'Hết nước chấm'!
'Hết nước chấm', bình thường chỉ là một kết hợp tự do (không phải tổ hợp từ cố định, cũng không phải thành ngữ hoặc quán ngữ) trong tiếng Việt. 'Hết nước chấm' chỉ một tình huống 'nước chấm (như nước mắm, xì dầu/nước tương) trong bữa ăn không còn'.
Chuyện ấy thật “nhỏ như con thỏ”. Bởi có những cái “hết” lớn lao và đáng quan tâm hơn nhiều, như hết tiền, hết gạo, hết củi, hết xăng… Trong bữa ăn mà “hết nước chấm” thì rót thêm hoặc cần thì mua thêm chứ sao!
Nhưng tổ hợp này đã trở thành một thành ngữ “hot trend” của giới trẻ dòng “gen Z”. Về hình thức, ta thấy kết hợp này cũng có cấu trúc “hết +X” quen thuộc của tiếng Việt toàn dân. Nhiều từ (theo cấu trúc này) đã có trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng, 2020), ví dụ:
hết nhẵn đg. [kng] hết tất cả, như bị vét đến không còn một tí nào. [VD: “Hết nhẵn cả tiền; Niêu cháo lõng bõng mọi người ăn được có lưng lưng bát đã hết nhẵn”- Kim Lân). (Tiếng Việt còn có thành ngữ “hết nhẵn củ tỏi” chỉ tình trạng “hết sạch sành sanh, không còn một thứ gì”).
Hết nước p. [kng], đủ hết mọi cách, mọi khả năng, không thể có cách nào khác nữa. (VD: "Nói hết nước mà nó vẫn không chịu; Ông nghĩ kĩ đi, đã tính thì tính cho hết nước…" - Đào Vũ).
Hết sức p. đến mức cao nhất, không thể hơn được nữa. (VD: "Đáng lẽ phải đi nhanh thì tôi lại bước từng bước một cách hết sức chậm chạp" - Đoàn Giỏi).
Hết nước hết cái [kng] [làm việc gì] đến cùng rồi, không thể làm hơn được nữa. (VD: "Người ta đã nói hết nước hết cái mà ông vẫn cứ khăng khăng"- Ma Văn Kháng).
Như vậy, nghĩa chung của các từ theo cấu trúc này chỉ một sự tình mà diễn biến của nó đã đến mức cùng rồi, hết khả năng, không thể hơn được nữa (nói chung là không hay).
Gen Z cũng có tận dụng nét nghĩa này cho thành ngữ “hết nước chấm” của họ. Chẳng hạn, ai đó vào quán gọi một bát phở không hành, nhưng chủ quán lại bỏ vào bát cả hành tây lẫn hành ta, cả bát toàn hành. Thế là họ giơ 2 tay lên trời và kêu lên: “Hết nước chấm!” (Bó tay chấm com! Không còn gì để nói!).
Nhưng đa số cách dùng của giới trẻ hiện nay thì “hết nước chấm” lại mang nét nghĩa tích cực, tức là theo thiên hướng ngợi ca. Khi một cô nàng mặc bikini khoe đường cong “bốc lửa”, mọi người trầm trồ: “Đẹp hết nước chấm!”. Hoặc nghe được một bài nhạc mới và lạ, phải thổn thức, có người vỗ đùi thốt lên: “Quả nhạc này hay hết nước chấm!”. Hoặc một cô gái trẻ xinh tươi, ăn mặc, trang điểm đúng gu thời thượng, được bạn trai giơ ngón tay “thả tim” tán thưởng:“Sành điệu hết nước chấm!”…
Trong bộ phim Cuộc đời vẫn đẹp sao đang trình chiếu trên VTV thì nhân vật Lưu (Hoàng Hải đóng) đã làm khán giả hết sức thích thú khi không dưới một lần, anh sử dụng tổ hợp “hết nước chấm” trong lời thoại: “Thằng này không có quê quán, họ hàng nhưng có một thằng con hết nước chấm. Nó sẽ vươn lên, không giống bố nó”; “Bố mẹ cháu rất tự hào khi sinh được một thằng con xịn hết nước chấm”…
Thậm chí, nhạc sĩ trẻ Long Thọ Huỳnh còn sáng tác một bài hát nhan đề Hết nước chấm và được ca sĩ Hồ Việt Trung biểu diễn rất ấn tượng với những lời ca luyến láy: “Càng nhìn em anh càng cảm thấy bánh cuốn quá đi” và “Hai đứa mình mà về bên nhau/ Là hết nước chấm, mà chấm là hết nước mắm”.
Chưa chấm đã hết nước rồi
Chưa yêu anh đã phải ngồi đếm sao!
Theo PGS-TS Phạm Văn Tình/TT&VH
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/het-nuoc-cham/251341.htm