Hé lộ nhà đầu tư chiến lược mua hơn 7,1 triệu cổ phiếu của GC Food
Với giá chào bán không thấp hơn 30.000 đồng/cổ phiếu, GC Food dự kiến thu về hơn 214 tỷ đồng để góp vốn, trả nợ và bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Năm 2025, GC Food đặt mục tiêu doanh thu thuần 716 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 90 tỷ đồng, tăng lần lượt 24% và 41% so với năm 2024
Sáng 10/4, Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food, mã chứng khoán: GCF) tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2025. Một trong những nội dung được cổ đông quan tâm là phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ với số lượng 7,135 triệu cổ phiếu.
Thời gian chào bán là trong năm 2025. Với giá chào bán không thấp hơn 30.000 đồng/cổ phiếu, GC Food dự kiến thu về hơn 214 tỷ đồng để góp vốn, trả nợ và bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Cụ thể, GC Food sẽ dành 130 tỷ đồng để góp vốn vào hai công ty con là Công ty Cổ phần Thực phẩm Cô Cô Việt Nam (80 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt (50 tỷ đồng); dành 40 tỷ đồng để trả các khoản nợ vay ngắn hạn tại các ngân hàng và hơn 44 tỷ đồng còn lại được bổ sung vào vốn lưu động.
Nhà đầu tư chiến lược duy nhất được GC Food chào bán là Công ty Cổ phần Nguyên liệu Á Châu AIG (Mã chứng khoán: AIG). Đây là doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà GC Food đưa ra như: Là cổ đông hiện hữu của công ty, có năng lực tài chính mạnh, có thể hỗ trợ về vốn, công nghệ, quản trị, kinh doanh và có cam kết hợp tác ít nhất là 3 năm.
Theo số liệu công bố, Công ty Cổ phần Nguyên liệu Á Châu AIG hiện đang là cổ đông lớn nhất của GC Food khi nắm giữ hơn 13,65 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 44,5%). Đợt tăng sở hữu gần đây nhất của Công ty Cổ phần Nguyên liệu Á Châu AIG đối với GC Food là khi doanh nghiệp này mua vào 2,94 cổ phiếu hồi tháng 7/2024.
AIG được thành lập từ năm 2001, hiện đang hoạt động với vốn điều lệ hơn 1.706 tỷ đồng và hệ sinh thái gồm 8 công ty con trực tiếp, 2 công ty con gián tiếp, 1 công ty liên doanh gián tiếp và 2 công ty liên kết gián tiếp, cùng 1 trung tâm nghiên cứu và 4 quỹ đầu tư. Năm 2024, AIG đạt doanh thu hơn 12.425 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 836 tỷ đồng.

Nhà máy chế biến nha đam của GC Food
Chia sẻ với các cổ đông, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch Hội đồng quản trị GC Food, cho biết: Năm 2024 là một năm ghi dấu ấn mạnh mẽ của GC Food với sự phát triển vượt bậc trên nhiều phương diện. Trong đó, doanh thu thuần đạt 578,7 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 64 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với năm trước. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của GC Food đã tăng từ 767 đồng lên 1.969 đồng.
Theo báo cáo tài chính riêng đã được kiểm toán, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty tính đến ngày 31/12/2024 là 117,5 tỷ đồng. Hội đồng quản trị đề xuất chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 16% trên vốn điều lệ, tương ứng với số tiền 51,5 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty dự kiến phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 10% vốn điều lệ tại thời điểm thực hiện, tương đương 39,3 tỷ đồng.
Năm 2025, GC Food đặt mục tiêu doanh thu thuần 716 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 90 tỷ đồng, tăng lần lượt 24% và 41% so với năm 2024. Để đạt mục tiêu này cho năm 2025 nói riêng và các năm tiếp theo, GC Food sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm mới, đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại, bao gồm các sản phẩm hữu cơ, ít đường và các sản phẩm chế biến sâu từ nha đam và dừa.
Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, công ty sẽ tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là những sản phẩm có lợi cho sức khỏe như nước ép nha đam collagen, thạch dừa giàu dinh dưỡng, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
“Trong quý 1/2025, GC Food ghi nhận kết quả kinh doanh rất tích cực với doanh thu đạt gần 150 tỷ đồng (tăng 24%) và lợi nhuận trước thuế 29 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước”, ông Nguyễn Văn Thứ báo tin vui cho các cổ đông và khẳng định: Mỹ không phải là thị trường trọng điểm nhưng công ty vẫn theo dõi chặt chẽ những diễn biến về thuế quan để có những thích ứng kịp thời, tận dụng các Hiệp định thương mại để tiếp tục mở rộng thị phần tại các thị trường tiềm năng như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.