Hiến kế để doanh nghiệp mở rộng thị phần trong bối cảnh 'thương chiến'

Theo các chuyên gia, để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp không thể tiếp tục đi theo lối mòn là gia công giá rẻ, mà cần đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị phần bằng chính thương hiệu của mình. Muốn vậy, doanh nghiệp cần đầu tư vào truy xuất nguồn gốc, tăng sức 'đề kháng' trước biến động toàn cầu.

Một góc quang cảnh diễn đàn. (Ảnh CTV)

Một góc quang cảnh diễn đàn. (Ảnh CTV)

Ngày 21/5, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HIDS) và Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) tổ chức Diễn đàn CEO 2025 với chủ đề “Giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại”.

Diễn đàn là không gian để các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ, đối thoại và đề xuất những giải pháp thiết thực, chiến lược phát triển bền vững. Qua đó, cơ quan quản lý có cơ hội để nhìn nhận thực tế thấu đáo hơn nhằm hoạch định chính sách phù hợp hơn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị.

Các đại biểu đã thảo luận xoay quanh các nhóm chủ đề: chiến lược mở rộng thị phần xuất khẩu giữa bối cảnh rào cản thương mại gia tăng; phát triển thị trường nội địa với tâm thế mới, chú trọng giá trị thật, xây dựng thương hiệu Việt; đổi mới mô hình tài chính, tiếp cận vốn xanh, tín dụng thông minh; tăng tốc chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử; liên kết chuỗi giá trị-hình thành các liên minh sản xuất-phân phối-tiếp thị quốc tế.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh CTV)

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh CTV)

Phát biểu và trao đổi tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng: để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp không thể tiếp tục đi theo lối mòn là gia công giá rẻ, mà cần đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị phần bằng chính thương hiệu của mình. Muốn vậy, doanh nghiệp cần đầu tư vào khâu truy xuất nguồn gốc, cải thiện “nội lực”, gia tăng sức chống chịu trước biến động toàn cầu.

Đồng thời, việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), khung hợp tác song phương và đa phương, cùng chính sách hỗ trợ từ trung ương sẽ là “chiếc phao” để doanh nghiệp tư nhân thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa, trong bối cảnh hiện nay, sức đề kháng của doanh nghiệp đang bị bào mòn; làn sóng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đang tăng dần qua 3 năm 2022-2024, và trong 4 tháng đầu năm 2025 đã gần bằng một nửa năm 2024.

Hiện tượng này xảy ra như một quá trình liên tục, chứng tỏ sức chống chịu với thị trường của doanh nghiệp đang suy yếu. Không phải doanh nghiệp không nhận thức được, họ rất muốn làm nhưng không đủ cơ chế hỗ trợ để bắt kịp các luật chơi mới do thị trường đặt ra.

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn như: sức mua yếu, thiếu vốn, chi phí nguyên vật liệu gia tăng, thiếu lao động, thiếu đơn hàng, năng lực quản trị, công nghệ, nhân lực... Nhiều doanh nghiệp vẫn “đứng bên lề” chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vì không đủ sức để làm. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa nên không đủ sức huy động vốn…

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh CTV)

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh CTV)

Từ thực tế đó, các chuyên gia cho rằng: cần có chính sách thiết thực và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa duy trì sản xuất và tạo công ăn việc làm, ổn định xã hội… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực tuân thủ và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.

Doanh nghiệp cần phân loại thị trường xuất khẩu quan trọng như: thị trường bảo hộ cao (Mỹ, EU); thị trường tiềm năng (Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi…); thị trường ngách (phân khúc chọn lọc, có điều kiện, dung lượng không lớn nhưng giá trị gia tăng tốt)… Cùng với đó, doanh nghiệp cần định vị lại thị trường mục tiêu.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần đổi mới tư duy duy kinh doanh theo hướng dài hạn, bền vững, tích hợp các yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị) vào chiến lược kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng chuyển đổi số và xanh hóa; thượng tôn pháp luật, áp dụng chuẩn mực đạo đức kinh doanh...

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, chúng ta nên tổ chức diễn đàn công-tư định kỳ để cùng tháo gỡ vướng mắc theo ngành; kết nối chuỗi cung ứng nội địa từ doanh nghiệp nhỏ đến doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); xếp hạng tín dụng mở để tăng khả năng vay vốn không cần tài sản thế chấp, áp dụng giải pháp dùng chung cho doanh nghiệp để giảm chi phí…

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức, nhà nước cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho hoạt động đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp không thể đạt được tăng trưởng nếu không có việc đổi mới sáng tạo.

HOÀNG LIÊM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hien-ke-de-doanh-nghiep-mo-rong-thi-phan-trong-boi-canh-thuong-chien-post881328.html