Hiểm họa từ bóng bay bơm khí Hydro: Cảnh báo cũ, hậu quả mới
Sau Tết Nguyên đán, nhiều hoạt động lễ hội diễn ra, nhiều nơi cho học sinh trở lại trường, một số đồ chơi, loại hình đồ chơi được cảnh báo nguy hiểm, trong đó có bóng bay bơm khí Hydro.
Đặc điểm nguy hiểm cháy nổ của khí Hydro
Bóng bay bơm khí Hydro được bày bán ở nhiều nơi như cổng trường học, các điểm vui chơi giải trí… hay dùng để trang trí các sự kiện, lễ hội, nhưng ít ai biết rằng chúng có thể phát nổ bất cứ lúc nào, gây hậu quả nghiêm trọng.
Khí Hydro là loại khí dễ cháy nổ, chỉ cần tiếp xúc gần nguồn lửa như tàn thuốc lá, tro đốt vàng mã, nến đang cháy cũng khiến nó phát nổ và lan tỏa nhiệt rất mạnh. Bởi vì khí Hydro có cấu trúc phân tử rất bé, có thể dễ dàng thẩm thấu cực nhanh qua màng bóng bay, chỉ cần tiếp xúc với bóng đèn, hay gặp không khí nóng, khi đi ngoài trời nắng là có thể đủ điều kiện kích hoạt phản ứng, khiến một trái bóng có thể nổ tung.
Khí Hydro bị nén trong bóng bay sẽ phát nổ rất mạnh. Khoảng cách cầm bóng rất gần với tay và mặt, vì vậy khi nổ sẽ rất nguy hiểm, có thể gây cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt, bỏng tay.
Lưu ý với bóng bay bơm khí Hydro
Các chuyên gia khuyến cáo cần thận trọng khi sử dụng loại bóng này để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Đặc biệt, khi cầm bóng tránh di chuyển đến nơi có sự thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột như tránh mang bóng từ ngoài trời vào trong phòng kín, không để bóng trong ô tô hoặc gần vật phát nhiệt như bếp, nến, đèn. Không dùng lửa để cắt dây buộc bóng ra khỏi chùm. Lưu ý, ngay cả khi các trái bóng cọ xát với nhau cũng có thể phát nổ.
Để đảm bảo an toàn, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ, các phụ huynh không cho trẻ chơi bóng bay bơm khí Hydro ở trong nhà, nơi dễ tiếp xúc với các nguồn lửa để tránh cháy nổ, có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) hiện nay, các loại bóng bay thường dùng 2 loại khí để bơm là Hydro và Heli. Tuy nhiên, khí Heli là khí hiếm, điều chế rất khó và bán rất đắt, không phải ai cũng mua được. Do đó, hơn 90% các loại bóng bay bán trên thị trường đều bơm khí Hydro.
Bóng bay Hydro rất dễ phát nổ. Theo đó, khi khí Hydro gặp oxy đúng tỷ lệ thì sẽ phát nổ; những người đứng gần bật que diêm, dùng bật lửa để cắt dây bóng thì bóng bay sẽ nổ; những trái bóng trong chùm bóng khi cọ xát cũng có thể gây nổ hay khi ngoài trời thời tiết nắng nóng cũng có thể gây nổ.
Còn nhớ, trong buổi lễ khai mạc giải bóng đá ngành ngân hàng năm trước, các cầu thủ U14 Sông Lam Nghệ An kéo chùm bóng bay che nắng thì bất ngờ một người bật lửa. Chùm bóng bay bơm khí hydro bị lửa tác động dẫn đến phát nổ, làm 3 cầu thủ ở gần bóng bay nhất bị thương. Người đàn ông dùng bật lửa cũng bị thương nặng.
Ngay sau đó, 4 người được đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cấp cứu trong tình trạng bị thương ở vùng mặt, cổ và tay. Trong khi 3 cầu thủ có sức khỏe tiến triển tốt thì người đàn ông bật lửa được chuyển ra bệnh viện ở Hà Nội điều trị, chẩn đoán mức độ nguy hiểm hơn hẳn.
Ngay cả các loại bóng bay hình thú bán cho trẻ nhỏ chơi cũng tiềm ẩn nguy cơ. Tài khoản M.H (ở Móng Cái, Quảng Ninh) đã phải lên tiếng cảnh báo các bố mẹ có con nhỏ phải chú ý khi cho con mình chơi bóng bay sau khi con gái chị bị bỏng toạc cả da bàn chân vì loại bóng bay được bán nhan nhản khắp các đường phố này.
Chị M.H viết: "Mọi người chú ý khi cho con mình chơi bóng bay loại này nhé. Con mình đang cầm chơi thì tự dưng bị nổ phát ra lửa, vỏ bóng rơi xuống qua đầu bé cháy một ít tóc rồi rơi xuống quấn vào chân, lửa vẫn cháy bùng bùng và bị bỏng như này đây".
Bởi thế, để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc do món đồ chơi này gây ra, cần lưu ý những điều sau:
Không nên mang bóng bay hydro vào trong nhà bởi nếu tiếp xúc với bóng đèn, gặp không khí nóng nó có thể phát nổ.
Tốt nhất không chơi loại bóng bay bơm khí Hydro.
Luôn để mắt đến trẻ khi chơi bóng bay.
Những dịp sinh nhật, sự kiện, không nên mua bóng bay với số lượng lớn để ở trong nhà.