'Hiểu đúng, làm đủ' để phát triển vật liệu xây không nung
Thị trường bất động sản trầm lắng khiến nhu cầu vật liệu xây dựng bao gồm vật liệu xây không nung giảm mạnh. Đi cùng với đó, nhiều người sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) chưa hiểu rõ bản chất vấn đề, chưa thực hành đúng như hướng dẫn làm giảm niềm tin vào loại vật liệu này.
Thị trường trầm lắng
TS Phan Hữu Duy Quốc - Phó Tổng thư ký Hội Bê tông Việt Nam cho biết, trong thời gian vừa qua, thị trường bất động sản trầm lắng kéo theo nhu cầu vật liệu xây dựng (VLXD) bao gồm VLXKN giảm mạnh. Khó khăn về thị trường ở cả trong và ngoài nước đã tác động tiêu cực tới tình hình hoạt động của các DN sản xuất VLXD Việt Nam.
Sản lượng sản xuất và tiêu thụ các loại sản phẩm vật liệu xây dựng liên tục suy giảm, lĩnh vực VLXKN gặp nhiều khó khăn, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho lớn. Sản lượng sản xuất và VLXKN năm 2023 khoảng 4,9 tỷ viên quy tiêu chuẩn, sản lượng tiêu thụ khoảng 4,8 tỷ viên quy tiêu chuẩn, các sản phẩm VLXKN chiếm khoảng 30% so với tổng sản lượng vật liệu xây.
Tuy nhiên, Phó Tổng thư ký Hội Bê tông Việt Nam cho rằng, nhiều người sử dụng VLXKN nhưng chưa hiểu rõ bản chất vấn đề, chưa thực hành đúng như hướng dẫn; giá thành còn cao, nhất là gạch bê tông khí chưng áp vì yêu cầu sử dụng vữa chuyên dụng, lưới gia cường; việc biên soạn giáo trình, hướng dẫn thực hành, tập huấn chưa được thực hiện đồng bộ ở các địa phương.
Về tình hình trên địa bàn TP Hà Nội, theo đại diện Sở Xây dựng, hiện nay, hầu hết nhà máy gạch tuynel trên địa bàn không sử dụng mỏ đất nguyên liệu tại chỗ. Việc sản xuất gạch nung chủ yếu sử dụng đất bồi, đất bãi ven sông, đất đồi gò, canh tác kém hiệu quả, tận dụng đất từ việc đào ao, hồ, kênh mương, công trình thủy lợi, công trình xây dựng khác.
Việc sản xuất vật liệu xây nung bằng các loại lò tuynel hiện đại cũng làm tăng giá trị sử dụng đất và tiết kiệm nguồn tài nguyên không tái tạo. Khi bị hạn chế sản xuất, sử dụng vật liệu xây nung, các nhà máy gạch tuynel cũng bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, tính đến thời điểm hiện nay, hành lang pháp lý cũng như cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với VLXKN đã cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên thực tế cho thấy, đối với công trình sử dụng vốn NSNN - đối tượng công trình bắt buộc phải sử dụng VLXKN thì chủ đầu tư mới sử dụng. Còn đối với các công trình không bắt buộc phải sử dụng VLXKN, chủ đầu tư vẫn né sử dụng, thậm chí sẵn sàng chịu phạt.
Theo TS Trần Bá Việt - Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam (VABM), trong thời gian qua đã có nhiều công trình sử dụng VLXKN cho kết quả tin cậy, hiệu quả như các công trình nhà ở thấp tầng và cao tầng, tòa nhà văn phòng, trụ sở cơ quan, trường học... Tuy nhiên, cũng còn một số công trình, khi sử dụng VLXKN có phát sinh việc nứt thấm, nhất là một số công trình ở các tỉnh.
Qua quá trình khảo sát thực địa, tư vấn giám sát nhiều công trình và làm việc với các ban quản lý dự án, Sở Xây dựng các tỉnh cho rằng, việc quản lý chất lượng VLXKN và phụ kiện vật liệu phụ đi kèm, nhất là tại các cơ sở sản xuất nhỏ chưa được quan tâm, sâu sát, thường xuyên. Ví dụ, việc thử nghiệm vật liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra chưa được thử nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu, quy trình chế tạo bảo dưỡng gạch bê tông không được tuân thủ; nhà thầu khi mua gạch bê tông không tiến hành thử nghiệm lại chất lượng VLXKN.
Tư vấn thiết kế, thẩm tra, thẩm định không kiểm tra thiết kế thi công khối xây cho mỗi loại tường sử dụng mỗi loại VLXKN. Tư vấn giám sát không nắm được, không hiểu đúng và không có giám sát nghiệm thu đúng khối xây VLXKN cho mỗi loại VLXKN khác nhau. Nhà thầu và nhà thầu phụ, nhân công xây dựng không được học, không hiểu và không làm đúng các tiêu chuẩn, quy trình, hướng dẫn đã được ban hành...
Khắc phục để thúc đẩy thị trường
Theo PGS.TS Trần Văn Miền - Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, việc quan trọng là cần áp dụng các giải pháp khắc phục, hạn chế hiện tượng rạn, nứt trên khối xây sử dụng gạch không nung. Để làm điều này, công trình xây dựng cần sử dụng gạch xi măng cốt liệu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của TCVN 6477:2016.
Ngoài ra, gạch không nung cần phải đáp ứng thêm các chỉ tiêu cụ thể về: cường độ chịu nén, hệ số mềm; độ thấm nước; độ co, nở tương đối; cần lựa chọn gạch không nung có tuổi từ 45 ngày trở lên để thi công khối xây hoặc dùng phương pháp dưỡng hộ nhiệt ẩm để đẩy nhanh quá trình hydrat hóa của xi măng từ đó ổn định độ co khô của gạch khi đưa vào thi công khối xây.
TS Trần Bá Việt nhấn mạnh vai trò của quản lý Nhà nước tại địa phương và cho rằng, Sở Xây dựng các tỉnh thành và chủ đầu tư có vai trò rất quan trọng trong công tác thẩm định thiết kế, phê duyệt thiết kế, thanh tra, kiểm định và nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng. Nếu các bên đều làm tốt vai trò, có thể ngăn chặn hầu hết các khuyết tật và sự cố khối xây liên quan đến VLXKN xảy ra trên địa bàn. Kinh nghiệm cho thấy, các chủ đầu tư lớn, nhà thầu lớn và Sở Xây dựng tại những TP lớn hầu như không để xảy ra khuyết tật sự cố khối xây.
"Sở Xây dựng cần kiểm tra, đánh giá các công ty sản xuất VLXD, vật liệu phụ và phụ kiện đi kèm; cần tập huấn cho cơ quan thẩm định thiết kế, thanh tra xây dựng, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu và nhân công đang thực hiện công trình trên địa bàn, có kiểm tra đánh giá cả về lý thuyết và thực hành sẽ ngăn ngừa được các khuyết tật, sự cố về khối xây VLXKN" - TS Trần Bá Việt cho hay.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị, cần tiếp tục hoàn chỉnh, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật thi công, các định mức, đơn giá liên quan đến việc sản xuất và sử dụng những chủng loại vật liệu xây không nung để có cơ sở áp dụng đồng bộ, phù hợp với thực tế, xác định rõ các loại công trình, hạng mục công trình không sử dụng được VLXKN tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thiết kế, chủ đầu tư và nhà thầu trong việc đưa các loại sản phẩm này vào công trình.
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ đạo các Tổng Công ty thuộc Bộ Xây dựng trong việc tập trung đầu tư, chuyển đổi sản xuất, sử dụng VLXKN thay thế vật liệu nung truyền thống; chỉ đạo các đơn vị tư vấn thuộc Bộ Xây dựng nghiên cứu, xem xét, tư vấn cho các chủ đầu tư dự án xây dựng công trình trong việc sử dụng vật liệu không nung trong công trình xây dựng.
Cùng với đó, đánh giá cụ thể sự phù hợp của các loại VLXKN với điều kiện khí hậu tại Việt Nam; đánh giá cụ thể nguồn nguyên liệu chủ yếu phục vụ sản xuất VLXKN để phát triển bền vững loại sản phẩm này khi thực hiện lộ trình thay thế gạch nung các loại; đánh giá việc thực hiện các chính sách phát triển VLXKN; nghiên cứu chính sách khuyến khích việc chế tạo máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ sản xuất VLXKN trong nước, giảm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tính đến nay, theo báo cáo chưa đầy đủ của 54/63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, có khoảng 1.200 cơ sở sản xuất VLXKN trên toàn quốc đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế đạt khoảng 12,4 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm, chiếm khoảng 40% tổng công suất thiết kế vật liệu xây.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hieu-dung-lam-du-de-phat-trien-vat-lieu-xay-khong-nung.html