Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị gỡ khó khăn cho phân silic
Hiệp hội Phân bón Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Công Thương về việc tháo gỡ khó khăn cho phân bón có chứa silic.
Theo ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thời gian qua, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón về những vướng mắc, khó khăn đối với loại phân bón có chứa nguyên tố silic.
Ngày 7/5 vừa qua, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Vai trò của nguyên tố silic đối với cây trồng, nguyên liệu và phương pháp phân tích silic trong phân bón" để lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia từ nhiều cơ quan quản lý nhà nước, thành viên Hiệp hội, Viện chuyên ngành, Trung tâm phân tích và nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón có chứa silic.
Theo đó, các đại biểu tham gia hội thảo đều khẳng định mặc dù phân bón có chứa silic có vai trò quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp nhưng đến nay phương pháp phân tích hàm lượng silic hữu hiệu trong phân bón cũng như việc sản xuất và công bố thành phần silic hữu hiệu trong một số loại phân bón cụ thể đang tồn tại một số vấn đề, gây khó khăn cho việc sản xuất và lưu hành phân bón chứa silic trên thị trường.
Cụ thể, việc xác định hàm lượng chỉ tiêu silic hữu hiệu trong phân bón hiện được áp dụng theo 2 phương pháp tiêu chuẩn đang có hiệu lực là: TCVN 11407:2019 và TCCS 772:2020/BVTV. Trong đó: TCVN 11407:2019 được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón (QCVN 01-189:2019/BNNPTNT) ban hành theo Thông tư số 09/2019/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 8 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, áp dụng chung cho các loại phân bón; TCCS 772:2020/BVTV được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ban hành theo Quyết định số 940/QĐ-BVTV-KH ngày 29 tháng 5 năm 2020 với tên tiêu chuẩn: Phân bón – Xác định hàm lượng silic hữu hiệu trong phân silicat kiểm bằng phương pháp khối lượng. Việc sử dụng TCCC 772:2020/BVTCV do phát sinh trong thực tiễn mà phương pháp TCVN 11407:2019 không đáp ứng được.
Khi kiểm tra chất lượng phân bón đối với chỉ tiêu silic hữu hiệu, cơ quan chức năng chỉ sử dụng phương pháp TCVN 11407:2019 với lý do đây là tiêu chuẩn Việt Nam áp dụng cho tất cả các loại phân bón, còn phương pháp TCCS 772:2020/BVTV thì chỉ quy định áp dụng cho “phân silicat kiềm”. Trong khi đó, theo Quy chuẩn Việt Nam, không có phân loại “phân silicat kiềm”. Như vậy, có sự chồng chéo về phương pháp thử, các ý kiến cho biết, trong thực tế phương pháp TCVN 11407: 2019 không phù hợp với hầu hết nguồn phân bón có chứa silic hữu hiệu tại Việt Nam.
Đối với việc sản xuất và công bố thành phần silic hữu hiệu trong một số loại phân bón cụ thể, đa số phân bón có chứa silic hiện nay tại Việt Nam là phân lân nung chảy, phân hỗn hợp NPK, phân trung lượng có chứa silic. Trong đó, Phân lân nung chảy do đặc điểm quá trình chế biến nên chứa thành phần silic hữu hiệu được công nhận và sử dụng rộng rãi trên thế giới, nhưng tại Việt Nam không được công bố chỉ tiêu này, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Mặt khác, các sản phẩm phân bón hỗn hợp sử dụng phân lân nung chảy làm nguyên liệu đầu vào cũng không thể hiện được chỉ tiêu silic.
Phân lân nung chảy do Việt Nam sản xuất hiện xuất khẩu đi một số nước trên thế giới phải dựa vào tổ chức quốc tế khác để phân tích chỉ tiêu silic hữu hiệu do phương pháp TCVN 11407:2019 không phát hiện ra silic hoặc phát hiện với hàm lượng nhỏ hơn thực tế. Phương pháp TCCS 774:2020/BVTV phát hiện ra kết quả tương đương với phương pháp của các nước nhập khẩu nhưng phương pháp này lại không được chỉ định phân tích chỉ tiêu silic hữu hiệu trong phân lân nung chảy. Phân bón hỗn hợp NPK có chứa silic, phân trung lượng silic đa số sử dụng nguyên liệu để khai thác yếu tố silic hữu hiệu từ nguồn phân lân nung chảy hoặc xỉ silicat từ quá trình chế biến quặng, phốt pho...
Quá trình sản xuất các loại phân bón hỗn hợp này không làm thay đổi tính chất của nguyên liệu đầu vào và qua thực tế cho thấy sử dụng phương pháp TCCS 772:2020/BVTV để xác định hàm lượng silic hữu hiệu cho kết quả phản ánh đúng theo định mức sản xuất, còn phương pháp TCVN 11407:2019 thì hoặc không phát hiện ra hoặc phát hiện với hàm lượng thấp hơn so với thực tế. Trường hợp doanh nghiệp công bố áp dụng TCCS 772:2020/BVTV thì bị cơ quan chức năng kiểm tra xử phạt với lý do phương pháp TCCS 772:2020/BVTV chỉ áp dụng cho phân bón silicat kiềm.
Với các bất cập này, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, đánh giá và thực hiện nghiên cứu, ứng dụng phân bón có chứa silic đối với cây trồng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước soát xét lại các phương pháp thử xác định hàm lượng chỉ tiêu silic hữu hiệu trong các loại phân bón để phù hợp với các phương pháp phân tích silic phổ biến thế giới đang áp dụng và phù hợp với thực tế tại Việt Nam.
Cùng đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề nghị xây dựng TCVN mới trên cơ sở TCCS 772:2019/BVTV vì thực tế cho thấy phương pháp TCCS 772:2019/BVTV một mặt ra đời đã khá lâu (từ năm 2020), một mặt dùng tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) để áp dụng ở quy mô quốc gia là không phù hợp với các quy định hiện hành (ý kiến của đại biểu Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia tại Hội thảo).
Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng đề nghị nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn phân tích phù hợp để xác định chỉ tiêu silic hữu hiệu trong các loại phân bón nano silic hiện đang được các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước nghiên cứu, ứng dụng.
Ngoài ra, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề nghị bổ sung sản phẩm phân bón silic cát kiềm và bổ sung chỉ tiêu chất lượng silic trong phân lân nung chảy vào Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phân bón có chứa silic cũng như tháo gỡ những vướng mắc này sẽ góp phần thúc đẩy sử dụng có hiệu quả các sản phẩm phân bón có chứa silic tại Việt Nam, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và nhà nông.