Hệ thống thủy lợi kiểm soát mặn Cái Lớn – Cái Bé vừa đưa vào vận hành

Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 3.309 tỉ đồng, cũng được xem là công trình thủy lợi kiểm soát nước mặn, ngọt và lợ lớn nhất nước hiện nay, đã chính thức được đưa vào vận hành từ ngày 5-3.

Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé giai đoạn 1 chính thức được đưa vào vận hành từ hôm nay, 5-3. Ảnh: Trung Chánh

Theo đó, dự án nêu trên có nhiệm vụ kiểm soát nguồn nước mặn, ngọt và lợ nhằm tạo điều kiện sản xuất ổn định đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn- lợ, ngọt-lợ luân phiên cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiệm 384.120 héc ta của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu (trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241 héc ta).

Mặt khác, dự án còn có nhiệm vụ kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp; giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng.

Góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt của huyện An Minh, An Biên (tỉnh Kiên Giang) với những năm mưa ít; tiêu thoát nước cho vùng hưởng lợi của dự án trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Song song đó, kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trong khu vực.

Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 3.309,5 tỉ đồng (tổng giá trị thực hiện là 3.168 tỉ đồng) do Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư hợp phần xây dựng, gồm cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô, đê nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với quốc lộ 61.

Theo đó, cống Cái Lớn đặt tại lòng sông Cái Lớn, cách cầu Cái Lớn 2,1 km vê phía sông Hậu. Tổng chiều rộng thông nước của cống là 455 mét, bao gồm 11 khoang cống rộng 40 mét và âu thuyền rộng 15 mét. Cầu trên cống, âu thuyền có tải trọng HL 93, chiều rộng 9 mét.

Cống Cái Bé đặt tại lòng sông Cái Bé, cách cầu Cái Bé 1,9 km về phía sông Hậu. Tổng chiều rộng thông nước là 85 mét, gồm hai khoang cống rộng 35 mét, khoang âu thuyền rộng 15 mét. Cầu trên cống, âu thuyền có tải trọng HL 93, chiều rộng 9 mét.

Đê nối cống Cái Lớn, Cái Bé với quốc lộ 61 bắt đầu từ cống Cái Lớn đi qua cống Cái Bé và nối quốc lộ 61 với chiều dài 5,742 km, bề rộng 9 mét, mặt bằng lớp láng nhựa; 3 cầu giao thông tải trọng HL93, chiều rộng 9 mét.

Còn cống Xẻo Rô đặt tại lòng kênh Xẻo Rô, cách cửa kênh Xẻo Rô (giao với sông Cái Lớn) khoảng 550 mét. Cống gồm hai cống hở tại hai đầu, phần buồng âu dài 100 mét, khoang thông thuyền 31 mét ở giữa và 2 khoang lấy nước chiều rộng 5 mét ở hai bên. Cầu giao thông trên cống tải trọng HL 93, chiều rộng 9 mét.

Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư hợp phần mô hình sinh kế, các hoạt động phi công trình và 8 cống dọc tuyến An Minh- An Biên; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang làm chủ đầu tư hợp phần mô hình sinh kế, các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, địa phương liên quan thực hiện nghi thức khánh thành dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé. Ảnh: Trung Chánh

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cùng với các dự án trọng điểm trong vùng, hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững tại vùng Bán đảo Cà Mau nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung.

Theo ông Hoan, để hệ thống thủy lợi phát huy tối đa hiệu quả, phục vụ đa mục tiêu, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2, mở rộng vùng hưởng lợi của dự án, hoàn thiện quy trình vận hành hệ thống. Đồng thời, xây dựng mô hình tổ chức quản lý các công trình thủy lợi liên tỉnh trong vùng ĐBSCL đảm bảo thống nhất, an toàn. “Song song đó, các giải pháp phi công trình, nâng cao năng lực cộng đồng, cải thiện sinh kế cho người dân cũng sẽ được quan tâm thực hiện đồng bộ”, ông nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, ĐBSCL là vùng đất đặc thù, có nhiều tiềm năng khác biệt lẫn cơ hội lợi thế cạnh tranh, là vùng đất chiếm 12% diện tích canh tác cả nước với dân số gần 20 triệu người, nhưng đóng góp 50% sản lượng lúa cả nước, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản; 70 sản lượng trái cây…, góp phần quan trọng vào xuất khẩu nông, thủy sản năm ngoái đạt hơn 48 tỉ đô la Mỹ.

Dù đánh giá có tiềm năng, nhưng Thủ tướng cho rằng, ĐBSCL cũng là vùng đất có nhiều thách thức, bao gồm chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, sạt lở, xâm nhập mặn và sụt lún…

Theo ông Chính, Chính phủ qua các thời kỳ đều rất trăn trở về ĐBSCL và thời gian qua đã từng bước tháo gỡ. “Thời gian tới, phải có bước đột phá, có tầm nhìn chiến lược để phát triển ĐBSCL”, ông nhấn mạnh và cho rằng, vừa qua Chính phủ cũng đã phê duyệt nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, có chủ động thích ứng và kiểm soát thuận thiên.

Tinh thần chung phát triển ĐBSCL, theo Thủ tướng, đó là thứ nhất, phải có tư duy đột phá; thứ hai, có tầm nhìn dài hạn; thứ ba, phát triển nhanh nhưng bền vững; thứ tư, tạo sinh kế ổn định cho người dân.

Để đạt được kết quả trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, phải tháo gỡ được những nút thắt, bao gồm thứ nhất, là hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế, giáo dục và cả chuyển đổi số; thứ hai, là nút thắt về chất lượng nguồn nhân lực của ĐBSCL; thứ ba, là kết nối vùng và chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Đối với công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé, theo Thủ tướng, cùng với các công trình khác sẽ góp phần phát triển ĐBSCL nhanh và bền vững. “Tinh thần chung, tôi đề nghị chính quyền các cấp tập trung nghiên cứu phát huy tối đa thế mạnh mỗi vùng, mỗi địa phương, nhưng phải kết nối lại với nhau, có sản xuất lớn, chủ động giải quyết vấn đề vùng vướng mắc”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2 của dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé, tránh không để đứt đoạn nhằm giúp ĐBSCL phát triển bền vững.

Được biết, dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé được khởi công vào tháng 10-2019 và hoàn thành vào tháng 11-2021, nhưng hôm nay, 5-3, mới chính thức được khánh thành. Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng- Phước Hòa là đơn vị quản lý, vận hành dự án.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/he-thong-thuy-loi-kiem-soat-man-cai-lon-cai-be-vua-dua-vao-van-hanh/