Hiểu đúng, hiểu sâu về doanh nghiệp nhà nước

Hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước lâu nay khá 'kín tiếng', nhưng sự chia sẻ thông tin của người trong cuộc gần đây và sự lan tỏa của các kênh truyền thông sau đó đã đem đến bức tranh khá toàn cảnh, đặc biệt là góp phần giúp dư luận hiểu đúng hơn, sâu hơn về khối doanh nghiệp này.

Bức tranh tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2024 của 19 tập đoàn, tổng công ty tiếp tục có những chuyển biến rõ nét

Bức tranh tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2024 của 19 tập đoàn, tổng công ty tiếp tục có những chuyển biến rõ nét

Cuộc tọa đàm “Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới” do Báo Đầu tư phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) thực hiện vào tháng 9/2023 nhân dịp CMSC kỷ niệm 5 năm thành lập đã thu hút sự quan tâm lớn của các kênh truyền thông và dư luận. Được quan tâm là bởi hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước lâu nay khá “kín tiếng”.

Sự kiện đã đem đến bức tranh khá toàn cảnh về khối doanh nghiệp nhà nước, được chuyển tải dễ hiểu, phong phú đa dạng tới bạn đọc của các kênh truyền thông chính thống, qua đó góp phần giúp dư luận hiểu đúng, hiểu sâu về doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy hoạt động hiệu quả cũng như nhìn nhận đúng đắn về vai trò của khu vực doanh nghiệp này trong nền kinh tế. Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch CMSC đã nhận xét như vậy sau buổi tọa đàm.

Cũng có nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia thảo luận tại tọa đàm như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam… chia sẻ, cập nhật các thông tin về hoạt động doanh nghiệp, từ đó nhận được những đánh giá cao từ các chuyển động tích cực ở doanh nghiệp.

Số liệu cập nhật của CMSC cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu nhà nước ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Các tập đoàn, tổng công ty đã duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, giữ vững vai trò của doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao.

Về phía CMSC, Ủy ban tích cực đổi mới phương thức, lề lối làm việc để nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị, điều hành; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tập đoàn, tổng công ty trong hoạt động sản xuất - kinh doanh; đầu tư và sắp xếp lại, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất - kinh doanh trong 16 ngành kinh tế - kỹ thuật do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đại diện chủ sở hữu nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước.

Một loạt dự án đầu tư quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty đã và đang được thúc đẩy triển khai như chuỗi dự án khí - điện lô B, Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 & 4, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I & II, Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng, Đường dây 500 kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa, Đường dây 500 kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối, Đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, Đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Thành phần 3 - dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1…

Các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương cũng có tiến triển khá tích cực.

Đối với phương án xử lý dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO 2), trên cơ sở kết quả kiểm đếm và kết quả đàm phán thỏa thuận chấm dứt, thanh lý hợp đồng nhà thầu trọn gói (EPC), CMSC sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền về phương án xử lý theo quy định.

Đối với phương án xử lý dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM), CMSC đã có tờ trình báo cáo Thường trực Chính phủ về việc thông qua dự thảo Báo cáo trình Bộ Chính trị phương án xử lý dự án Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án VTM. Ủy ban sẽ hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Bộ Chính trị theo kết luận của Thường trực Chính phủ trong thời gian tới.

Đối với phương án xử lý dự án Nhà máy Đóng tàu Dung Quất (DQS), CMSC đã họp với các bộ, ngành liên quan và chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm việc, thống nhất với các bên liên quan về cơ chế đề xuất của PVN đối với phương án xử lý DQS. Ngày 3/7/2024, Ủy ban đã có báo cáo phục vụ cuộc họp Thường trực Chính phủ về phương án xử lý DQS. Ủy ban sẽ hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Bộ Chính trị theo kết luận của Thường trực Chính phủ.

Đáng chú ý, bức tranh tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2024 của 19 tập đoàn, tổng công ty tiếp tục có những chuyển biến rõ nét: không doanh nghiệp nào lỗ, doanh thu ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, bằng 76,28% kế hoạch năm và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận trước thuế ước đạt 57.000 tỷ đồng, bằng 127% kế hoạch năm và tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt hơn 86.000 tỷ đồng, bằng 75,24% kế hoạch năm.

Giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất trong nửa đầu năm 2024 của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt gần 67.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tiến độ giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến tiếp tục gia tăng sau khi các vướng mắc, khó khăn đã được các cấp có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý làm cơ sở để các tập đoàn, tổng công ty hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Sáu tháng cuối năm nay, bối cảnh kinh doanh có không ít khó khăn nhưng được kỳ vọng là thời điểm các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tăng tốc thực hiện nhiệm vụ để phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ tập trung phát huy thế mạnh của mỗi đơn vị, hướng đến sự phát triển chung của 19 tập đoàn, tổng công ty do CMSC làm đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Một nội dung được các doanh nghiệp và CMSC ưu tiên quan tâm, đó là công tác nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến với dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi).

Dự án luật đang được quan tâm đặc biệt với những vấn đề lớn còn có các ý kiến khác nhau liên quan đến nhóm cơ chế, chính sách để quản lý, thúc đẩy hiệu quả vốn nhà nước tại doanh nghiệp; nhóm quy định nhằm phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu. Các ý kiến trong quá trình xây dựng luật đã được Báo Đầu tư tích cực phản ánh, chuyển tải trong thời gian qua.

Lãnh đạo CMSC đánh giá cao việc đồng hành của Báo Đầu tư với các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong tuyên truyền, xây dựng chính sách pháp luật, qua đó thúc đẩy hiệu quả hoạt động doanh nghiệp khu vực doanh nghiệp nhà nước ngày càng tốt hơn.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được giao làm đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất - kinh doanh trong 16 ngành kinh tế - kỹ thuật. Tính đến cuối năm 2022, các doanh nghiệp có tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất đạt 1,154 triệu tỷ đồng, tổng tài sản hợp nhất đạt 2,491 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước trong cả nước.

Yến Lê / Văn phòng CMSC

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/hieu-dung-hieu-sau-ve-doanh-nghiep-nha-nuoc-post354350.html