Gặp thuyền trưởng đưa quân giải phóng Trường Sa
Những ngày cuối tháng 4-1975, quân ta đã thần tốc giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 50 năm đã qua, những người lính từng tham gia giải phóng quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc vẫn không quên được trang sử hào hùng đó.
Tàu “không số” làm nhiệm vụ đặc biệt
Giữa tháng 4-2025, tại TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi có dịp gặp những người lính từng tham gia đoàn quân giải phóng Trường Sa 50 năm trước. Họ là những thuyền trưởng lão luyện của Đoàn tàu không số, từng nhiều lần vận chuyển vũ khí vào Nam trước khi tham gia giải phóng Trường Sa. Trong căn hộ ở phường 12, quận 5, TP. Hồ Chí Minh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Đức - Thuyền trưởng tàu 674 (1 trong 4 tàu tham gia giải phóng Trường Sa năm 1975) lần giở những tấm hình kỷ niệm, tư liệu cá nhân rồi kể cho chúng tôi nghe về ký ức một thời hào hùng của mình trong những ngày tháng lịch sử: “Đầu tháng 4-1975, các tàu của Đoàn 125 (nay là Lữ đoàn 125) đều đã xuất phát vào miền Nam, chỉ còn lại 4 chiếc tàu nằm yên ở bến K20 Hải Phòng chờ lệnh, trong đó một tàu bị hư hỏng đang sửa chữa. Tất cả đều bồn chồn vì mãi không được xung trận… Ngày 9-4-1975, chúng tôi được lệnh lên đường vào Đà Nẵng để làm nhiệm vụ đặc biệt. 3 tàu 673, 674, 675 của Đoàn 125 đồng loạt lên đường. Để tránh địch sinh nghi, có tàu đi gần bờ, có tàu đi xa bờ nhưng tất cả đều hướng đến Đà Nẵng. Chiều 10-4-1974, các tàu cập cảng Đà Nẵng. Khi đến đây hội quân, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Hoàng Hữu Thái mới cho biết nhiệm vụ lần này là đi giải phóng Trường Sa. Tất cả rất phấn khích vì cuối cùng cũng được góp sức vào chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Đức trò chuyện với phóng viên Báo Khánh Hòa về việc tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa.
Lực lượng đi giải phóng Trường Sa bao gồm biên đội 3 tàu hải quân 673, 674, 675 của Đoàn 125 từng vận chuyển vũ khí vào Nam theo "đường Hồ Chí Minh trên biển", nhiều lần qua lại khu vực quần đảo Trường Sa nên dễ nhận dạng các đảo; Đội 1 Đoàn 126 đặc công hải quân; Tiểu đoàn Đặc công nước 471 Quân khu V, lính bộ binh của Tiểu đoàn 148 Quân khu V… Tổng lực lượng khoảng 260 người do đồng chí Mai Năng - Đoàn trưởng Đoàn 126 làm chỉ huy trưởng. “Đúng 4 giờ ngày 11-4-1975, biên đội tàu rời cảng Đà Nẵng hướng ra đảo Song Tử Tây. Các tàu đều không có số hiệu, không treo cờ. Vũ khí, đạn dược và cả bộ đội phải bố trí ép sát dưới khoang tàu, san sát như xếp cá. Phía trên boong, các thủy thủ cải trang, ăn mặc giống như các ngư dân đánh cá”, Thiếu tá Nguyễn Xuân Thơm - Thuyền trưởng tàu 673 (hiện sống ở số 15/7A, đường Đoàn Như Hài, phường 13, quận 4, TP. Hồ Chí Minh) nhớ lại.
Theo Thuyền trưởng Nguyễn Văn Đức, quân ta chọn Song Tử Tây vì hòn đảo này tách biệt với các đảo khác ở quần đảo Trường Sa. Mặt khác, giải phóng Song Tử Tây trước sẽ tạo được bàn đạp để giải phóng các đảo còn lại. Trên bản đồ, Song Tử Tây nhỏ như một chấm bút chì. Việc xác định hướng và vị trí vô cùng khó khăn vì không có hải đồ từ đất liền ra Trường Sa. Quân ta phải sử dụng la bàn, đồng hồ thiên văn, bộ định hướng theo sao trời cùng với kinh nghiệm đi biển để "bắt" được vị trí của đảo.
Tàu đang hướng đến đảo Song Tử Tây thì bất ngờ phát hiện hàng không mẫu hạm Mỹ ở phía trước đi cắt qua mũi tàu khoảng 5 hải lý, đi cùng là các tàu khu trục hộ tống. Các máy bay của Mỹ bay phía trên để bảo vệ hàng không mẫu hạm này. Rất may là địch không phát hiện lực lượng tàu của ta đi giải phóng Trường Sa. Thoát được tàu địch, sự cố lại xảy ra. Thiếu tá Nguyễn Xuân Thơm nhớ lại: “Chúng tôi hành quân được khoảng 200 hải lý thì tàu 674 bị hỏng máy chính. Tàu 675 phải quay lại kéo nên tốc độ di chuyển rất chậm, trong khi nhiệm vụ đặt ra là giải phóng đảo Song Tử Tây đúng ngày 14-4-1975. Để đảm bảo thời gian, tôi xin chỉ huy cho tàu 673 xung kích đi đầu để đến đảo. Tôi đã ra lệnh cho tàu 673 chạy hết tốc độ. Đến đêm 13-4-1975, tôi đã “bắt” được vị trí đảo Song Tử Tây giữa biển trời mênh mông”.
Giải phóng các đảo ở Trường Sa
Sau khi đến Song Tử Tây, Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thơm cho tàu chạy một vòng xung quanh đảo để Trung úy Nguyễn Ngọc Quế - Đội trưởng Đội 1, Đoàn 126 dùng ống nhòm nắm tình hình. “Trong suốt 10 năm tham gia các chuyến tàu không số chi viện cho miền Nam, tôi đã hai lần trinh sát ở Song Tử Tây nên khá nắm rõ địa hình trên đảo. Ở phía bắc đảo có một điểm đá nhô lên khá bằng phẳng có thể tận dụng để quan sát chòi canh, khu vực lính ngụy đóng quân và bố trí hỏa lực. Tôi gợi ý cho anh Quế là nên đổ bộ vào đó, dùng súng DKZ bắn sập chòi canh của địch”, ông Thơm cho biết.
Việc đổ bộ lên đảo rất thuận lợi, đúng 4 giờ 30 phút ngày 14-4-1975, Đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế lệnh cho khẩu DKZ phát hỏa mở màn trận đánh. Các chiến sĩ lao vào các mục tiêu, nhanh chóng chiếm lĩnh các vị trí trọng yếu trên đảo… "Sau 40 phút chiến đấu, quân ta tiêu diệt 6 tên địch, bắt sống chỉ huy đảo cùng 33 tên lính, thu được nhiều vũ khí. Hạ sĩ Lê Xuân Phát kéo lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam xác định chủ quyền của quân ta trên đảo Song Tử Tây. Rất tiếc, trận này quân ta có 1 chiến sĩ hy sinh, một chiến sĩ bị thương, sau đó cũng không qua khỏi", ông Thơm xúc động nhớ lại.

Thuyền trưởng tàu 673 Nguyễn Xuân Thơm với tấm ảnh kỷ niệm về đời lính.
Sau khi giải phóng Song Tử Tây, một phần lực lượng đặc công được đơn vị giao ở lại bảo vệ đảo. Tàu 673 đậu ngoài khơi phối hợp bảo vệ. Hai tàu 674 và 675 đưa tù binh trở lại Đà Nẵng. Ngay sau đó, Sở Chỉ huy ở Đà Nẵng điều tàu 641 của Đoàn 125 đưa một phân đội đặc công hải quân tiến về đảo Sơn Ca. Trong chương trình "Những anh hùng thế kỷ XX" do Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng ngày 31-8-2022, Chuẩn Đô đốc, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đỗ Viết Cường (nguyên Đội phó Đội 1 Đoàn 126) đã thuật lại chi tiết về quá trình chỉ huy đánh chiếm đảo Sơn Ca vào rạng sáng 25-4-1975. "Khi tiếp cận vào đảo, theo kế hoạch là 4 giờ chúng ta mới được nổ súng. Thế nhưng lúc đó, mới hơn 2 giờ, bất ngờ có một con chó con sủa vang, đồng nghĩa là địch có thể phát hiện được quân ta. Đã mất yếu tố bất ngờ, tôi nghĩ rất nhanh, phải đánh. Tôi đã nhanh chóng dùng lựu đạn ném vào hầm chỉ huy của địch. Sau khi có tiếng lựu đạn nổ, tất cả các hướng khác đã sẵn sàng chiến đấu rồi. Địch đang ngủ thì giật mình, vừa bắn trả vừa tung ra ngoài hết nên chỉ trong 30 phút chúng ta giải phóng toàn bộ đảo Sơn Ca. Trận này quân ta tiêu diệt 3 tên và bắt sống 17 tên địch”, ông Cường kể.
Cùng thời gian đó, tàu 673 từ Song Tử Tây cũng đưa lực lượng lên đánh đảo Nam Yết. “Khoảng 10 giờ 30 ngày 27-4, tàu 673 đến đảo. Thấy tàu của quân ta, hai tàu địch đỗ gần đó liền nổ máy tháo chạy. Quân ta nhanh chóng đổ bộ chiếm lĩnh đảo và làm chủ đảo Nam Yết. Sau khi tổ chức lực lượng chốt giữ đảo, quân ta tiếp tục giải phóng đảo Sinh Tồn ngày 28-4 và hướng đến đảo Trường Sa - đảo cuối cùng quân ngụy đóng giữ. Khi đến Trường Sa, địch đã rút chạy từ trước. Quân ta đổ bộ chiếm đảo Trường Sa mà không tốn viên đạn nào. 9 giờ ngày 29-4, cờ giải phóng tung bay trên đảo! Nhìn lá cờ Tổ quốc bay trên đảo Trường Sa, chúng tôi rưng rưng nước mắt vì mình đã góp phần vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, ông Thơm xúc động hồi tưởng.
50 năm đã qua kể từ ngày tham gia giải phóng Trường Sa, Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thơm và Nguyễn Văn Đức vẫn luôn dõi theo các thông tin về Trường Sa. Trong câu chuyện với chúng tôi, những người cựu binh đều bày tỏ sự vui mừng khi thấy quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc ngày càng phát triển, vững chãi như một pháo đài giữa trùng khơi. Hằng năm, họ vẫn thường xuyên đi giao lưu, kể chuyện lịch sử để truyền lửa cho thế hệ trẻ. Năm nay, họ hẹn nhau sẽ cùng với các đồng đội theo dõi lễ duyệt binh, diễu hành mừng 50 năm đất nước thống nhất!
Sự kiện đặc biệt đã diễn ra ngoài kế hoạch chiến lược ban đầu
Trong cuốn hồi ký “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết: Việc giải phóng Trường Sa là “một sự kiện đặc biệt đã diễn ra ngoài kế hoạch chiến lược ban đầu”. Đó là kết quả của sự tinh nhạy của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trong việc nắm bắt cơ hội, khi diễn biến trên chiến trường miền Nam ngày càng có lợi cho quân ta.
Trong thiên hồi ức “Giải phóng Trường Sa” ở hồi ký trên, Đại tướng nhớ lại: Ngay sau chiến thắng Buôn Mê Thuột, Quân ủy Trung ương kiến nghị với Bộ Chính trị Trung ương Đảng: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ”. Kiến nghị này đã được ghi vào Nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 25-3-1975. Sau đó, Đại tướng yêu cầu Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Ngoại giao cung cấp tài liệu về các đảo, quần đảo thuộc vùng biển của Việt Nam, đồng thời chỉ thị cho Cục Quân báo nắm tình hình địch ở Biển Đông.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành nhiều dung lượng để nhắc lại lịch sử gìn giữ chủ quyền quần đảo của các thế hệ tiền nhân; đánh giá vị trí chiến lược quan trọng của Trường Sa. Đặc biệt, Đại tướng đã nhìn thấy “nguy cơ quân đội nước khác sẽ xâm chiếm Trường Sa nếu quân ta chậm chân. Theo đó, ngày 30-3-1975, Quân ủy Trung ương điện gửi các đồng chí Chu Huy Mân - Chính ủy Quân khu V, Võ Chí Công - Tư lệnh Quân khu V nhiệm vụ: “Nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất, đánh chiếm các đảo hiện do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Tiếp đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị Bộ Tổng Tham mưu điều Sở Chỉ huy tiền phương của quân Bộ Tư lệnh Hải quân vào Đà Nẵng để tiếp quản căn cứ hải quân của địch, vừa chuẩn bị sẵn sàng phát triển chiến đấu trên mặt biển”.
Chiều 4-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký “mật điện” gửi Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu V và Bộ Tư lệnh Hải quân về việc thực hiện giải phóng Trường Sa. Việc này phải “chuẩn bị gấp và bí mật”, “nghệ thuật tác chiến phải kiên quyết, táo bạo, đồng thời phải mưu trí, sáng tạo, bất ngờ”. Ngay sau đó, Quân khu 5 cùng Bộ Tư lệnh Hải quân triển khai ngay kế hoạch tác chiến.
Trước thông tin quân ngụy chuẩn bị rút khỏi Trường Sa, ngày 10-4, Bí thư Quân ủy Trung ương Võ Nguyên Giáp đã điện cho Quân khu 5 chỉ thị: "Thời cơ đánh các đảo thuộc khu vực Trường Sa lúc này rất thuận lợi. Chỉ đánh các đảo quân ngụy miền Nam chiếm đóng. Các anh ra lệnh đánh chiếm ngay. Theo dõi đôn đốc kiểm tra chặt chẽ và thường xuyên báo cáo về Bộ".
Từ ngày 14-4 đến 29-4, quân ta lần lượt giải phóng các đảo: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa; hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Quân ủy Trung ương giao.