cũng biết, đó là một cuộc đua ta không bao giờ thắng được.

Trong cuốn sách, Celeste Headlee cho rằng chú trọng vào hiệu suất có thể tước đi những kết nối ý nghĩa giữa người với người. Song, chỉ cần vài thay đổi đơn giản cũng có thể giúp ta sống chậm lại và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Hãy học cách nâng cao nhận thức thời gian của bản thân, bắt đầu bằng việc ghi lại các hoạt động mình đã thực hiện để nắm rõ nhận thức về thời gian của mình hơn. Nhớ là phải ghi chép mọi hoạt động, kể cả là việc lướt mạng xã hội.

Khi đã nhận thức được rõ ràng cách sử dụng thời gian của bản thân, hãy lập thời khóa biểu theo mong muốn. Nên nhớ, thời khóa biểu này phải ưu tiên nghỉ ngơi thay vì hiệu suất. Hãy dành ra một khoảng thời gian mỗi ngày để cho phép bản thân hoàn toàn không làm gì, không năng suất.

Với Lười, Celeste Headlee đem đến cả phương thức chẩn đoán lẫn kế hoạch hành động bằng cách kết hợp thông tin tổng quát về những sai lầm trong quá khứ của chúng ta, những hệ lụy hiện tại của việc quá ôm đồm cùng với những cách thức cải thiện vô cùng đơn giản cho tương lai để tạo nên một liều thuốc giải cho thế giới cuồng năng suất này. Tác giả kêu gọi chúng ta cần bắt đầu cho phép bản thân trải nghiệm hạnh phúc thực thụ từ việc không làm gì.

Phúc Xuyên

Nguồn Znews: https://znews.vn/hay-luoi-mot-chut-di-post1482500.html