Hiệp định Genève 1954 - khát vọng hòa bình Việt Nam: 70 năm nhìn lại (bài 1)
Cách đây 70 năm, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết, mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Trải qua 70 năm, những bài học từ đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Genève vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Cách đây 70 năm, trong cuộc chiến Đông Xuân 1953 - 1954, sau những chiến thắng dồn dập của quân dân ba nước Đông Dương, ở Việt Nam cũng như tại Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào và vùng Đông Bắc Campuchia, ý chí xâm lược của thực dân Pháp bị lung lay. Cùng với sự thất bại ngày càng gia tăng về quân sự, chính phủ Pháp đã bị đuối sức do gánh nặng chiến phí chồng chất không ngừng. Năm 1951, mỗi ngày Pháp phải chi cho chiến tranh Đông Dương 844 triệu France; năm 1952 đã vượt lên tới 1.200.000 France. Tính chung từ năm 1946 đến 1953, Pháp mất đến hơn 1.800 tỷ France chiến phí cho chiến tranh Đông Dương.
Việc ký kết chấm dứt chiến tranh ở Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm ngày 27/7/1953 càng làm cho Pháp lâm vào thế rối ren về chính trị. Trước áp lực mạnh mẽ của phong trào phản chiến ở Pháp, cũng như trước làn sóng đấu tranh ngày càng dâng cao của nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao bốn cường quốc gồm Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp tại Đức đã quyết định triệu tập Hội nghị Genève về Đông Dương. Hội nghị Genève khai mạc ngày 08/5/1954, một ngày sau khi quân ta đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, với sự tham gia của đại biểu Cao Miên, quốc gia Việt Nam, Mỹ, Pháp, Lào, Việt Nam dân chủ cộng hòa, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Anh và Liên Xô (1).
Hội nghị kéo dài trong 75 ngày (từ thượng tuần tháng 5 đến hạ tuần tháng 7/1954), trải qua 31 phiên họp (họp toàn thể và họp hẹp) đầy căng thẳng. Do quan điểm phản động của G.Bidault - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp, Trưởng đoàn đại biểu Pháp, muốn tiếp tục đặt ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương, nên trong suốt cả tháng trời, hội nghị tiến triển rất chậm, thậm chí có nguy cơ bị thất bại.
Phát biểu tại hội nghị, G.Bidault ngoan cố đeo bám theo cái gọi là "đề nghị 9 điểm" (5 điểm đối với Việt Nam, 4 điểm đối với Lào và Campuchia). Thực chất của "đề nghị 9 điểm" đó là đơn phương nêu ra điều kiện cho Việt Nam, Lào, Campuchia phải thực hiện ngừng bắn; thả tù binh bị bắt; tước vũ khí bộ đội địa phương, dân quân du kích; tập hợp quân chính quy của ta vào những khu vực tập trung dưới sự kiểm soát của "Ủy ban quốc tế". Nói một cách khác G.Bidault ngang ngược đòi giải giáp lực lượng vũ trang kháng chiến của ba nước Đông Dương, bắt Việt Nam, Lào, Campuchia phải quỳ gối đầu hàng. Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam - Phạm Văn Đồng - đã cực lực lên án quan điểm đế quốc thực dân lỗi thời đó.
Trong hội nghị, Đoàn đại biểu Việt Nam đã nêu lên 8 điểm đề nghị cụ thể và trình bày quan điểm nhất quán của mình: "Nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cũng như nhân dân và chính phủ kháng chiến Khơ-me và Lào sẵn sàng giải quyết bằng cách thương lượng vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương trên cơ sở công nhận những quyền của các dân tộc ở Đông Dương – độc lập và thống nhất quốc gia, tự do, dân chủ, do đó tạo điều kiện thiết lập những quan hệ thân thiện của các dân tộc ở Đông Dương và nước Pháp trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng quyền lợi của nhau".
Sau khi quân dân ta vừa giành được chiến tích lừng lẫy ở Điện Biên Phủ, những đề nghị hợp tình hợp lý trên đây của Đoàn đại biểu nước ta đã được nhân dân ba nước Đông Dương, nhân dân Pháp và các nước trên thế giới nhiệt liệt đồng tình.
Trái hẳn với phái đoàn ta, hành động tà tâm, ác ý của phái đoàn Pháp tại Hội nghị Genève là những giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước của phong trào phản chiến ở Pháp và đẩy mâu thuẫn trong chủ trương về chiến cuộc Đông Dương giữa phái chủ hòa và phái chủ chiến trong giới cầm quyền Pháp lên đến đỉnh điểm.
Chỉ tính riêng trong hai ngày 15 và 16/5/1954, đã có tới 60 đoàn đại biểu nhân dân Pháp đến thành phố Genève đòi G.Bidault phải tiến hành đàm phán nghiêm chỉnh với Đoàn đại biểu Việt Nam. Ngày 12/6/1954, Quốc hội Pháp đã giáng một đòn chí mạng vào phái chủ chiến Pháp, bằng cách bỏ phiếu bãi nhiệm chính phủ của Thủ tướng Laniel. Ngày 19/6/1954, một chính phủ do phái chủ hòa cầm đầu được thành lập, do Mandès France làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Trong buổi lễ nhậm chức, Mandès France hứa sẽ ngừng bắn trong vòng 1 tháng (chậm nhất là ngày 20/7/1954).
Sau 6 tuần tiến hành trì trệ, đến trung tuần tháng 6/1954, chương trình nghị sự của Hội nghị Genève mới được khai thông và đi vào thực chất. Trong thời gian ngắn, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn Việt Nam - Phạm Văn Đồng đã 4 lần gặp Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn của Pháp - Mandès France. Ngày 19/6/1954, hai bên đã thỏa thuận ngừng bắn đồng thời và nhanh chóng ở cả ba nước Đông Dương.
Ngày 04/7/1954, Hội nghị quân sự tại chỗ giữa đoàn đại biểu Bộ tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Đoàn đại biểu Bộ tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương bắt đầu họp ở Trung Giã, cách thị xã Thái Nguyên hơn 30km về phía Nam. Hội nghị Trung Giã đạt được bước tiến rất quan trọng. Hai bên đã bàn những vấn đề cốt lõi như: vấn đề tù binh, vấn đề thực hiện ngừng bắn, vấn đề điều chỉnh khu vực tập kết quân đội hai bên, vấn đề lập Ủy ban liên hợp đình chiến.
Ngày 06/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố hoan nghênh thái độ của Mandès France muốn thực hiện mau chóng việc ngừng bắn ở Đông Dương.
Suốt thời gian Hội nghị Genève, Đoàn đại biểu nước ta vẫn kiên trì lập trường giải quyết cuộc chiến ở Đông Dương trên cơ sở một giải pháp toàn diện cho cả vấn đề chính trị và quân sự; các thỏa hiệp cụ thể phải thể hiện đầy đủ, so sánh lực lượng thực tế của hai bên trên chiến trường; đòi phải có đại biểu hai chính phủ Lào và Campuchia trên bàn đàm phán; đòi giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam là vĩ tuyến 13; tổng tuyển cử tự do ở Việt Nam, Lào, Campuchia phải được tiến hành sau thời hạn 6 tháng sau ngày ký kết Hiệp định; lực lượng kháng chiến Lào và Campuchia phải có hai vùng tập kết riêng.
Nhưng với xu thế chung của các nước lớn trong tình hình quốc tế thời đó, cuối cùng các bên tham gia Hội nghị Genève đã đồng ý về những nội dung cơ bản sau: Các nước tham gia hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia, không can thiệp vào các nước này; ngừng bắn trên chiến trường Đông Dương; Pháp rút quân; vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm 2 vùng tập kết quân đội; sau 2 năm sẽ có tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất Việt Nam.
Ở Lào, lực lượng kháng chiến sẽ có 2 khu vực tập kết tại Sầm Nưa và Phong Xa Lỳ. Ở Campuchia, lực lượng kháng chiến không có khu vực tập kết mà phục viên tại chỗ.
Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam được ký kết giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu (thay mặt Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam) và Thiếu tướng Delteil (thay mặt Tổng tư lệnh quân đội liên hiệp Pháp ở Đông Dương) vào lúc 3 giờ 30 phút sáng 21/7/1954. Tuy nhiên, để giữ lời hứa của Thủ tướng Mandès France trước Quốc hội Pháp, nên ngày ký ghi trên Hiệp định là 20/7/1954. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, ngày 22/7/1954, Bộ tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Việt Nam (Nam Bộ ngừng bắn từ 6 giờ sáng ngày 11/8/1954).
Trong lời kêu gọi sau khi Hội nghị Genève thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Tôi thay mặt Chính phủ thân ái kêu gọi toàn thể đồng bào, quân đội và cán bộ vì hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của Tổ quốc mà tám, chín năm nay, nhân dân, quân đội, cán bộ và Chính phủ ta đoàn kết chặt chẽ trên dưới một lòng, chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, kiên quyết kháng chiến và đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang. Nhân dịp này, tôi thay mặt Chính phủ ngỏ lời thân ái khen ngợi toàn thể đồng bào, quân đội và cán bộ từ Nam đến Bắc. Tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các chiến sĩ, đồng bào đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc và gửi lời an ủi anh em thương binh, bệnh binh... Chúng ta giành được thắng lợi to lớn cũng là do nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta... Từ nay chúng ta phải ra sức đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc... Đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Để giành lấy thắng lợi, toàn thể nhân dân, quân đội và cán bộ ta từ Bắc đến Nam cần phải đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng phải thống nhất, hành động phải nhất trí. Chúng ta quyết làm đúng những điều đã ký kết với Chính phủ Pháp, đồng thời chúng ta phải đòi Chính phủ Pháp phải làm đúng những điều đã ký kết với Chính phủ ta". (nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1996, trang 321, 322).
(1) Danh sách này ghi theo bản "Tuyên bố cuối cùng của Hiệp định Genève". Tên các đoàn đại biểu sắp theo a, b, c... trong bản tiếng Pháp.
(Còn tiếp...)