Hiện tượng lạ ở người trẻ Nhật Bản khiến nhà tuyển dụng đau đầu

Ứng tuyển, chốt lịch phỏng vấn rồi lại bỏ ngang, cách xử lý kỳ lạ này của một bộ phận lao động trẻ tại Nhật Bản khiến nhà tuyển dụng bối rối vì không biết nên làm thế nào.

 Lao động trẻ ở Nhật Bản thường ngại từ chối qua điện thoại. Ảnh: Pexels.

Lao động trẻ ở Nhật Bản thường ngại từ chối qua điện thoại. Ảnh: Pexels.

Người lao động ở Nhật Bản có thể dễ dàng nộp đơn ứng tuyển việc làm thông qua điện thoại thông minh. Nhưng khi sự tiện lợi tăng lên, một vấn đề mới xuất hiện là ứng viên biến mất trước buổi phỏng vấn mà không hề thông báo với nhà tuyển dụng. Điều này khiến nhiều người đau đầu vì mãi không thể tuyển được nhân sự mới.

Mainichi Shimbun nhận định những yếu tố đặc trưng của gen Z, ví dụ sự quen thuộc với mạng xã hội, có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Để đối phó với tình trạng bị ứng viên "bỏ bom", các trang web tìm kiếm việc làm khuyến nghị nhà tuyển dụng chuyển sang hình thức phỏng vấn trực tuyến thay vì phỏng vấn trực tiếp.

Những nhà tuyển dụng bị "bỏ bom"

Chủ một nhà hàng ramen ở thành phố Nara nói rằng họ rất thất vọng vì không tuyển được người. Từ đầu tháng 1/2024, họ đăng bài tuyển nhân viên trên một trang web việc làm. Mãi đến tháng 3, họ mới nhận được một đơn ứng tuyển nhưng cuối cùng vẫn không tuyển được ai.

Đáng lẽ nhà hàng này có 3 người đến phỏng vấn, nhưng hai người trong số đó quyết định hủy hẹn vào phút chót.

 Người Nhật dễ dàng tìm việc thông qua các trang web việc làm. Ảnh: Mainichi.

Người Nhật dễ dàng tìm việc thông qua các trang web việc làm. Ảnh: Mainichi.

"Tôi từng nghe đến chuyện lao động trẻ 'bỏ bom' nhà tuyển dụng, nhưng chưa từng nghĩ điều này sẽ xảy ra với mình", chủ nhà hàng này nói với Mainichi Shimbun.

Recruit, công ty sở hữu trang tìm kiếm việc làm Town Work, nêu rằng mọi người có thể dễ dàng tìm việc trên mạng và có thể ứng tuyển nhiều vị trí cùng lúc. Đó là một phần lý do khiến nhiều ứng viên nộp hồ sơ rồi lại bỏ phỏng vấn.

Trong một khảo sát với 3.000 người lao động do công ty này thực hiện, khoảng 25% sinh viên cho biết họ nộp đơn ứng tuyển vào 2 hoặc nhiều công ty cùng lúc.

Khi được hỏi vì sao lại rút đơn, nhiều người trả lời rằng họ chọn công ty đầu tiên phỏng vấn vì muốn nhanh chóng có việc làm, hoặc họ đã tìm được công việc tốt hơn.

Loay hoay tìm cách giải quyết

Rút đơn ứng tuyển là điều không thể tránh khỏi, nhưng nhiều người lao động vẫn không thông báo cho công ty. Công ty điều hành trang web tuyển dụng Mynavi Baito tin rằng môi trường sống của người trẻ cũng có những tác động đáng kể.

Khi đặt câu hỏi về lý do hủy phỏng vấn mà không báo cho nhà tuyển dụng, nhiều người nói rằng họ sợ phải từ chối qua điện thoại.

Đại diện của Mynavi Baito nhận định nỗi sợ này bắt nguồn từ việc người trẻ đã quá quen với việc trao đổi tin nhắn qua mạng xã hội và không có kinh nghiệm trả lời những cuộc điện thoại quan trọng. Kết quả, họ không biết cách từ chối, dẫn đến việc phải từ bỏ liên lạc với nhà tuyển dụng.

Tuy nhiên, công ty này lưu ý rằng những người bỏ phỏng vấn không báo trước chỉ là thiểu số, hầu hết người trẻ vẫn tuân thủ những chuẩn mực xã hội khi đi làm.

 Người trẻ cảm thấy khó khăn với việc giao tiếp trực tiếp vì đã quen với cách nhắn tin qua mạng. Ảnh: Pexels.

Người trẻ cảm thấy khó khăn với việc giao tiếp trực tiếp vì đã quen với cách nhắn tin qua mạng. Ảnh: Pexels.

Theo đó, công ty nêu rằng đạo đức xã hội không bị ảnh hưởng, nhưng các công ty cũng cần chuẩn bị tinh thần cho việc các ứng viên có thể hủy hẹn nhiều hơn.

Trước tình trạng nhà tuyển dụng bị ứng viên "bỏ bom", các trang web việc làm tung ra loạt dịch vụ để giảm thiểu tình trạng này,

Ví dụ, trang web việc làm Baitoru giới thiệu dịch vụ chuyển đổi kỹ thuật số tự động hóa mọi thứ, từ tiếp nhận đơn đăng ký cho đến việc lên lịch phỏng vấn thay nhà tuyển dụng.

Bằng cách đặt ra những câu hỏi cho ứng viên trả lời trước, nhà tuyển dụng có thể nâng cao hiệu quả tuyển dụng trước khi phỏng vấn chính thức.

Trong khi đó, Mynavi Baito khuyến nghị các công ty áp dụng phỏng vấn online nhiều hơn để ngăn tình trạng ứng viên gặp rắc rối trên đường đi phỏng vấn, từ đó chán nản rồi bỏ ngang.

Ngoài ra, công ty này cũng khuyên nhà tuyển dụng nên cho phép ứng viên thông báo hủy phỏng vấn thông qua văn bản như email hoặc tin nhắn.

"Giao tiếp bằng văn bản có thể làm giảm rào cản liên lạc, đồng thời hạn chế tình trạng ứng viên rút lui mà không thông báo", công ty này khuyên.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hien-tuong-la-o-nguoi-tre-nhat-ban-khien-nha-tuyen-dung-dau-dau-post1482167.html