Hiện tượng 'mặt cười trên bầu trời' rất hiếm sắp diễn ra, quan sát thế nào?

Hai hành tinh cùng Mặt Trăng sắp tạo ra một cảnh tượng kỳ thú và rất hiếm có trên bầu trời: Hình một khuôn mặt cười, như một thông điệp từ vũ trụ. Làm thế nào để nhận 'lời chúc vui vẻ' này từ vũ trụ, và vào thời điểm nào?

Nếu bạn ngước nhìn lên bầu trời vào sáng sớm ngày 25/4 tới, bạn có thể thấy vũ trụ mỉm cười lại với bạn, theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và trang LiveScience. Bởi vì “giao hội bộ ba” tạo thành hình mặt cười rất hiếm có sẽ xuất hiện trêu bầu trời, khi sao Kim, sao Thổ và trăng lưỡi liềm có vị trí rất thú vị.

Ở thời điểm đó, sao Kim và sao Thổ sẽ khá sáng và dễ dàng được quan sát bằng mắt thường - nhưng tất nhiên nếu có kính thiên văn hay ống nhòm chuyên dụng thì nhìn sẽ rõ hơn. 2 hành tinh này tạo thành đôi mắt, rồi trăng lưỡi liềm ở đúng vị trí tạo thành một cái miệng cười vui vẻ (mặc dù một số người, hẳn là tiêu cực, khi nhìn hình minh họa thì cho rằng đó là một nụ cười mỉa mai!).

"Khuôn mặt cười trên bầu trời" sắp xuất hiện. Ảnh: Getty.

"Khuôn mặt cười trên bầu trời" sắp xuất hiện. Ảnh: Getty.

Đây là một hiện tượng rất hiếm có, có thể gọi là “duyên kỳ ngộ”, vì không phải lúc nào các hành tinh cũng ở gần nhau như vậy, mà lại vừa khéo có trăng lưỡi liềm ở đúng vị trí. Đặc biệt, “khuôn mặt cười” này lại có thể được quan sát ở bất kỳ đâu trên thế giới, nếu điều kiện thời tiết tốt, trời trong.

Cũng có khi Mặt Trăng lưỡi liềm xuất hiện cùng 2 hành tinh khác gần nhau trên bầu trời, nhưng rất hiếm khi tạo thành khuôn mặt cười như sắp tới. Ảnh: Getty.

Cũng có khi Mặt Trăng lưỡi liềm xuất hiện cùng 2 hành tinh khác gần nhau trên bầu trời, nhưng rất hiếm khi tạo thành khuôn mặt cười như sắp tới. Ảnh: Getty.

Nhưng cũng như nhiều điều đẹp đẽ khác, “nụ cười của vũ trụ” này chỉ tồn tại trong một thời gian tương đối ngắn. Các nhà khoa học ở NASA nói, “khuôn mặt cười” sẽ xuất hiện vào khoảng hơn 5h sáng 25/4 (theo giờ địa phương), nhưng sau đó Mặt Trời sẽ nhanh chóng mọc, tỏa ánh sáng lấn át hết các hành tinh nói trên. Vì vậy ai muốn nhận được “nụ cười của vũ trụ” thì sẽ phải dậy sớm, chọn nơi không bị chắn tầm mắt rồi nhìn về chân trời phía Đông.

Thục Hân

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/hien-tuong-mat-cuoi-tren-bau-troi-rat-hiem-sap-dien-ra-quan-sat-the-nao-post1735654.tpo