Hết tiền nhưng người Mỹ vẫn muốn đi du lịch
Đối mặt với nỗi lo lạm phát và suy thoái gia tăng, nhiều người Mỹ vẫn quyết định đi du lịch ngay cả khi phải vay nợ hoặc tiêu hết tiền tiết kiệm.
Bất chấp cuộc khủng hoảng giá cả ngày càng tăng, người dân ở xứ cờ hoa vẫn chi mạnh cho những chuyến nghỉ dưỡng cuối năm.
Họ săn tìm vé máy bay, lấp đầy các khách sạn và thể hiện tinh thần sẵn sàng bỏ ra ngân sách lớn hơn cho những chuyến đi.
Tình hình này tạo ra cuộc chiến khốc liệt trong mùa lễ hội kể từ khi đại dịch suy giảm.
Các nhà bán lẻ, dịch vụ vận chuyển cũng gặp áp lực không nhỏ khi phải tìm cách bán bớt hàng tồn kho dư thừa và cố gắng thu hút khách hàng tiếp cận với sản phẩm mới.
“Xu hướng chi tiêu cho trải nghiệm vẫn phát triển. Chúng tôi nhận thấy những khoản chi cho hàng không, chỗ ở và nhà hàng cũng khá mạnh mẽ bên cạnh đồ nội thất, thiết bị gia đình”, Michael Miebach, Giám đốc điều hành Mastercard, chia sẻ.
Theo CNBC, đây là năm phục hồi của ngành du lịch. Việc người Mỹ bỏ nhiều tiền hơn cho các chuyến nghỉ mát một phần là do hình thức làm việc linh hoạt, cho phép họ có thể xử lý nhiệm vụ ở bất cứ đâu.
Tính đến tháng 9, doanh số bán vé máy bay đã tăng hơn 56% so với một năm trước, theo Mastercard Spend Pulse. Các cơ sở lưu trú cũng ghi nhận xu hướng tương tự với mức hơn 42% nếu tính với cùng kỳ 2 năm trước.
“Tôi nghĩ rằng nghỉ mát hàng năm là một quyền lợi với tất cả người dân. Sau thời gian dài phải nén chặt nhu cầu vì những hạn chế do Covid-19, giờ mọi người đã có thể thoải mái đi chơi”, Peter Ingram, Giám đốc điều hành của Hawaiian Airlines, chia sẻ.
Theo Scott Kirby, đại diện của hãng United Airlines, chính sách văn phòng thoải mái hơn cũng tạo điều kiện thúc đẩy mong muốn du lịch.
“Đó là lý do tại sao tháng 9, thời gian thấp điểm của ngành này, lại bất ngờ ghi nhận sự phát triển đến vậy”, Kirby nói.
Nhu cầu nghỉ mát vẫn mạnh mẽ mặc dù giá vé máy bay bị đẩy lên khá cao, tăng 43% theo kết quả lạm phát mới nhất của Mỹ. Nhiều hãng hàng không cho biết không ít hành khách sẵn sàng trả thêm tiền để có chỗ ngồi rộng rãi hơn.
“Có nhiều ồn ào liên quan đến tình trạng suy thoái kinh tế nhưng chúng tôi chưa thấy bất kỳ tác động đáng chú ý nào đến xu hướng đặt phòng và doanh thu”, Bob Jordan, CEO của Southwest, nói với CNBC.
Tuy nhiên, nếu một cuộc suy thoái xảy ra, điều đó có thể gây nguy hiểm cho ngân sách của người tiêu dùng. Đồng thời những người có thu nhập cao cũng phải suy nghĩ lại về các kỳ nghỉ dài ngày.
Đối với ngành du lịch, tuy các dấu hiệu đang ở mức ổn định và có chút khởi sắc, mọi thứ vẫn rất có đoán.
Tim Quinlan, nhà kinh tế cấp cao tại Wells Fargo, hy vọng kỳ nghỉ lễ sẽ là “rào cản cuối cùng” đối với người dân xứ cờ hoa. Ông dự đoán doanh thu bán lẻ vào tháng 11 và tháng 12 sẽ tăng 2% so với năm trước khi được điều chỉnh theo lạm phát.
Theo quan sát của Quinlan, người Mỹ đang duy trì cuộc sống bằng cách cắt giảm tỷ lệ tiết kiệm, tăng nợ thẻ tín dụng và rút bớt tài khoản tiết kiệm. Nếu tiếp tục tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được, họ sẽ sớm phải trả giá.
Jorge Barraza, trợ lý giáo sư tâm lý học tiêu dùng tại Đại học South California, cho biết xu hướng xê dịch có thể không giảm, vì mọi người thường lên kế hoạch và trả tiền cho các chuyến đi trước nhiều tháng.
“Nhìn thấy bạn bè hoặc gia đình đăng ảnh về kỳ nghỉ trên mạng xã hội có thể thúc đẩy mong muốn đi du lịch kể cả khi đang trong thời kỳ tích cóp. Khi gặp căng thẳng, chúng ta thường hướng đến hành vi YOLO (tận hưởng cuộc đời vì chỉ sống một lần)”, ông nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/het-tien-nhung-nguoi-my-van-muon-di-du-lich-post1372322.html