Hiện trạng Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ sau 5 năm được khai quật

Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Xuân, TP Thủy Nguyên, Hải Phòng) là điểm nhấn du lịch của thành phố Hải Phòng trong những năm gần đây.

Năm 2019, việc phát lộ bãi cọc quý 1.000 năm tuổi tại cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, TP Thủy Nguyên) được coi là sự kiện văn hóa - lịch sử nổi bật nhất của Hải Phòng. 27 cọc gỗ có niên đại từ thời nhà Trần được Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hải Phòng khai quật đã đưa đến cho lịch sử Việt Nam một góc nhìn hoàn toàn mới.

Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ ở xã Liên Khê, TP Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ ở xã Liên Khê, TP Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Bảo tồn nguyên trạng bãi cọc

Để bảo tồn và đưa vào phục Nhân dân đến tham quan, Hải Phòng đã xây dựng Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ có diện tích khoảng 30.680 m², trong đó trưng bày giới thiệu các tư liệu, hiện vật và hình ảnh liên quan đến bãi cọc, quá trình xây dựng và khai quật khu bảo tồn.

Những năm qua, Hải Phòng luôn quan tâm, bảo tồn nguyên vẹn hiện trạng bãi cọc từ khi phát lộ đến nay. Tại hố bảo quản, trưng bày nguyên gốc 18 cọc gỗ, vì vậy công tác bảo quản, giữ gìn môi trường tối ưu để bảo quản hiện vật cọc gỗ được Bảo tàng Hải Phòng triển khai thường xuyên, liên tục.

Các biện pháp duy trì môi trường ngâm cọc gồm xử lý hóa chất diệt vi sinh vật, khử trùng nước, lắp đặt và vận hành hệ thống lọc bụi, hút váng và loại bỏ côn trùng, lá cây. Đồng thời, hệ thống lọc nước tuần hoàn khép kín hiện đại được bảo dưỡng thường xuyên, giúp giữ nước sạch, giảm vi sinh vật có hại, đảm bảo bảo tồn hiện vật và lọc bù nước hiệu quả.

Theo Bảo tàng Hải Phòng, Khu di tích bãi cọc Cao Quỳ là nơi chứng kiến sự ngã xuống của rất nhiều tướng sĩ trong những trận chiến ác liệt của 3 lần chống quân xâm lược trên sông Bạch Đằng, đặc biệt là trận chiến năm 1288.

Vì vậy, Bảo tàng mong muốn được đầu tư xây dựng đền thờ tưởng niệm tướng sĩ dân tộc đã tử trận trên dòng sông Bạch Đằng, để Nhhân dân và du khách khi đến di tích được thỏa nguyện dâng hương, bày tỏ lòng thành kính với các vị anh hùng dân tộc.

Những chiếc cọc gỗ được bảo tồn nguyên trạng.

Những chiếc cọc gỗ được bảo tồn nguyên trạng.

Hàng năm, Khu di tích Bãi cọc Cao Quỳ đón nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng đông đảo người dân, học sinh từ khắp các tỉnh thành đến tham quan, trải nghiệm.

Từ tháng 5 – 12/2022, khu di tích đón 45.310 lượt khách. Năm 2023, di tích bãi cọc Cao Quỳ đón gần 100.000 lượt khách. 6 tháng đầu năm 2024, nơi đây đón 57.532 khách (cuối năm đóng cửa do ảnh hưởng bão Yagi).

Đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với nhà trường và các tour du lịch tổ chức nhiều chuyên đề lịch sử, giáo dục hướng nghiệp và trải nghiệm trực quan, sinh động cho học sinh, giúp các em mở rộng kiến thức, khơi dậy lòng tự hào và ý thức bảo tồn di tích dân tộc.

Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ thường xuyên đón các đoàn học sinh đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc trong 3 trận đánh giặc ngoại xâm trên sông Bạch Đằng.

Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ thường xuyên đón các đoàn học sinh đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc trong 3 trận đánh giặc ngoại xâm trên sông Bạch Đằng.

“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước

Sông Bạch Đằng đã gắn liền với những chiến thắng vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước của dân tộc ta. Nơi đây, dân tộc Việt Nam ta 3 lần chiến thắng oanh liệt trước giặc ngoại xâm, giữ gìn vững bền, toàn vẹn biên cương bờ cõi.

Quần thể Di chỉ khảo cổ học cánh đồng Cao Quỳ, cùng những di tích bãi cọc (thời Trần) phát hiện ở các khu vực lân cận thuộc các tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương là nguồn tư liệu, sử liệu vật chất vô giá, là hiện vật thật, độc đáo, bổ sung cho phần khuyết thiếu của sử liệu thành văn khi nghiên cứu về lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc thời Trần.

Khi khai quật tại cánh đồng Cao Quỳ, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều hiện vật bằng sắt có thể liên quan đến công cụ, vũ khí, các hiện vật bằng gốm. Đó là những tư liệu cực kỳ quý giá, sẽ được bổ sung vào kho tàng lịch sử Việt Nam.

Theo PGS.TS Bùi Văn Liêm, Tổng biên tập Tạp chí Khảo cổ học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, việc phát hiện 27 cọc gỗ cổ và 21 hố đất đen là những mốc chứng quan trọng để nói lên mối quan hệ với trận chiến Bạch Đằng năm 1288.

Các hiện vật được tìm thấy trong các lần khảo cổ khai quật, được trưng bày tại Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ.

Các hiện vật được tìm thấy trong các lần khảo cổ khai quật, được trưng bày tại Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ.

Cùng chung quan điểm, GS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nhấn mạnh, việc phát hiện bãi cọc giúp các nghiên cứu, nhìn nhận về chiến thắng Bạch Đằng trở nên sâu sắc và hoàn thiện hơn, góp phần chứng minh lịch sử quân sự và nghệ thuật quân sự của cha ông ta.

Nhận định về giá trị lịch sử của bãi cọc Cao Quỳ, Giáo sư sử học Lê Văn Lan khẳng định, qua những tư liệu văn hóa dân gian, những tín ngưỡng văn hóa thờ cúng về trận địa, khoa học nghệ thuật quân sự ở cuộc chiến lần thứ 3 chống quân Nguyên Mông, lần đầu tiên chúng ta biết, bên bờ phải của nguồn Đá Bạc đổ về Bạch Đằng có một trận địa cọc thế này.

“Việc phát lộ bãi cọc ở huyện Thủy Nguyên và gần khu di tích Bạch Đằng Giang sẽ kết hợp thành một quần thể di tích, đóng góp cho lịch sử dân tộc, lịch sử đại võ công Bạch Đằng Giang”, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan nhấn mạnh.

Việc phát hiện Di chỉ khảo cổ cánh đồng Cao Quỳ và xây dựng Khu di tích bãi cọc Cao Quỳ không chỉ giúp gợi nhớ lại trang sử hào hùng của cha ông ta trên dòng sông Bạch Đằng mà còn khơi dậy niềm tự hào, giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Minh Khang - Minh Hương

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/hien-trang-khu-bao-ton-bai-coc-cao-quy-sau-5-nam-duoc-khai-quat-ar920034.html