Hệ thống tiêu chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm

Hoạt động tiêu chuẩn hóa đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nói chung và của địa phương nói riêng, nhất là trong vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 về việc phê duyệt chương trình quốc gia 'Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020' (chương trình 712) đã đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thúc đẩy năng suất và chất lượng tại Việt Nam.

 Nông sản đã qua chế biến của Quảng Trị đạt chất lượng tốt, được khách hàng tin dùng - Ảnh: T.C.L

Nông sản đã qua chế biến của Quảng Trị đạt chất lượng tốt, được khách hàng tin dùng - Ảnh: T.C.L

Chương trình đã góp phần đáng kể giúp doanh nghiệp tạo lập nền tảng hạ tầng cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, bao gồm hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cụ thể để áp dụng trong doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ,ngành đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng trên 6.000 TCVN. Hệ thống QCVN hiện có khoảng 800 QCVN do 14 bộ quản lý chuyên ngành và lĩnh vực ban hành, trở thành công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ các hoạt động quản lý nhà nước nhằm kiểm soát các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe và bảo vệ lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng, lợi ích quốc gia. Việc xây dựng các QCVN theo hướng quy định cụ thể biện pháp quản lý, bảo đảm không gây cản trở đối với thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đẩy mạnh cơ chế hậu kiểm. Do đó, hệ thống QCVN càng được hoàn thiện, đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đối với hệ thống TCVN, với tỉ lệ hài hòa với quốc tế khá cao đã đáp ứng kịp thời nhu cầu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực của nền kinh tế, yêu cầu quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.

Chương trình 712 đã tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng tại Việt Nam, tạo tiền đề, cơ sở cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Thực hiện chương trình 712, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1629/ QĐ-UBND ngày 31/8/2010 về việc phê duyệt chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”; các kế hoạch thực hiện chính sách của tỉnh, chương trình trọng điểm quốc gia: Kế hoạch số1569/KH-UBND ngày 11/7/2018 về triển khai Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 4560/KH-UBND ngày 17/10/2018 về triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm; Kế hoạch 4192/KH-UBND ngày 13/9/2019 hỗ trợ, kết nối sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh vào các siêu thị, chuỗi bán lẻ năm 2019 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng Quảng Trị tổ chức từ 9 - 10 lớp tập huấn, hội nghị phổ biến hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho gần 300 học viên là cán bộ quản lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh.

Bốn dự án năng suất chất lượng được UBND tỉnh phê duyệt là: Nâng cao nhận thức, kỹ năng về năng suất và chất lượng cho các doanh nghiệp; nâng cao năng suất và chất lượng trong các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp; xây dựng, tổ chức đánh giá sự phù hợp được công nhận theo tiêu chuẩn ISO và chỉ định chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá và chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng đã được Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện đạt kết quả tốt.

Sở Khoa học và Công nghệ đã phổ biến, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Sở cũng đã đổi mới về hình thức truyền thông, xây dựng các tuyến tin, bài trên Báo Quảng Trị, phóng sự truyền hình tập trung quảng bá, tôn vinh các doanh nghiệp điển hình đã thành công trong việc tăng năng suất chất lượng; cử chuyên gia tư vấn cụ thể tại từng doanh nghiệp. Qua đó, lan tỏa đến các doanh nghiệp ý thức học hỏi, biết và chọn cho mình công cụ quản lý nâng cao năng suất chất lượng; định hướng người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm nội địa và có kiến thức nhận biết về chất lượng hàng hóa.

Kết quả thực hiện chương trình 712 tại tỉnh Quảng Trị, trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đã có những tiến bộ rõ rệt, hàng hóa phong phú, đa dạng hơn về mẫu mã, chủng loại, chất lượng tốt, ổn định hơn nhiều so với trước, một số hàng hóa có sức cạnh tranh cao, đứng vững trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Chương trình đã góp phần dần hình thành đội ngũ chuyên gia tư vấn năng suất chất lượng có am hiểu sâu về các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng; tổ chức đánh giá sự phù hợp về sản phẩm, hàng hóa hỗ trợ doanh nghiệp trong việc rút ngắn thời gian trong hoạt động nhập khẩu.

Nhằm tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ hoạt động này, ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1322/QĐ-TTg phê duyệt chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030. Thực hiện chương trình nâng cao năng suất, chất lượng trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng tỉnh Dương Mạnh Tường cho biết, tỉnh sẽ tập trung triển khai các giải pháp: Tổ chức đào tạo chuyên sâu cho doanh nghiệp về năng suất, chất lượng để giúp doanh nghiệp triển khai áp dụng hiệu quả; đẩy mạnh việc phối hợp giữa các sở, ngành trong lồng ghép các chương trình, dự án về hỗ trợ doanh nghiệp để đảm bảo cải tiến năng suất chất lượng tại doanh nghiệp toàn diện hơn; phối hợp chặt chẽ với cơ quan trung ương trong lĩnh vực tư vấn, đào tạo hướng dẫn nghiệp vụ về năng suất chất lượng; khuyến khích các doanh nghiệp thành lập các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, phát triển quỹ phát triển khoa học công nghệ doanh nghiệp nhằm tăng đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch; tăng cường các hoạt động khoa học công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đổi mới, chuyển giao công nghệ, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại; phát huy phong trào lao động sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật; đẩy mạnh thông tin khoa học công nghệ về năng suất, chất lượng và hàng rào kỹ thuật trong thương mại cho doanh nghiệp.

Các giải pháp cụ thể này sẽ được Sở Khoa học và Công nghệ tập trung triển khai đồng bộ, mạnh mẽ nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong tiến trình phát triển và hội nhập kinh tế.

Trần Cát Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=161646&title=he-thong-tieu-chuan-hoa-dap-ung-yeu-cau-nang-cao-chat-luong-san-pham