Hiểm họa của đạn chùm

Ukraine được cho là 'bất đắc dĩ' phải sử dụng loại vũ khí này do chiến dịch phản công của họ từ đầu tháng 6 tới nay bị lâm vào bế tắc.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Trong bối cảnh Ukraine đang bị yếu thế trên chiến trường, Mỹ buộc phải cung cấp cho đồng minh loại vũ khí đã bị hầu hết các nước trên thế giới cấm sử dụng là đạn chùm, bất chấp những hiểm họa lâu dài.

Quân đội Ukraine cũng đang nhanh chóng triển khai sử dụng đạn chùm được Mỹ mới viện trợ trong tuần qua, nhằm tấn công lực lượng bộ binh Nga đang cố thủ trong các chiến hào. Loại vũ khí này đang được Kiev trông đợi như một phương tiện hữu hiệu có thể chọc thủng phòng tuyến kiên cố của quân đội Nga.

Với hiểm họa lâu dài kể cả khi chiến tranh đã kết thúc của đạn chùm, Ukraine được cho là “bất đắc dĩ” phải sử dụng loại vũ khí này do chiến dịch phản công của họ từ đầu tháng 6 tới nay bị lâm vào bế tắc. Nguyên nhân là tuyến phòng thủ của Nga quá vững chắc mà các loại vũ khí hiện đại như tên lửa HIMARS, các loại xe tăng, đạn pháo được Mỹ và phương Tây viện trợ trước đó chưa thể xoay chuyển thế trận.

Quân đội Ukraine vấp phải hỏa lực pháo binh và tên lửa tầm xa mạnh mẽ của Nga, chưa kể những bãi mìn dày đặc được bố trí tại nhiều điểm. Thực tế này buộc Ukraine phải trông chờ vào đạn chùm vì những quả đạn pháo này khi được phóng đi có thể phát tán hàng nghìn viên đạn nhỏ trên một khu vực rộng.

Với sự phát tán rộng, những quả đạn nhỏ văng ra từ đạn chùm có thể tấn công mọi ngóc ngách của công sự để tiêu diệt bộ binh của đối phương đang ẩn nấp. Đây chính là khả năng sát thương khủng khiếp mà những quả đạn thông thường của pháo binh mà Ukraine đang sử dụng không thể làm được.

Mỹ hoàn toàn hiểu rõ hiệu quả của đạn chùm trên chiến trường nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phải cân nhắc trong một thời gian dài trước khi quyết định viện trợ cho Ukraine, hồi đầu tháng 7 vừa qua. Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các loại đạn pháo cỡ lớn của Ukraine trong khi kho dự trữ của đồng minh phương Tây cũng không còn nhiều buộc Mỹ phải gửi cho Ukraine đạn chùm để bù đắp.

Đạn chùm vốn rất dồi dào trong kho dự trữ của quân đội Mỹ vì loại vũ khí này được tích trữ suốt từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay mà không được sử dụng trong các cuộc xung đột gần đây. Một trong những nguyên nhân chính là do có 123 quốc gia gồm phần lớn thành viên khối NATO đã tham gia ký một công ước do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn về việc cấm sử dụng, tích trữ và chuyển giao bom chùm.

Nhưng cả Mỹ và Ukraine đều không tham gia công ước trên nên không bị chi phối bởi thỏa thuận này. Giới phân tích cho rằng việc viện trợ loại vũ khí này cũng tiện lợi cả đôi đường, vừa giúp đồng minh Ukraine giải quyết tình trạng thiếu đạn dược vừa góp phần xử lý lượng lớn hàng tồn kho của Mỹ.

Hơn nữa, các loại đạn chùm của Mỹ viện trợ đều có khả năng khai hỏa từ những loại lựu pháo mà Mỹ và phương Tây đã cung cấp cho Ukraine từ năm ngoái. Điều này đồng nghĩa quân đội Ukraine có thể sử dụng đạn chùm ngay lập tức trên chiến trường mà không gặp khó khăn gì về mặt hậu cần đối với các thiết bị phóng.

Hiểm họa từ đạn chùm nằm ở cả hiện tại và tương lai. Với hiện tại, sự xuất hiện của loại vũ khí bị cấm này có thể đẩy cuộc chiến leo thang ở mức nguy hiểm mới khi Nga cũng tuyên bố sẽ tung ra kho đạn chùm của mình để đáp trả. Hiểm họa tương lai là nhiều quả đạn không phát nổ sẽ để lại hậu quả kéo dài nhiều năm sau đối với người dân ngay cả khi cuộc chiến tranh đã qua đi.

Đức Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hiem-hoa-cua-dan-chum-post648431.html