Hiện tượng lạ đang len lỏi khắp ngành giáo dục Nhật Bản

Thay vì học ở trường truyền thống, một số phụ huynh quyết định cho con học ở trường tự do, không áp lực bài vở, không bị bắt nạt hay phân biệt đối xử.

 Nhiều gia đình Nhật Bản không muốn con bị bó buộc trong môi trường học tập truyền thống. Ảnh: Mamenoki.

Nhiều gia đình Nhật Bản không muốn con bị bó buộc trong môi trường học tập truyền thống. Ảnh: Mamenoki.

"Chúng ta sẽ lấy một ít cá ngừ, cá hồi và thịt bò nữa, vì một bạn không thích ăn cá sống".

Trên lối đi trong siêu thị Fresh Bazaar, Mio (13 tuổi) đang trao đổi với hai người bạn là Doomoe và Ikki (11 tuổi) về việc chuẩn bị nguyên liệu để làm món sushi cho nữa trưa. Mio nói rằng em phải tính toán rất kỹ vì cả nhóm chỉ có 2.500 yên (khoảng 16 USD) để mua nguyên liệu.

Thấy học trò nghiêm túc tính toán tiền mua thức ăn, ông Gen Nishimura (42 tuổi) mỉm cười đầy hài lòng. Sau khi trẻ hoàn thành nhiệm vụ, ông lái xe chở các em trở lại trường Mamenoki.

Mamenoki là trường học tự do do ông Nishimura và vợ Anna Lodico (39 tuổi) thành lập năm 2016 tại ngôi làng nhỏ Tarumi với khoảng 50 học sinh.

Trên con đường đầy nắng vào một buổi sáng tháng 4 dịu mát, Mio, Doomoe và Ikki tự hào vì đã hoàn thành nhiệm vụ đi chợ. Đây là một phần không thể thiếu trong triết lý giáo dục của Mamenoki - ngôi trường không quá truyền thống ở một vùng quê Nhật Bản.

Nói thêm về việc cho trẻ tự đi chợ, ông Nishimura cho biết trẻ được tự quyết định bữa trưa thông qua các cuộc họp hàng tuần. Khi theo học ngôi trường đặc biệt này, các em được học nấu ăn, trồng trọt, chơi đàn, học tiếng Anh và tự sắp xếp lịch hoạt động trong tuần.

Tại Mamenoki, cặp vợ chồng muốn mang đến một giải pháp thay thế cho những đứa trẻ không thể thích nghi với môi trường học tập quá nghiêm khắc và truyền thống.

 Học sinh ở Mamenoki được tự do tìm hiểu, khám phá nhưng cũng được học những kiến thức cần thiết. Ảnh: Mamenoki.

Học sinh ở Mamenoki được tự do tìm hiểu, khám phá nhưng cũng được học những kiến thức cần thiết. Ảnh: Mamenoki.

Sợ trường vì bị bắt nạt, chèn ép

Theo thống kê của Bộ Giáo dục Nhật Bản, gần 300.000 trẻ em 7-15 tuổi ở nước này "nghỉ học" ở trường. Nghỉ học ở đây có nghĩa là các em vẫn đăng ký vào trường, có tên trong danh sách nhưng không tới lớp hoặc đi học gián đoạn.

Tại Nhật Bản, những học sinh như vậy được gọi là futoko (tạm dịch: Học sinh vắng mặt). Các em không bị ép phải tới lớp trong suốt thời gian tham gia giáo dục bắt buộc, cụ thể là đến 15 tuổi. Nhà trường, cha mẹ cũng không có quyền ép các em đi học.

Nhiều năm qua, futoko vẫn bị che giấu vì các em là ví dụ điển hình cho sự bất lực hoặc của hệ thống giáo dục trong việc giải quyết nỗi đau ở nhiều trẻ em.

Trước đây, futoko chỉ chiếm thiểu số, nhưng thành phần thiểu số này ngày càng tăng, khiến nước này xuất hiện khoảng 800 trường học tự do trên toàn quốc, tăng gấp đôi kể từ năm 2016.

Trường học tự do hoàn toàn hợp pháp tại Nhật Bản và rất ít bị kiểm soát, chất lượng dạy học cũng khác nhau và đôi khi là rất đắt đỏ. Lý do là những ngôi trường này cung cấp nền giáo dục thay thế cho trẻ - những em được cha mẹ hướng đến việc tìm kiếm hạnh phúc thay vì thành tích học tập.

"Con tôi sợ vào THCS". Đây là điều mà mẹ của Kazuki (12 tuổi) kể lại với La Croix, đồng thời cho biết trước ngày nhập học trường THCS, con trai bà bị đau bụng, sức khỏe rất kém.

Cảm thấy không hài lòng với hệ thống giáo dục khắc nghiệt, mẹ của Kazuki quyết định cho con học ở Mamenoki. Trong ngôi trường rộng lớn, xung quanh toàn là xích đu, chuồng gà, sân bóng, cậu bé 12 tuổi được thoải mái chạy nhảy và trò chuyện với bạn bè.

"Trường học ở Nhật Bản có quá nhiều quy tắc, quy định, áp lực học hành vả cả bắt nạt. Không phải tất cả trẻ em đều có thể thích nghi với môi trường như vậy", người mẹ nói.

Tương tự, một bà mẹ đến từ Kyoto đã ở trường Mamenoki 3 ngày cùng con trai 6 tuổi tên là Tetsu. Người mẹ than thở với ông Nishimura rằng khi học ở trường cũ, con trai bà bị kém tập trung và nhà trường nói trường không có khả năng xử lý điều đó.

"Trường cũ sẵn sàng cho con tôi vào một phòng học riêng, nơi tập trung những học sinh được cho là 'khác người'", bà mẹ kể lại.

Để con được phát triển tốt hơn, người mẹ sẵn sàng chuyển con đến ngôi trường này - nơi mà con trai bà sẽ không bị bắt nạt, quấy rối hay trở thành trò cười cho những học sinh khác.

 Mamenoki không có những quy định khắt khe về đồng phục, đầu tóc. Ảnh: Mamenoki.

Mamenoki không có những quy định khắt khe về đồng phục, đầu tóc. Ảnh: Mamenoki.

Trẻ tự do khi học ở trường "tự do"

Nói về việc mở trường Mamenoki, bà Anna Lodico cho biết trường không có lịch học cố định, cũng không có việc giờ dạy bị thay đổi liên tục, không có lớp toán truyền thống, không chấm điểm hay phán xét tiêu cực, cũng không có đồng phục hay quy định về kiểu tóc.

Ban đầu, Mamenoki được thành lập vì bà Lodico và chồng không tìm được trường học phù hợp cho con gái đầu lòng. Cặp vợ chồng quyết định mua một căn nhà ở Tarumi rồi cải tạo trong 2 năm trước khi mở cửa vào năm 2016.

Ở Nhật Bản, các trường tự do thường thu học phí rất cao, nhưng Mamenoki chỉ thu 200 USD/tháng và giảm nửa học phí cho những gia đình là cha mẹ đơn thân.

Mamenoki không có lớp học hay giáo viên, nhưng có đến hàng trăm cuốn sách, nhạc cụ, trò chơi mang tính giáo dục và không gian vẽ tranh. Tất cả trẻ đều được học viết, đọc và đếm.

Bà Lodico nói rằng việc học ở trường cũng giống như cuộc phiêu lưu trong cuộc đời trẻ. Các em được ưu tiên sức khỏe, khám phá, suy ngẫm, phát triển sáng kiến cá nhân.

Ngày nay, ngoài học ở trường, học sinh ở Mamenoki có thể tham gia một số lớp học ở trường công lập địa phương nếu cảm thấy cần thiết. Các em cũng có thể lựa chọn tham gia một chương trình học tập thông thường.

Điều đáng chú ý là trong bối cảnh hiện tượng futoko ngày càng lan rộng, cha mẹ Nhật Bản ngày càng muốn rời xa hệ thống giáo dục quen thuộc, trường Mamenoki nhận được 5.000 USD trợ cấp từ chính quyền địa phương.

Đối với vợ chồng ông Nishimura, đây là một bước tiến quan trọng vì cho thấy trường học tự do đã được quan tâm nhiều hơn, từ đó nhà trường có thể giúp cha mẹ và học sinh bảo vệ lựa chọn học tập của bản thân. Ông Nishimura tin rằng những điều trên là dấu hiệu cho thấy hệ thống giáo dục Nhật Bản đã bắt đầu có sự thay đổi.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hien-tuong-la-dang-len-loi-khap-nganh-giao-duc-nhat-ban-post1475734.html