Hiến tạng cứu người: Cho sự sống được tiếp nối dài hơn

Mỗi ngày, có hàng ngàn người bị suy tạng giai đoạn cuối vẫn đang chờ đợi để được ghép tạng, chờ một phép màu đến với họ, đó là có được nguồn tạng từ người hiến tặng sau khi qua đời hoặc chết não. Nhiều người bệnh tưởng chừng chẳng còn hy vọng được sống tiếp nhưng nhờ nhận được tạng hiến, họ kéo dài sự sống thêm hàng chục năm, sống vui với gia đình.

Như một phép màu

“Thế nhân xưa nay vẫn thường quen tham phú phụ bần, tình vong phụ ấy là có duyên mà không nợ, gặp gỡ giữa đời như một giấc chiêm bao…”.

Ngoài 70 tuổi, giọng ca cải lương của Nghệ sĩ Minh Vương vẫn cất lên trầm bổng, mùi mẫn. Nhiều người hẳn không biết, 12 năm trước, Minh Vương đã từng rơi vào tuyệt vọng khi ông bị suy thận khiến chân sưng vù và cả việc tiểu tiện cũng trở nên khó khăn. Những ngày ấy ông phải chạy thận, sức khỏe giảm sút và bi quan nghĩ rằng, từ nay sẽ không được ca hát phục vụ những khán giả ái mộ mình.

Sau thời gian đăng ký vào danh sách chờ ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy, may mắn ông được một chàng trai 34 tuổi bị chết não hiến thận.

Các y bác sĩ dành một phút mặc niệm để tri ân người hiến tạng trước khi phẫu thuật (Ảnh BV Chợ Rẫy)

Các y bác sĩ dành một phút mặc niệm để tri ân người hiến tạng trước khi phẫu thuật (Ảnh BV Chợ Rẫy)

Sau mổ hiến thận, đến nay đã hơn 10 năm, sức khỏe Minh Vương vẫn tốt. Dù tuổi đã cao nhưng vẫn được tiếp tục sống và cống hiến cho nghệ thuật cải lương là một điều tuyệt vời với nghệ sĩ Minh Vương, nhờ tạng hiến của người đã chết não.

“Tôi được như thế này là điều không thể tưởng tượng được. Bây giờ tôi vẫn còn ca được, vẫn còn đứng trước khán giả. Không biết còn thời gian như thế nào nhưng cứ còn sức còn hơi thì tôi vẫn còn cất giọng hát lên. Thực sự rất biết ơn những người đã hiến tạng cứu người”, nghệ sĩ Minh Vương chia sẻ.

Với anh T.Đ.Đạt, (34 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Nông), được ghép tim từ một người cho chết não đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào năm 2017, đến bây giờ, được nhận tạng và sống đến nay là như một phép màu!

Trước đó, Đạt ra trường đi làm chưa đầy 3 năm thì phát hiện suy tim giai đoạn 1. Do tinh thần yếu nên trong vòng 3 tháng, anh Đạt đã chuyển sang suy tim nặng. Thời gian phát hiện bệnh kéo dài 4 năm, chi phí nằm viện rất cao (do phần lớn là phải hồi sức tích cực), cộng với đi lại tốn kém, gia đình phải bán đất và nhiều tài sản quan trọng để lo duy trì mạng sống cho Đạt.

Hàng năm, hoạt động thăm gia đình người hiến tạng của BV Chợ Rẫy vẫn luôn được duy trì (Ảnh BV Chợ Rẫy)

Hàng năm, hoạt động thăm gia đình người hiến tạng của BV Chợ Rẫy vẫn luôn được duy trì (Ảnh BV Chợ Rẫy)

May mắn, Đạt là bệnh nhân duy nhất trong số khoảng 40 bệnh nhân chờ ghép tim, phù hợp với một người hiến tạng chết não, là cô gái 18 tuổi, bị tai nạn giao thông ở Đồng Nai. Hoàn cảnh rất khó khăn, Đạt còn được bệnh viện hỗ trợ chi phí ghép tạng.

Từ điều kỳ diệu của bản thân, sau này Đạt đã vận động những người bạn cùng làm ăn kinh doanh, trích 30% lợi nhuận để góp vào các hoạt động ghép tạng và tim mạch của Bệnh viện Chợ Rẫy.

“Lúc trước, tôi tuyệt vọng rất nhiều, không thể tự chăm sóc bản thân được, kinh tế cũng phải phụ thuộc vào gia đình và xã hội, làm phiền họ rất nhiều. Bây giờ cuộc sống của mình trên cả tuyệt vời, mình có thể tự lo cho bản thân mình và một phần nào đó dù là nhỏ nhoi thôi, giúp ích cho xã hội”, anh Đạt nói.

Cùng lúc với việc ghép tim cho Đạt thì 2 quả thận và 1 lá gan của cô gái 18 tuổi này cũng được ghép cho 3 bệnh nhân suy thận, xơ gan khác.

Gửi lại cho đời một sự sống mới

Còn rất nhiều cuộc đời tương tự như nghệ sĩ Minh Vương, như anh Đạt hồi sinh nhờ sự sẻ chia của những tấm lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng.

Hơn 3 năm qua, bà Tô Thị Ánh Hồng, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn tự hào về người con đã khuất (anh T.H.P), bởi vì dù con mình không còn nữa nhưng đã mang lại cuộc sống mới cho 4 bệnh nhân khác khi hiến tặng tạng.

Con trai bà Hồng đã đăng ký hiến tạng trước đó. Chẳng may, khi mới 25 tuổi, chàng trai bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, bị chết não, không còn khả năng hồi phục. Gia đình đã quyết định hiến tạng con mình đúng như ý nguyện của anh.

“Đứa con nào ra đi cũng là sự mất mát. Con ra đi mà để sự sống lại cho người khác, ai ngã xuống cũng trở về cát bụi, mà con mình giúp vực dậy sự sống cho bao nhiêu người, bao nhiêu người nhờ con mà đứng dậy được. Tôi rất hãnh diện, rất mừng”, bà Hồng cho biết.

Hệ thống phần mềm quản lý, điều phối hiến, ghép tạng đầu tiên tại Việt Nam do 3 BV: Chợ Rẫy, Nhi đồng 2, Thống Nhất phối hợp thực hiện, có các tiêu chuẩn tiếp nhận, tuyển chọn rõ ràng, minh bạch và sự kiểm soát chặt chẽ

Hệ thống phần mềm quản lý, điều phối hiến, ghép tạng đầu tiên tại Việt Nam do 3 BV: Chợ Rẫy, Nhi đồng 2, Thống Nhất phối hợp thực hiện, có các tiêu chuẩn tiếp nhận, tuyển chọn rõ ràng, minh bạch và sự kiểm soát chặt chẽ

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, tính nhân văn và nhân đạo trong việc hiến và ghép tạng là rất quan trọng. Vì thế, các nhân viên y tế hoạt động trong lĩnh vực hiến và ghép tạng luôn đặt y đức lên hàng đầu.

Theo TS. Ngọc Thu, những người thực hiện di nguyện hiến tặng lại tạng của mình sau khi qua đời thì sự chấm dứt đó không hề vô nghĩa. Đó là sự sống được sinh ra từ những cái chết, là tiếp nối một sự sống mới. Những người có tâm nguyện muốn chia sẻ một phần cơ thể của họ để cứu sống cho những người khác là những quyết định nhân văn và cao cả. Họ là những anh hùng.

Theo TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, người đăng ký hiến mô tạng hoặc người bệnh có thể đăng ký vào danh sách chờ tại cổng thông tin hiến và ghép mô tạng (http://dieuphoigheptangtphochiminh.vn/)

Theo TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, người đăng ký hiến mô tạng hoặc người bệnh có thể đăng ký vào danh sách chờ tại cổng thông tin hiến và ghép mô tạng (http://dieuphoigheptangtphochiminh.vn/)

Do vậy, dù rất bận rộn với công việc điều phối và thực hiện những ca ghép tạng, nhưng vào dịp cuối năm, đơn vị cùng Phòng Công tác xã hội của bệnh viện lại lên đường đến từng gia đình có người hiến tạng trong năm để nói lời cảm ơn:

“Gia đình của những người hiến tạng, họ rất tự hào khi đã có những quyết định đúng đắn, kịp thời giúp cho người thân của họ ở giai đoạn sống cuối cùng, giây phút cuối cùng có thể làm được gì tốt đẹp cho người, cho đời thì họ rất là hạnh phúc”, TS. Ngọc Thu cho biết.

Đối với người bệnh suy tim, suy gan, suy thận giai đoạn cuối, khi những phương pháp điều trị duy trì không còn hiệu quả, ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng. Tuy nhiên, hiện, tỷ lệ đăng ký hiến mô tạng sau khi chết tại Việt Nam còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cả nước có hơn 86.000 người đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chiếm 0,086%. Số được ghép tạng hạn chế, đặc biệt chỉ có 0,15% người chết não đồng ý hiến tạng (theo thống kê năm 2023).

Kim Dung-CTV Anh Thư/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hien-tang-cuu-nguoi-cho-su-song-duoc-tiep-noi-dai-hon-post1102613.vov