Hệ thống Golden Dome cần tới 950 tên lửa để chặn 1 ICBM của đối phương
Hệ thống phòng thủ tên lửa Golden Dome của Mỹ mặc dù vừa được manh nha phát triển đã phải nhận chỉ trích vì tính thiếu khả thi.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Golden Dome (Vòm vàng) được Mỹ phát triển theo xu hướng “Chiến tranh giữa các vì sao”, khi triển khai tên lửa đánh chặn ngoài không gian.

Lầu Năm Góc cho biết họ đã có công nghệ để bắt tay vào việc phát triển tên lửa đánh chặn bố trí ngoài không gian, có khả năng phá hủy từ xa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của kẻ thù.

Theo tờ Defense One, hiện tại các tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn nhất của Mỹ vẫn đang chờ đợi chỉ dẫn rõ ràng từ Lầu Năm Góc liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa Golden Dome để bắt tay vào việc.

Trong lúc này, giới truyền thông nhắc lại việc Washington lần đầu tiên cố gắng tạo ra một lá chắn tên lửa trên không gian ngay từ thời điểm đầu những năm 1980.

Mới đây Tập đoàn Lockheed Martin đã phát hành đoạn giới thiệu dành riêng cho “Vòm vàng”, họ cho biết muốn sử dụng kinh nghiệm về tên lửa đánh chặn trên bộ và trên biển để trang bị cho tổ hợp mới.

Mặc dù vậy theo giới phân tích việc đưa tên lửa đánh chặn vào không gian và bắn trúng ICBM của đối phương đang trong giai đoạn tăng tốc vẫn là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, ít nhất là với công nghệ hiện nay.

Trong khi ngành công nghiệp quốc phòng đang cân nhắc các khái niệm cho hệ thống phòng thủ tên lửa mới, Lầu Năm Góc đang phải vật lộn với một vấn đề lớn hơn đó là làm thế nào để mở rộng kiến trúc và chi trả cho số lượng lớn đạn đánh chặn để sẵn trên không gian.

Theo ông Todd Harrison - thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, có thể cần tới 950 tên lửa đánh chặn trên quỹ đạo để bắn hạ duy nhất 1 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của đối phương.

“Nếu vậy, chính phủ sẽ cần khoảng 10.000 tên lửa đánh chặn nếu kẻ thù phóng 10 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa", chuyên gia Harrison cho biết điều này về mặt kinh tế là bất khả thi.

Vấn đề nữa phải nói tới là các công ty Mỹ muốn nhận được một số tiền tài trợ ngay bây giờ, vì quá trình phát triển có thể bị hạn chế sau 4 năm dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Sắc lệnh hành pháp của Nhà Trắng vào tháng 1/2025 đã cho Lầu Năm Góc 60 ngày để cung cấp cho các phương án ban đầu và chi phí cho dự án đầy tham vọng này, nếu không dự án có nguy cơ sớm bị loại bỏ.

Bộ Quốc phòng Mỹ có kế hoạch tổ chức hai sự kiện với các nhà sản xuất vũ khí lớn tại Huntsville, Alabama, cuộc họp sẽ giúp xác định những gì có thể thực hiện được trong 2 đến 4 năm tới.

"Có một quá trình lặp đi lặp lại đối với việc này. Nếu chúng ta chờ đợi và cố gắng tạo ra giải pháp hoàn hảo, dự án sẽ không bao giờ bắt đầu. Chính vì vậy, phân tích kỹ thuật là bước đầu tiên", chuyên gia Harrison nhận xét.

Gần đây báo chí đã biết về việc Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk đang hợp tác với hai nhà sản xuất khác là Anduril và Palantir để đăng ký tham gia một phần của chương trình, điều này có thể khiến dự án có khả năng được thông qua dễ hơn.