Theo Tổng giám mục Justin Welby, lãnh đạo Nhà thờ Anh giáo, lễ đăng quang của vua Charles III sẽ là dịp tân vương đoàn kết mọi thành phần trong xã hội Anh. Thủ lĩnh các cộng đồng Phật giáo, Hindu giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo và Sikh giáo sẽ tham gia vào các khía cạnh khác nhau trong lễ đăng quang. Sự kiện cũng sẽ chứng kiến sự tham gia lần đầu tiên của các nữ giám mục. Thánh ca sẽ được hát bằng tiếng Anh, thổ ngữ Wales, Scotland và Ireland.
"Lễ đăng quang bao gồm những yếu tố đa dạng của xã hội hiện đại của chúng ta. Tôi cầu mong tất cả sẽ tham gia và tận hưởng nghi lễ này, bất kể tín ngưỡng, và họ có thể tìm nguồn cảm hứng và niềm vui", Tổng giám mục Welby nói.
Lễ đăng quang là dịp để Vua Charles chứng minh cho người dân xứ sở sương mù thấy sau 1.000 năm trị vì, hoàng gia Anh tiếp tục có chỗ đứng vững chắc tại đất nước đang ngày càng trở nên đa dạng về văn hóa, sắc tộc, tôn giáo. Lễ đăng quang của Vua Charles diễn ra vào thời điểm rất khác so với mẹ của ông, cố Nữ hoàng Elizabeth, lên ngôi. Theo thống kê, hiện chỉ còn chưa đầy 50% người Anh theo Anh giáo.
Chủ đề của lễ đăng quang xoay quanh sự phục vụ của Vua Charles với đất nước. Đầu buổi lễ, thành viên trẻ nhất của giáo đoàn sẽ chào đón Vua Charles. Nhà vua sẽ đáp lại bằng câu: "Nhân danh Ngài và theo bước Ngài, tôi tới đây để phục vụ chứ không phải để được phục vụ". Theo Nhà thờ Anh giáo, khoảnh khắc này nhằm đề cao tầm quan trọng của thế hệ trẻ hiện nay.
Lễ đăng quang cũng có nhiều yếu tố nhấn mạnh các nghi lễ truyền thống, mà thông qua đó, quyền lực đã được truyền qua các thế hệ vua và nữ hoàng Anh hàng trăm năm qua.
Một trong đó là lễ xức dầu cho nhà vua. Việc xức dầu sẽ được thực hiện sau tấm bình phong. "Khi tấm bình phong được gỡ bỏ, nhà vua sẽ ra mắt thần dân, ông trở thành người đảm nhận trách nhiệm phục vụ Chúa và thần dân", giáo hội Anh giáo cho biết.
Một số vật dụng của hoàng gia cũng sẽ được giới thiệu trong buổi lễ như vương trượng và quả cầu, biểu tượng cho quyền lực và trách nhiệm của hoàng gia. Các thành viên của Thượng viện Anh đến từ cộng đồng tôn giáo Hindu, Do Thái, Hồi, Sikh cũng sẽ trình lên nhà vua những đồ vật không có dấu ấn của Cơ đốc giáo, đây là điểm mới của nghi lễ thể hiện bối cảnh tôn giáo đã thay đổi ở Anh.
Tân vương sau đó sẽ chính thức lên ngôi, điệp khúc "Chúa bảo vệ nhà vua" sẽ được hát vang khắp tu viện. Sau lễ đăng quang, những người có mặt tại tu viện và người dân theo dõi qua truyền hình sẽ được mời phát biểu thể hiện lòng trung thành với nhà vua.
Cuối buổi lễ, đại diện các cộng đồng tôn giáo ở tu viện Westminster sẽ đồng thanh chào mừng tân vương. Sau đó, Vua Charles sẽ diễu hành bằng xe ngựa hoàng gia trên đường phố London để ra mắt thần dân.
Duy Anh
Ảnh: Reuters.