Hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa là kim chỉ nam phát triển đất nước tự lực, tự cường, hiện thực hóa qua các giai đoạn đổi mới, chuyển đổi số...
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định rõ vai trò then chốt của công nghiệp hóa trong tiến trình phát triển đất nước. Tư tưởng của Người không chỉ mang giá trị lý luận sâu sắc mà còn là kim chỉ nam cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội qua nhiều thập kỷ, đặc biệt là với ngành Công Thương.
Điều kiện tiên quyết
Trong di sản tư tưởng kinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò, nội hàm của công nghiệp hóa với sự phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ giữ vai trò nổi bật. Và chính Người cũng nhận thức rất sớm vai trò trung tâm của công nghiệp trong kiến thiết quốc gia.
Từ năm 1946, Người đã khẳng định: “Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thức hiện, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình”. Trong các bài viết, bài nói trong các thập niên 40 và 60 của thế kỷ XX, Người thường xuyên đề cập tới nhiệm vụ công nghiệp hóa là điều kiện tiên quyết để thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, xây dựng một nền kinh tế tự chủ cũng như một trong những điều kiện quyết định sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Người nhấn mạnh phát triển công nghiệp gắn với nông nghiệp. Phát triển công nghiệp không tách rời nền tảng nông nghiệp, trong đó công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp nâng cao năng suất; nông nghiệp cung cấp nguyên liệu, nhân lực cho công nghiệp.
Hai nét đặc sắc về công nghiệp hóa, một đất nước đi lên từ nông nghiệp được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra là cần chủ động, tự lực, tự cường và coi trọng khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực. Người chỉ rõ: “Muốn xây dựng phải có tiền. Tiền ở đâu ra? Tiền ở nhân dân tức là ở nông dân và công thương”.
Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng nội lực mà đặc biệt là tin dân, dựa vào dân coi công nghiệp hóa là sự nghiệp của toàn dân, đồng thời kết hợp hợp tác quốc tế có chọn lọc, không phụ thuộc. Người không quên nhấn mạnh vai trò của trí thức, kỹ sư, công nhân lành nghề, xem con người là trung tâm của sự nghiệp phát triển công nghiệp.

Đoàn công tác Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu làm việc với Công ty TNG (Thái Nguyên). Ảnh Cấn Dũng
Người còn nêu rõ: “Hiện nay, chúng ta sản xuất nông nghiệp làm chính. Vì muốn mở mang công nghiệp thì phải có đủ lương thực, nguyên liệu. Nhưng công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thực sự của nhân dân ta”.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, công nghiệp hóa không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề lớn hơn, đó là sự độc lập, tự chủ của đất nước, là vị thế của đất nước trong mọi bối cảnh. Thời gian càng trôi đi càng cho thấy sáng rõ tính thời sự trong những lời chỉ dạy của Người. Bởi như Người nói: “Công nghiệp nặng là đầu mối để mở mang các ngành công nghiệp khác cung cấp máy móc cho nông nghiệp. Cho nên, chưa có công nghiệp nặng thì chưa thể có một nền kinh tế tự chủ và giàu mạnh được”.
Hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh
Từ sau năm 1945, ngành Công Thương Việt Nam đã phát triển qua nhiều giai đoạn, từng bước hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh. Giai đoạn từ năm 1945 đến 1975 là giai đoạn ngành công nghiệp và thương mại non trẻ của nước Việt Nam mới được hình thành trong khói lửa chiến tranh, với mục tiêu vừa sản xuất, vừa phục vụ kháng chiến. Các nhà máy quốc doanh đầu tiên như: Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy Dệt Nam Định được xây dựng trong tinh thần “tự lực cánh sinh”.
Đến giai đoạn đổi mới từ năm 1986 đến nay công nghiệp hóa, hiện đại hóa trở thành chiến lược trung tâm của Đảng, gắn liền với cải cách kinh tế. Ngành Công Thương mở rộng theo hướng hội nhập, lấy xuất khẩu làm động lực, phát triển các khu công nghiệp, đặc khu kinh tế.

Ảnh minh họa
Công nghiệp Việt Nam dần tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, thách thức về ô nhiễm môi trường, lệ thuộc vào công nghiệp nước ngoài và năng suất lao động thấp vẫn tồn tại. Đây cũng là thời điểm mà tinh thần “tự cường, đối mới sáng tạo” trong tư tưởng Hồ Chí Minh càng cần được khơi dậy mạnh mẽ.
Ngành Công Thương đang thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh. Đây không chỉ là hai xu thế lớn mà còn là hai trụ cột giúp tái định hình mô hình công nghiệp hóa. Việc chuyển đổi số chính là hiện thực hóa tư tưởng “trọng khoa học, trọng con người”. Đây chính là tinh thần cốt lõi của chuyển đổi số khi ứng dụng công nghệ mới nhưng không rập khuôn, phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam, có những sản phẩm, mô hình mang rõ tính chất make in Việt Nam. Ngành Công Thương đang thúc đẩy số hóa quy trình sản xuất, quản trị logistics thông minh, chuỗi cung ứng số, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, số hóa quy trình quản lý.
Đại hội XIII của Đảng xác định, phải “Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị”.