Hiệp Hòa: Quảng bá hình ảnh đẹp về vùng quê cách mạng

Tu bổ, tôn tạo, nâng tầm các di tích lịch sử văn hóa, phát động các cuộc thi ảnh đẹp, sáng tác ca khúc, biểu tượng về huyện… là những hoạt động nổi bật được huyện Hiệp Hòa quan tâm tổ chức trong những năm gần đây, góp phần quảng bá, lan tỏa hình ảnh đẹp về vùng quê cách mạng ATK II.

Tổ chức nhiều cuộc thi

Với mong muốn được giới thiệu nhiều hơn về miền quê cách mạng, đầu năm 2023, UBND huyện Hiệp Hòa tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về huyện. 32 tác giả đến từ nhiều tỉnh, TP trong cả nước đã gửi 36 ca khúc dự giải. Những tác phẩm âm nhạc đã phản ánh chân thực về vùng đất, con người, truyền thống văn hóa, cách mạng trong suốt quá trình lịch sử hình thành và phát triển của huyện Hiệp Hòa. Cùng đó nêu bật những tiềm năng, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã nỗ lực đạt được trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

 Di tích Nội Đống Mú, xã Hoàng Vân - nơi ghi dấu thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hiệp Hòa thu hút đông đảo học sinh đến tham quan, tìm hiểu.

Di tích Nội Đống Mú, xã Hoàng Vân - nơi ghi dấu thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hiệp Hòa thu hút đông đảo học sinh đến tham quan, tìm hiểu.

Những ca khúc đoạt giải như: "Hiệp Hòa sáng mãi", “Đất quê tôi Hiệp Hòa" ... thường xuyên được sử dụng trong các sự kiện chính trị, văn hóa-xã hội của huyện, lan tỏa trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Huyện đang tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn lựa chọn ca sĩ, xây dựng video ca nhạc gồm 10 ca khúc đặc sắc nhất để tạo thành sản phẩm âm nhạc đặc trưng, giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài tỉnh. Ông Đỗ Đức Long, một người dân ở thôn Trung Hòa, xã Mai Trung chia sẻ: "Nghe những ca khúc về Hiệp Hòa, tôi thấy tự hào về vùng quê giàu truyền thống cách mạng, văn hóa. Là người dân trong huyện, tôi ý thức được trách nhiệm chia sẻ những hình ảnh đẹp của địa phương đến với bạn bè".

Mới đây, vào tháng 3/2024, UBND huyện phát động cuộc thi ảnh đẹp “Dấu ấn, tiềm năng vùng đất và con người Hiệp Hòa”. Cuộc thi nhằm tìm kiếm, lưu giữ và phổ biến những tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật, phản ánh đời sống xã hội; những thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện. Giới thiệu các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, các công trình, điểm du lịch mới tiêu biểu; hoạt động xã hội, từ thiện phục vụ cộng đồng; hình ảnh về con người và quê hương Hiệp Hòa; các hoạt động lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Trước đó, cuộc thi sáng tác biểu trưng của huyện cũng được tổ chức thành công. Tác phẩm được lựa chọn thể hiện được toàn diện những gì đặc trưng nhất của vùng quê cách mạng: Tượng đài truyền thống huyện Hiệp Hòa - đại diện cho sự kiên cường, bất khuất; Di tích Quốc gia đặc biệt ATKII, đình Xuân Biều là nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp cơ sở đầu tiên trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945; Quốc kỳ Việt Nam thể hiện người Hiệp Hòa luôn đi theo Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Cùng đó là hình tượng cánh chim hạc trên trống đồng Bắc Lý; hình ảnh dòng sông Cầu uốn lượn, gắn bó bao đời với đất và người nơi đây…

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện chia sẻ: “Việc tổ chức các cuộc thi đã góp phần tạo nên dấu ấn lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh. Những tác phẩm từ các cuộc thi sẽ được huyện giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương cách mạng ATK II Hiệp Hòa đến khắp mọi miền Tổ quốc”.

Nâng tầm giá trị di tích, lễ hội

Bên cạnh tổ chức hiệu quả các cuộc thi, huyện Hiệp Hòa còn chú trọng đầu tư nhằm tu bổ, tôn tạo nâng tầm giá trị các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội trên địa bàn. Đầu năm 2024, lễ hội truyền thống Y Sơn (xã Hòa Sơn) được tổ chức quy mô cấp huyện với rất nhiều nội dung đặc sắc. Lễ tế của các cụ cao niên, lễ rước kiệu truyền thống của tráng đinh trong vùng, các giải thể thao, trò chơi dân gian hấp dẫn... thu hút hàng nghìn du khách thập phương.

 Lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai được lập hồ sơ đề nghị xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai được lập hồ sơ đề nghị xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Liên quan đến lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai (xã Mai Đình), UBND huyện đang phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch hoàn thiện hồ sơ đề nghị đưa lễ hội này vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đặc biệt hơn, nhiều năm nay huyện tổ chức thành công ngày hội về Hiệp Hòa thăm ATK II và trẩy hội bánh chưng Vân. Tất cả các hoạt động trong ngày hội như: Triển lãm ảnh với chủ đề "Tỏa sáng từ vùng đất ATK II"; khảo sát, xúc tiến du lịch lồng ghép quảng bá nông sản đặc trưng của huyện. Các giải kéo co, hội thi dân vũ - khiêu vũ thể thao; liên hoan câu lạc bộ cùng sở thích đều hướng đến mục tiêu giới thiệu hình ảnh Hiệp Hòa giàu bản sắc, thân thiện và mến khách.

Đối với hệ thống di tích trên địa bàn, 5 năm trở lại đây, huyện dành 120 tỷ đồng đầu tư tu bổ 40 di tích. Hầu hết trong số này là những di tích được xếp hạng Quốc gia và Quốc gia đặc biệt, có vai trò quan trọng với đời sống văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của nhân dân như: Đình Xuân Biều, di tích lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên ở xã Xuân Cẩm; chùa Y Sơn; đền Soi, nhà bia cụ Ngô Văn Thấu (cụ đồ Ba) thuộc di tích Quốc gia đặc biệt ATK II ở xã Hoàng Vân. Cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương quan tâm phát huy giá trị di tích bằng việc tăng cường hoạt động tham quan, tìm hiểu truyền thống; tích cực xúc tiến, quảng bá, giới thiệu về di tích đến với du khách thông qua các tài liệu, tờ rơi…

Nhờ đa dạng hóa các hình thức quảng bá, tuyên truyền, hình ảnh về vùng đất, con người, tiềm năng, thế mạnh của huyện Hiệp Hòa đã được giới thiệu, lan tỏa mạnh mẽ. Năm 2023, toàn huyện đón hơn 10 nghìn lượt khách du lịch (khách nội địa đăng ký với huyện). 6 tháng đầu năm 2024, lượng khách đến huyện tăng mạnh, ước khoảng 23 nghìn lượt. Mặc dù doanh thu từ du lịch chưa cao nhưng việc thu hút được lượng lớn du khách đã mở ra cơ hội lớn để huyện Hiệp Hòa tiếp tục mời gọi đầu tư nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch, góp phần phát triển KT-XH địa phương.

Bài, ảnh: Quốc Trường

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/hiep-hoa-quang-ba-hinh-anh-dep-ve-vung-que-cach-mang-082410.bbg