Hệ thống thanh toán xuyên biên giới giúp ASEAN gắn kết kinh tế

Nhằm tăng cường hội nhập tài chính và đưa khối ASEAN tới gần hơn mục tiêu gắn kết kinh tế, 4 quốc gia Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore gần đây đã thiết lập một hệ thống thanh toán xuyên biên giới.

10 quốc gia ASEAN đang hướng tới việc xây dựng một hệ thống thanh toán xuyên biên giới với hy vọng tăng cường tính toàn diện tài chính trong khu vực. Ảnh: ASEAN

10 quốc gia ASEAN đang hướng tới việc xây dựng một hệ thống thanh toán xuyên biên giới với hy vọng tăng cường tính toàn diện tài chính trong khu vực. Ảnh: ASEAN

Theo CNBC trích dẫn thông báo từ các ngân hàng trung ương của các quốc gia trên, hệ thống thanh toán này sẽ cho phép người dân thanh toán hàng hóa và dịch vụ bằng đồng nội tệ của mình thông qua mã QR. Trong thời gian tới, Philippines dự kiến sẽ là quốc gia tiếp theo tham gia hệ thống này.

Về cơ chế hoạt động, các hệ thống thanh toán sẽ được kết nối với mã QR và tiền có thể được gửi từ ví kỹ thuật số này sang ví kỹ thuật số khác. Các ví kỹ thuật số hoạt động hiệu quả như tài khoản ngân hàng nhưng chúng cũng có thể được liên kết với tài khoản tại các tổ chức tài chính chính thức.

Ví dụ, khách du lịch Malaysia ở Singapore có thể thanh toán bằng bằng đồng ringgit trong ví kỹ thuật số Malaysia của mình khi thực hiện giao dịch. Một người lao động Malaysia ở Singapore cũng có thể gửi tiền bằng đồng SGD trong ví kỹ thuật số của Singapore đến ví của người nhận ở Malaysia, với chi phí và tỷ giá hối đoái được xác định theo thỏa thuận chung giữa các ngân hàng trung ương.

Động thái này diễn ra sau khi các thành viên ASEAN ký kết một thỏa thuận chính thức vào cuối năm 2022 và nhắc lại các cam kết xây dựng lộ trình mở rộng liên kết thanh toán khu vực tới tất cả 10 thành viên trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 5/2023 vừa qua.

Nhận định về kế hoạch thiết lập hệ thống thanh toán trên toàn khu vực, CNBC trích dẫn ông Satoru Yamadera, cố vấn tại Phòng Tác động Phát triển và Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng Phát triển Châu Á, cho biết: “Nỗ lực của các ngân hàng trung ương ASEAN là vô cùng sáng tạo và mới lạ”.

Tính tới hiện tại, chưa có một hệ thống tương tự nào được thiết lập trên thế giới. Ở các khu vực như châu Âu, kết nối thanh toán bán lẻ qua thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ vẫn đang phổ biến hơn trong khi các giao dịch tại Trung Quốc được thanh toán bằng mã QR tiên tiến, nhưng chúng không được kết nối như mã QR của ASEAN.

Các lợi ích về kinh tế

Hệ thống thanh toán xuyên biên giới nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thanh toán thương mại, đầu tư, chuyển tiền xuyên biên giới và các hoạt động kinh tế khác với mục tiêu thiết lập một hệ sinh thái tài chính toàn diện trên khắp Đông Nam Á.

Theo nhận định của các chuyên gia, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ - thành phần chiếm tới hơn 90% doanh nghiệp tại khu vực ASEAN - sẽ nổi lên như những bên hưởng lợi từ hệ thống này.

Nguyên nhân là do thanh toán QR không tính phí đối với chủ thẻ và người bán trong khi sở hữu tỷ lệ chuyển đối tốt hơn so với tỷ lệ được thiết lập bởi các bộ xử lý thanh toán tư nhân như Visa hoặc American Express. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tránh được các chi phí liên quan đến việc duy trì hệ thống điểm bán hàng thực tế hoặc trả phí giao dịch cho các công ty phát hành thẻ.

Đặc biệt, hệ thống thanh toán hoạt động thông qua ví kỹ thuật số và không yêu cầu tài khoản ngân hàng truyền thống nên những người không có tài khoản ngân hàng cũng có thể sử dụng. Ngoài ra, nó còn có khả năng cải thiện hiểu biết về tài chính và phúc lợi cho những người chưa được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.

Một lợi ích khác mà hệ thống thanh toán mới có thể đem tới cho nền kinh tế ASEAN chính là giúp người bán và người tiêu dùng xây dựng lịch sử thanh toán mạnh mẽ và cung cấp dữ liệu có giá trị để chấm điểm tín dụng, theo ông Nicholas Lee - nhà phân tích công nghệ tại công ty tư vấn chính sách công Global Counsel.

Ngoài ra, “các giao dịch không dùng tiền mặt gia tăng sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách nắm bắt dữ liệu giao dịch và luồng giao dịch hiệu quả hơn nếu những dữ liệu này có thể truy cập được”, ông Lee nói. Điều này có thể giúp đưa ra các dự báo kinh tế và chính sách tốt hơn.

Ông Nico Han, nhà phân tích Đông Nam Á tại Diplomat Risk Intelligence, nhận định một hệ thống thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới thống nhất sẽ “thúc đẩy ý thức về chủ nghĩa khu vực và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc quản lý các vấn đề quốc tế” trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa các cường quốc lớn trên toàn cầu.

Việc xây dựng hệ thống thanh toán xuyên biên giới sẽ giúp các nền kinh tế ASEAN đạt được nhiều lợi ích. Ảnh: Reuters

Việc xây dựng hệ thống thanh toán xuyên biên giới sẽ giúp các nền kinh tế ASEAN đạt được nhiều lợi ích. Ảnh: Reuters

Các áp lực đang chờ đợi hệ thống thanh toán mới

Tuy việc tăng cường kết nối thanh toán trong khu vực giúp tối giản rào cản thanh toán và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, nó có khả năng vô tình gây áp lực lên một số loại tiền tệ nhất định, đặc biệt là đồng SDG. Ông Lee nhận định: “Với sức mạnh và sự ổn định của đồng SDG, cả doanh nghiệp quốc tế và khu vực có thể chọn nắm giữ nhiều vốn lưu động hơn bằng đồng SDG dựa vào mạng thanh toán mới để chuyển đổi tiền tệ hiệu quả”.

Nếu điều này xảy ra, nó có thể làm suy yếu sức mua của các loại tiền tệ khác trong khu vực và dẫn đến lạm phát nhập khẩu cao hơn nếu các ngân hàng trung ương không can thiệp. Các nhà chức trách khi đó có thể sẽ phải áp đặt các hạn chế về vốn để bảo vệ các đồng tiền nội địa của mình, từ đó làm suy yếu mục đích thiết lập mạng thanh toán khu vực.

Ở một diễn biến khác, các ngân hàng trung ương cũng sẽ cần thiết lập ra các quy định để giải quyết các vấn đề về an ninh và gian lận, đồng thời đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn công chúng nắm bắt hệ thống thanh toán mới. Hành động này sẽ tiêu tốn nhiều thời gian và đòi hỏi ý chí chính trị mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo khu vực.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/he-thong-thanh-toan-xuyen-bien-gioi-giup-asean-gan-ket-kinh-te-post24972.html