Hệ lụy khi người trẻ ngại kết hôn

Người trẻ vẫn thường nói vui rằng: 'Ế là một xu thế'. Song, đây là thực trạng xã hội không thể thờ ơ vì hiện nay, kết hôn muộn đang dần trở thành xu hướng và là vấn đề đáng lo ngại của xã hội, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng dân số trong tương lai.

Người trẻ đang ngày càng có xu hướng kết hôn muộn. Ảnh minh họa.

Người trẻ đang ngày càng có xu hướng kết hôn muộn. Ảnh minh họa.

Muôn vàn lý do trì hoãn

Chưa chuẩn bị tâm lý, tài chính hạn chế, muốn theo đuổi sự nghiệp hay thích tự do... là những lí do khiến nhiều người trẻ hiện nay có xu hướng kết hôn muộn.

Đặc biệt với thế hệ Z, quan niệm về hôn nhân có sự khác biệt và cởi mở hơn rất nhiều. Họ dành thời gian để theo đuổi đam mê, phát triển bản thân, tận hưởng sự tự do cùng bạn bè và không quá đặt nặng vấn đề kết hôn.

Nhất là trong thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay, việc hẹn hò yêu đương không còn quá khó khăn. Những ứng dụng hẹn hò xuất hiện làm gia tăng cơ hội kết nối với nhau nhưng khoảng cách từ tình yêu đến hôn nhân lại là chặng đường dài và khác biệt hơn.

Anh Lê Nguyễn Sơn Tùng (25 tuổi) nhân viên marketing tại một công ty ở Hà Nội thừa nhận bản thân chưa nghĩ đến chuyện kết hôn, ít nhất là trong 5 năm tới.

Anh Tùng cho rằng hiện tại bản thân đã đủ bận rộn với công việc, rèn luyện sức khỏe, tụ tập bạn bè vào cuối tuần hay đi du lịch đây đó... Mục tiêu anh hướng tới là thúc đẩy bản thân có thể phát triển toàn diện, sau đó mới tìm kiếm người bạn đời của mình.

“Tôi không ngại việc bị bạn bè trêu là chưa có người yêu vì nếu bản thân tôi chưa đủ tốt, kinh tế chưa vững thì tôi chưa sẵn sàng để bắt đầu một mối quan hệ tình cảm với ai đó”, anh Tùng chia sẻ.

Trường hợp khác, chị Trịnh Hồng Nhung (27 tuổi, ở Uông Bí, Quảng Ninh) thì cho rằng bản thân đã nghĩ đến chuyện tìm kiếm bạn đời nhưng sau những “vấp ngã” trong chuyện tình cảm chị đã không còn đặt niềm tin quá nhiều vào tình yêu.

“Bỏ thời gian để tìm hiểu một người cũng là một khoảng thời gian khá dài, nếu mối quan hệ đó không đi đến đâu thì tôi nghĩ sẽ phí hoài tuổi trẻ. Vì thế nên bây giờ tôi đang tập trung phát triển bản thân, chọn học thêm một ngôn ngữ, làm cho mình đẹp hơn... Tôi nghĩ đến khi đó sẽ có người phù hợp với mình, vì “mây tầng nào gặp gió tầng ấy”, chị Nhung nói.

Suy nghĩ của anh Tùng hay chị Nhung đã không còn hiếm gặp trong xã hội hiện nay và chính quan niệm khác biệt đó dẫn đến sự thay đổi trong xu hướng kết hôn của người trẻ Việt.

Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân do tác động từ bên ngoài như những cuộc tình đẹp rồi đổ vỡ của các cặp đôi nổi tiếng hay câu chuyện hôn nhân tan vỡ ngày càng nhiều trong xã hội hiện nay... cũng là một trong những lý do khiến nhiều người trẻ ngại kết hôn.

Áp lực dân số già

Theo dự báo của Cục Dân số, đến năm 2030 Việt Nam sẽ có dân số già, tức người 60 tuổi trở lên chiếm 20%. Đến năm 2050, Việt Nam có thể sẽ có dân số siêu già, nghĩa là người cao tuổi chiếm đến 35%. Từ đó kéo theo tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trầm trọng, ảnh hưởng đến kinh tế đất nước.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thúy Hạnh (Đại học Y Hà Nội), xét về mặt y học, việc kết hôn muộn, sinh ít con, thậm chí không kết hôn và sinh con sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy: Chất lượng dân số giảm do con dễ bị dị tật, phụ nữ khó thụ thai hơn độ tuổi 20-29, tình trạng dân số già...

"Còn dưới góc độ xã hội, điều này sẽ tác động trực tiếp tới cấu trúc gia đình, văn hóa gia đình truyền thống bị phá vỡ, xung đột thế hệ, mâu thuẫn gia đình do con cái không muốn kết hôn và sinh con, gây tổn thương về tinh thần cho nhiều bậc cha mẹ. Cùng với đó, nguồn lao động sẽ bị thiếu hụt và không đáp ứng chất lượng lao động, thiếu thế hệ nối tiếp...", PGS.TS Nguyễn Thị Thúy Hạnh phân tích.

Về những ảnh hưởng của xu hướng kết hôn và sinh con muộn có thể xảy đến với bản thân các cặp vợ chồng, tác động đến cơ cấu dân số xã hội, theo TS Tâm lý học Nguyễn Tuấn Anh - Viện Nghiên cứu thanh niên, khi tỷ lệ sinh thấp, quá trình già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh hơn và tạo gánh nặng về phúc lợi xã hội. Việc con cái quá nhỏ trong khi bố mẹ đã lớn tuổi cũng gây ra áp lực cho mỗi gia đình trong cả việc chăm sóc con, cũng như chăm sóc người cao tuổi.

Đặc biệt trong bối cảnh các gia đình sinh ít con mà các cặp vợ chồng lại trì hoãn việc sinh con thì sẽ tạo áp lực rất lớn, gây ra tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trầm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước...

Trong khi đó, với tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện nay và tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại, dự kiến sẽ có 1,5 triệu nam giới bị dư thừa do không có đối tượng kết hôn vào năm 2034, và tới năm 2050 sẽ có tới hơn 4 triệu nam giới phải đối diện nguy cơ không lấy được vợ. Như vậy, kết hôn sớm hay muộn không còn là câu chuyện của cá nhân mà nhìn rộng hơn điều này gây thiếu hụt nguồn lao động cho xã hội. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quyết định số 558/QĐ-TTg về “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030”, khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Đồng thời, giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao. Duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế.

Mặc dù việc kết hôn và sinh con là lựa chọn của mỗi người, tùy vào điều kiện và kế hoạch của cá nhân, gia đình để quyết định việc kết hôn, sinh con, bảo đảm chăm sóc, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Tuy nhiên, thế hệ trẻ cần coi trọng việc kết hôn sớm, đây cũng là cách để đánh dấu sự trưởng thành và hướng tới một tương lai ổn định, đồng thời thể hiện trách nhiệm của công dân đối với xã hội và cộng đồng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

MAI ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/he-luy-khi-nguoi-tre-ngai-ket-hon-10283902.html