Hiệp ước mới về di cư và tị nạn của EU: Thách thức vẫn ở phía trước

Liên minh châu Âu (EU) đã bật đèn xanh cho một cuộc cải tổ mang tính bước ngoặt đối với các chính sách di cư và tị nạn mang tên Hiệp ước mới về di cư và tị nạn.

Theo đó, các chính sách quản lý biên giới sẽ cứng rắn hơn cùng với sự chia sẻ trách nhiệm giữa các quốc gia thành viên. Nhận định, đây là “thành tựu to lớn của châu Âu”, song thách thức vẫn ở phía trước, giới chuyên gia đã bày tỏ quan ngại về sự phức tạp trong việc thực hiện các giải pháp đã được chỉ ra trong hiệp ước.

Đa số quốc gia thành viên EU ủng hộ, bảo đảm hiệp ước được thông qua bất chấp sự phản đối của Hungary và Ba Lan, vốn từ lâu đã bác bỏ ý tưởng các nước châu Âu nên chia sẻ lượng người di cư. Bộ trưởng Tị nạn và Di cư Bỉ (nước đang giữ chức Chủ tịch EU) Nicole de Moor khẳng định: “Các quy định mới sẽ tăng tính hiệu quả của hệ thống tị nạn của châu Âu và tăng cường sự đoàn kết giữa các quốc gia thành viên”.

Được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trình bày vào ngày 23-9-2020, sau quá trình đàm phán kéo dài do vấn đề cực kỳ phức tạp, gây chia rẽ, hiệp ước đã được thông qua. Hiệp ước mới gồm một bộ 10 công cụ (6 quy định, 3 khuyến nghị và 1 chỉ thị) được thiết kế nhằm đạt được sự cân bằng giữa \kiểm soát biên giới và tinh thần đoàn kết trong việc tiếp nhận người di cư trên đất châu Âu, nhưng triết lý tổng thể vẫn là các quốc gia nhập cảnh chịu trách nhiệm phần lớn việc tiếp nhận.

Theo đó, các quốc gia thành viên sẽ có 3 lựa chọn để quản lý các luồng di cư. Một là, xử lý nhanh hơn ở biên giới EU. Trong vòng tối đa là 7 ngày, người di cư sẽ nhanh chóng biết được họ có thể ở lại châu Âu hay phải rời đi, thông qua thủ tục sàng lọc khi nhập cảnh. Hai là, hợp tác chặt chẽ hơn với các nước xuất xứ và quá cảnh để hạn chế người di cư đến và chống lại các mạng lưới đưa người nhập cư trái phép. Ba là, các quốc gia từ chối tiếp nhận người di cư sẽ phải nộp tiền hoặc gửi thiết bị và nhân sự đến các quốc gia tiếp nhận đầu tiên. Số tiền 20.000 euro (khoảng 21.400 USD) cho mỗi người không mang tính ràng buộc và các quốc gia thành viên sẽ đàm phán chi tiết theo từng trường hợp cụ thể.

Nếu một quốc gia cho rằng mình đang gánh quá nhiều gánh nặng có thể yêu cầu đoàn kết hơn nữa. EU đặt mục tiêu tái định cư 30.000 người mỗi năm nhưng khẳng định, hệ thống này không buộc bất kỳ quốc gia nào chấp nhận người tị nạn miễn là họ đóng góp thông qua những lựa chọn còn lại.

Các thành viên EU hy vọng rằng, những quy định chung mới sẽ giúp cải thiện vấn đề người di cư ngày càng gia tăng ở biên giới châu Âu. Năm 2023, EU đã nhận được 1,14 triệu đơn xin bảo hộ quốc tế, mức cao nhất trong 7 năm qua, trong khi khoảng 380.000 người đã cố gắng vào Lục địa già một cách bất hợp pháp, tăng 17% so với năm 2022.

Theo giới chuyên gia, thách thức chính nằm ở việc thực thi hiệp ước (có hiệu lực vào năm 2026). Hiệp ước được triển khai thế nào, phần lớn phụ thuộc vào ý chí chính trị của các nước thành viên trong việc thực hiện trách nhiệm của mình. Hungary và Ba Lan đã nhanh chóng tuyên bố sẽ không chấp nhận việc di dời người tị nạn theo các quy tắc đoàn kết mới, trong khi các đảng cực hữu, cực tả cũng như các tổ chức phi chính phủ vì những lý do khác nhau sẽ tiếp tục đấu tranh phản đối hiệp ước mới này.

Việc thiếu tuân thủ là mối đe dọa lớn đối với cuộc cải cách vốn đã được đàm phán kỹ lưỡng để bảo đảm rằng, tất cả các nước đều đóng góp theo cách này hay cách khác. Nếu các quốc gia thành viên phớt lờ quy tắc, hệ thống “đoàn kết bắt buộc” sẽ nhanh chóng suy yếu và trở nên vô dụng, khiến hiệp ước mất đi vai trò trung tâm. Bên cạnh đó, mục đích chính của công cụ pháp lý này là nhằm ngăn chặn, tạo ra một “pháo đài” cho biên giới châu Âu. Thế nhưng, điều này không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của tình trạng nhập cư cũng như không đưa ra giải pháp cụ thể để các nước giải quyết vấn đề này. Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ trình bày kế hoạch thực hiện chung vào tháng 6 tới nhằm vạch ra lộ trình và mốc thời gian để hiệp ước có hiệu lực.

Các nhà phân tích dự đoán rằng sẽ mất 2 năm để hiệp ước được thực thi, nhưng sẽ còn nhiều năm nữa mới có thể biết rõ số người xin tị nạn ở châu Âu có giảm hay không.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hiep-uoc-moi-ve-di-cu-va-ti-nan-cua-eu-thach-thuc-van-o-phia-truoc-666445.html