Hiểu đúng về tục cúng ông Công ông Táo
Hàng năm, người Việt tốn hàng hàng nghìn tỷ đồng để dùng vào việc đốt vàng mã, nhất là dịp cúng ông Công ông Táo. Việc đốt vàng mã mang màu sắc mê tín dị đoan hơn là một tập tục cần phát huy.
Có nên cúng ông Công ông Táo ô tô, máy bay...?
Ngày 23 tháng Chạp hàng năm theo phong tục của người Việt là ngày cúng ông Công, công Táo hay còn gọi là Tết Táo quân. Theo tín ngưỡng dân gian, ngày cúng ông Công, ông Táo chính là ngày vua bếp lên chầu trời báo cáo việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm đó.
Đây còn là tục lệ bày tỏ sự tri ân đối với các vị thần đã quanh năm lo toan cai quản duy trì nếp sinh hoạt gia đình, đồng thời nhắc nhở mỗi người có trách nhiệm hơn trong việc quan tâm, thu vén gia đình. Tục cúng ông Công, ông Táo cũng như các phong tục tốt đẹp khác của dân tộc luôn hướng con người tới những điều thiện, tốt đẹp trong cuộc sống.
Theo TS Vũ Thế Khanh Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, lễ cúng 23 tháng Chạp mang ý nghĩa tiễn ông Công ông Táo về trời để báo cáo việc lớn việc nhỏ trong năm của gia chủ với thiên đình. Vì thế, việc cầu xin tài lộc, sung túc là không nên. Các gia đình chỉ nên khấn xin Táo quân báo những việc tốt đẹp trong năm. Sau khi kết thúc lễ cúng ông Công ông Táo, mang cá chép thả xuống sông hồ. Việc thả cá chép ngoài việc cung cấp "phương tiện" cho ông Táo lên trời còn mang ý nghĩa phóng sinh, hướng thiện.
Chính vì thế, theo các chuyên gia nên chọn nơi nước sạch để cá có thể sống được. Khi thả cá không nên thả cá từ trên cao như đứng trên cầu, bờ xa ném cá xuống nước vì như vậy cá sẽ chết. Nên chọn một địa điểm mép nước ở sông, hồ và thả cá từ từ. Đặc biệt, không nên ném cả túi nilon xuống nước để tránh gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng" còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.
Hiện nay, trong mâm lễ cúng ông Công, ông Táo nhiều gia đình không tiếc tiền sắm sửa mâm cao cỗ đầy, mua nhiều tiền vàng thậm chí sắm máy bay, điện thoại bằng vàng mã… làm "phương tiện" tiễn ông Táo về chầu trời. Điều này, theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương đều là quan điểm sai lầm, không đúng với truyền thống.
"Theo Phong tục từ ngàn xưa thì ông Công, ông Táo chỉ cưỡi cá chép nên việc cúng ông Công ông Táo bằng những đồ vàng mã mô tả những phương tiện, đồ vật hiện đại như: máy bay, điện thoại… thể hiện sự lệch lạc trong nhận thức của một số người", chuyên gia phong thủy Phạm Cương nhận định.
Phản khoa học trong tục đốt vàng mã
Trong lễ cúng ông Công ông Táo, nhiều gia đình có tập tục đốt rất nhiều vàng mã với quan niệm "cõi âm" cũng như "người trần", cần quần áo, xe cộ, nhà cửa mới.... Thậm chí có những gia đình đốt hàng chục triệu tiền vàng mã vào dịp này để "tri ân tưởng nhớ" người "cõi âm".
TS Vũ Thế Khanh cho biết, thực tế, tục lễ đốt vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo tích xưa kể lại, trước đây, nhiều dân tộc ở Trung Quốc có tục lệ chôn đồ vật theo người chết, nhất là những đồ mà khi còn sống người đó luôn gắn bó. Sau này, đến thời Vương Dũ liền chế ra vàng bạc, quần áo bằng giấy… để cúng rồi đốt đi, thay thế cho vàng bạc và đồ dùng thật. Nghề làm vàng mã từ đó trở nên thịnh hành.
Tuy nhiên, có một thời gian, việc đốt vàng mã cho người âm không còn phổ biến, nghề này cũng dần bị mai một. Lúc bấy giờ, hậu duệ của Vương Dũ là Vương Luân đã tiến hành bài binh bố trận cho một người giả chết rồi đưa vào quan tài. Khi họ hàng thân quyến đến nhà thắp nhang, cúng lễ và đốt rất nhiều tiền vàng thì bỗng dưng "người chết" sống lại và phán rằng do biếu nhiều vật dụng, tiền bằng hàng mã, lại có cả hình nhân thế mạng nên đã mua chuộc được ma quỷ, Diêm Vương di căn cải mệnh, và đã được tha mạng.
Hàng năm, người Việt tốn hàng hàng nghìn tỷ đồng để dùng vào việc đốt đồ mã. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã mang màu sắc mê tín dị đoan, đó là tín ngưỡng dân gian do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa từ xa xưa, hoàn toàn không phải là tín ngưỡng của đạo Phật.
Về mặt tâm linh, việc đốt vàng mã chỉ là giả, biết là giả mà vẫn đi biếu người khác thì lòng mình cũng không thanh tịnh. Về mặt khoa học, không thể nào có chuyện phương tiện (quần, áo, tiền...) của thế giới hữu hình của chúng ta lại được lưu hành và chấp nhận ở một thế giới khác, thế giới tâm linh".
TS Vũ Thế Khanh cũng cho rằng đốt vàng mã là thói quen nguy hiểm bởi lòng tin vào việc đốt vàng mã khiến người ta quên mất luật nhân quả. Có khi đó lại là ngọn nguồn của những hành động bất nhân, nhiều gia đình không chỉ đốt vàng mã mà còn đốt hình nhân thế mạng.
"Mình có việc tội lỗi, làm việc xấu thì phải cải thiện, tu hành, nhưng trong tư tưởng mình lại dùng hình nhân thế mạng để thế cho việc làm sai trái, nghiệp chướng của mình, thậm chí bắt người khác làm để mình hưởng. Tư tưởng đó đã sinh ra những điều không tốt", ông nói.
Theo chuyên gia, tục đốt vàng mã đã tiêm nhiễm lâu đời, lan truyền rộng rãi, bài trừ là điều không dễ dàng, nhanh chóng. "Tôi nghĩ chính quyền và các tôn giáo cần kết hợp mật thiết với nhau để hướng dẫn, vận động quần chúng bài trừ hủ tục. Chính quyền cần xem xét việc sản xuất, buôn bán vàng mã đang diễn ra tràn lan, phải kiên quyết ngăn cấm sử dụng vàng mã tại các chùa chiền, cơ sở tôn giáo chính đã được công nhận, hoặc nơi nghĩa trang, nơi công cộng. Nếu tất cả đồng lòng ủng hộ vì lợi ích chung, chắc chắn việc đốt vàng mã sẽ được ngăn chặn và đạt kết quả tốt đẹp như việc cấm đốt pháo hay bắt buộc đội mũ bảo hiểm".
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hieu-dung-ve-tuc-cung-ong-cong-ong-tao-169240131104122306.htm