Hết thời làm việc 5 ngày mỗi tuần

Nhiều công ty hiện đại không còn yêu cầu nhân viên tới văn phòng 8 giờ mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần. Thay vào đó, họ để người lao động tự chọn hình thức làm việc mong muốn.

Zoom cho phép hơn 6.000 nhân viên của mình lựa chọn làm việc tại cơ quan, ở nhà hoặc kết hợp cả hai phương thức. Bolt, một công ty khởi nghiệp về thương mại điện tử tại San Francisco, Mỹ, chỉ yêu cầu nhân viên làm việc 4 ngày mỗi tuần.

Văn phòng của Slack, công ty cung cấp phần mềm trao đổi và quản lý công việc, đang được chuyển đổi để thành địa điểm chủ yếu dùng để hội họp và thực hiện các dự án. Trong khi đó, các ông lớn công nghệ Amazon và Salesforce để từng nhóm nhân viên lựa chọn nơi làm việc khi thực hiện dự án.

Những cách tiếp cận mới này được đưa ra trước nhu cầu đổi mới chính sách hoạt động của các doanh nghiệp. Kể từ đầu năm 2021, tỷ lệ người Mỹ bỏ việc ngày càng cao, khiến việc giữ chân lao động trở thành thách thức lớn.

Bên cạnh đó, do biến chủng Omicron, tỷ lệ lấp đầy văn phòng tại Mỹ giảm từ 40% vào tháng 11/2021 xuống còn 28% vào tháng một vừa qua. Một số doanh nghiệp cũng coi đây là cơ hội để xem xét lại những cách làm việc, tạo môi trường linh hoạt và sáng tạo hơn để thu hút nhân tài.

Làm việc từ xa

“Mọi người cảm giác như đại dịch đã lắng xuống. Rồi biến chủng Omicron trỗi dậy, kéo các công ty lùi lại phía sau”, bà Anita Williams Woolley, phó giáo sư tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Carnegie Mellon, Mỹ, nói với Washington Post. “Các tổ chức còn nhiều việc phải làm”.

Tuy vậy, bà Wolley cảnh báo các công ty có thể chịu rủi ro nếu không cẩn trọng khi đổi mới. Ví dụ, việc để nhân viên lựa chọn ngày đến cơ quan có thể khiến một số người không có cơ hội làm việc cùng nhau, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

 Nhiều công ty không còn yêu cầu nhân viên lên văn phòng làm việc. Ảnh: New York Times.

Nhiều công ty không còn yêu cầu nhân viên lên văn phòng làm việc. Ảnh: New York Times.

Bên cạnh đó, lãnh đạo cũng có thể không đánh giá được hết về nhân viên, thậm chí sự đánh giá có thể thiên lệch. “Đây sẽ là điều tồi tệ”, bà Wolley nói.

Theo bà, các doanh nghiệp có thể giải quyết những vấn đề trên qua việc xây dựng các tập quán làm việc, trong đó nhân viên có thể trao đổi với nhau mà không nhất thiết phải tổ chức họp. Các công cụ hỗ trợ như MeisterTask và GitLab sẽ giúp tạo không gian tư duy và trao đổi mà không buộc nhân viên tham dự các cuộc họp trực tuyến mệt mỏi.

Theo Zoom, quy định mới sẽ giúp các nhân viên có quyền lựa chọn cách họ làm việc. Theo công ty, cách tiếp cận này được đưa ra sau khi nhận được phản hồi của các nhân viên, khách hàng, những người muốn tăng sự linh động và có thêm nhiều lựa chọn.

Bà Kelly Steckelberg, lãnh đạo bộ phận tài chính của Zoom, cho biết nhiều nhân viên - bao gồm chính bà - đổi chỗ ở trong đại dịch. Do đó, Zoom muốn mọi người có thể linh động về nơi sinh sống của mình.

“Sự linh động trong những năm qua đã giúp chúng tôi vượt qua quãng thời gian đáng ra là khó khăn”, bà Steckelberg nói.

Để thực thi chính sách này, Zoom dự tính đào tạo thêm cho các vị trí quản lý để đảm bảo sự công bằng giữa những người đến văn phòng và làm việc tại nhà. Ví dụ, nếu người quản lý muốn mời mọi nhân viên đi ăn, họ nên tổ chức tại văn phòng - thay vì tới nhà hàng - để những người ở xa có thể tham dự qua nền tảng Zoom.

Công ty này cũng không có ý định điều chỉnh lương của nhân viên theo vị trí địa lý như Meta - công ty mẹ của Facebook, theo Washington Post.

Rút ngắn giờ lao động

Trong khi đó, Bolt - công ty khởi nghiệp tại San Francisco - muốn tạo ra thay đổi lớn về cách mọi người làm việc. Bên cạnh cho phép nhân viên làm việc từ xa, công ty này còn cắt giảm số ngày làm việc mỗi tuần xuống còn bốn. Với động thái này, Bolt hy vọng đạt được hai mục tiêu lớn: Tăng năng suất và giảm mệt mỏi cho người lao động.

Để tối ưu hóa công việc, Bolt sử dụng phần mềm quản lý Asana để nhân viên có thể “viết, thay vì nói”. Phần mềm này giúp các doanh nghiệp có thể chia dự án lớn thành nhiều công việc nhỏ, giúp cả nhóm có thể theo dõi tiến độ dễ dàng hơn.

 Làm việc từ xa và cắt giảm giờ làm việc có thể là xu hướng mới. Ảnh: TechRadar.

Làm việc từ xa và cắt giảm giờ làm việc có thể là xu hướng mới. Ảnh: TechRadar.

“Chúng tôi biết đây là thay đổi mang tính căn bản về cách làm việc”, bà Jennifer Christie, lãnh đạo bộ phận nhân sự của Bolt, nói. Tuy vậy. đây là thử nghiệm thành công. 91% quản lý và 94% nhân viên muốn tiếp tục cách làm việc này, bà Christie cho biết. Sự gia tăng về năng suất của nhân viên cũng được ghi nhận.

Bên cạnh đó, công ty cũng nhận được rất nhiều hồ sơ ứng tuyển của các ứng viên tiềm năng. “Mọi người muốn được trao quyền và có thể làm việc theo cách thức phù hợp. Đây sẽ là nơi thu hút nhân tài”, bà Christie cho biết.

Dù các doanh nghiệp muốn lựa chọn phương pháp làm việc nào, họ đều phải đối mặt với thực tế mới sau đại dịch: Những thay đổi có thể là cần thiết để giúp công nhân giữ được động cơ làm việc.

“Tôi không nghĩ sẽ gặp khó khăn khi tìm một công việc khác”, bà Jacklyn Reyna, nhân viên một tổ chức phi lợi nhuận tại bang Texas, Mỹ, nói. Bà cho biết việc chỉ phải làm việc 4 ngày/tuần và các phúc lợi khác góp phần giúp bà không bỏ việc.

“Tôi đã học được cách đánh giá bản thân và công việc của mình”, bà Reyna chia sẻ.

Việt Hà

Theo Washington Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cong-so-hap-hoi-post1291174.html