Hiệu lực kiến nghị kiểm toán: Từ con số 'biết nói' đến mục tiêu cao hơn trong nhiệm kỳ mới. Bài 2: Lan tỏa những kinh nghiệm quý

Những con số ấn tượng về tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2024 đã khẳng định vai trò của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong việc nâng cao kỷ luật, kỷ cương ngân sách, thúc đẩy quản lý tài chính công minh bạch, hiệu quả. Đó cũng là minh chứng cho chất lượng kiểm toán, sự phối hợp đồng bộ và tinh thần trách nhiệm, cầu thị của các đơn vị được kiểm toán - những yếu tố cần tiếp tục được lan tỏa để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài chính công, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2024 đã ghi nhận nhiều con số tích cực. Ảnh: TL

Kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2024 đã ghi nhận nhiều con số tích cực. Ảnh: TL

Hiệu lực kiểm toán qua những con số nổi bật

Kết quả kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN năm 2024 đối với các cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2023 (về niên độ ngân sách 2022) đã ghi nhận nhiều con số tích cực. Vụ Pháp chế dẫn đầu với tỷ lệ thực hiện đạt 100%, tiếp theo là KTNN chuyên ngành II đạt 99,67%, KTNN chuyên ngành VI đạt 99,47%, KTNN khu vực VI đạt 98,88%, KTNN khu vực XI đạt 98,55%, KTNN khu vực IV đạt 90,97%... Đây đều là những tỷ lệ rất cao, phản ánh rõ hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán.

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán, lãnh đạo một số KTNN chuyên ngành và khu vực cho rằng cần tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm toán viên - “linh hồn” của cơ quan kiểm toán; xây dựng quy trình, chuẩn mực kiểm toán nghiêm ngặt; tôn trọng tính độc lập nghề nghiệp và thẩm quyền pháp luật.

Đáng chú ý, tại KTNN chuyên ngành II, ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Kiểm toán trưởng - cho biết: Những năm gần đây, tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán của đơn vị tăng đều qua từng năm: Năm 2022 đạt 98,49%, năm 2023 đạt 99,72%, năm 2024 đạt 99,67%. Để duy trì được kết quả cao như vậy, KTNN chuyên ngành II đã thường xuyên tổ chức các cuộc tập huấn, trao đổi nghiệp vụ; lập các đoàn kiểm tra thực hiện kiến nghị hằng năm; đồng thời phân công rõ trách nhiệm cho các phòng chuyên môn theo dõi sát sao, phối hợp chặt chẽ với đơn vị được kiểm toán, cập nhật số liệu định kỳ để báo cáo quý, 6 tháng và cả năm.

Tương tự, với KTNN khu vực VI, theo Kiểm toán trưởng Vũ Khánh Toàn, nhờ sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo KTNN, cùng việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán tại đơn vị luôn duy trì ở mức trên 96% trong 3 năm gần đây: Năm 2021 đạt trên 97,3%, năm 2022 đạt 96,43%, năm 2023 đạt 98,88%.

Đối với KTNN chuyên ngành VI, Kiểm toán trưởng Trần Văn Hảo cho biết, năm 2022 đơn vị đạt tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán tuyệt đối 100%, các năm trước đó cũng luôn xấp xỉ 99,34%. Theo ông Hảo, yếu tố then chốt để đạt được kết quả cao chính là “chất lượng kiểm toán”, tức là kết luận kiểm toán phải chặt chẽ, đầy đủ cơ sở pháp lý, chứng cứ xác đáng. Nếu kết luận thiếu rõ ràng, căn cứ yếu thì đơn vị được kiểm toán rất khó “tâm phục khẩu phục” mà thực hiện.

Đặc biệt, KTNN khu vực IV - đơn vị kiểm toán địa bàn rộng như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh và Long An (trước sáp nhập) liên tục đạt tỷ lệ cao trong thực hiện kiến nghị kiểm toán những năm gần đây. Giai đoạn 2020-2023, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán tại đơn vị đạt trên 90%.

Tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán cao chính là thước đo quan trọng để đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, đồng thời phản ánh ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị được kiểm toán trong quản lý tài chính công, tài sản công, góp phần phòng ngừa lãng phí, thất thoát ngân sách.

Đúc kết những bài học quý

Để đạt được những con số ấn tượng như trên, các đơn vị đã đúc kết nhiều bài học sâu sắc. Trước hết, đó là bài học về chất lượng kiểm toán. Ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II - khẳng định: Tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán phụ thuộc trực tiếp vào chất lượng của kiến nghị. Một kiến nghị chắc chắn đòi hỏi kiểm toán viên phải có sự thận trọng nghề nghiệp rất cao, tuyệt đối tuân thủ pháp luật và tôn trọng thẩm quyền của từng cơ quan. Ví dụ, khi kiểm toán việc hoàn thuế, KTNN không tự tính số tiền mà chỉ kiến nghị cơ quan thuế kiểm tra; hay với xử phạt hành chính thuộc thẩm quyền UBND tỉnh thì KTNN chỉ kiến nghị UBND xử lý. Làm đúng như vậy mới bảo đảm tính pháp lý, khả thi, giúp tỷ lệ thực hiện kiến nghị cao.

Chia sẻ về cuộc kiểm toán Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân năm 2019, ông Thăng cho biết: Qua kiểm toán, KTNN phát hiện Nhà máy vi phạm quy định bảo vệ môi trường, song chỉ kiến nghị Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Thuận ra quyết định xử phạt (không kiến nghị số tiền). Kết quả, chỉ sau một tháng, UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt 1 tỷ đồng theo đúng kiến nghị. Đại diện Nhà máy cũng thừa nhận, nhờ KTNN chỉ ra kịp thời, Nhà máy đã khắc phục, tránh được những hậu quả nặng nề hơn. Đây là minh chứng rõ nét cho tinh thần kiểm toán đồng hành, góp phần hoàn thiện quản trị doanh nghiệp chứ không chỉ thuần túy “tìm sai phạm”.

Một kinh nghiệm quan trọng khác được ông Vũ Khánh Toàn - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI - nhấn mạnh là sự phối hợp chặt chẽ, tạo đồng thuận, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Đơn vị luôn có sự phối hợp sát sao với lãnh đạo địa phương, các đơn vị được kiểm toán để đôn đốc, hướng dẫn thực hiện kiến nghị, qua đó tạo được nhận thức chung, trách nhiệm chung.

Về phía địa phương, nhiều Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, thành phố công khai kết luận kiểm toán, rà soát, điều chỉnh chính sách chưa phù hợp pháp luật; UBND các tỉnh, thành chỉ đạo quyết liệt các đơn vị khắc phục tồn tại, báo cáo kết quả kịp thời. Thậm chí, nhiều địa phương còn đưa tiêu chí thực hiện kiến nghị kiểm toán vào tiêu chí đề bạt, sắp xếp cán bộ. Đây là biện pháp “mềm” nhưng hiệu quả, giúp các đơn vị ý thức rõ hơn trong việc thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Cùng với đó, ông Toàn còn nhấn mạnh vai trò của kiến nghị kiểm toán trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, bịt lỗ hổng pháp luật. Qua kiểm toán chi phí thu gom rác thải trên các tuyến BOT tại Quảng Ninh, KTNN khu vực VI đã phát hiện 75,8 tỷ đồng ngân sách chi không đúng quy định; kiến nghị thu hồi và chấm dứt cơ chế thanh toán sai này. Địa phương đã thực hiện thu hồi số tiền theo kiến nghị của KTNN. Đáng chú ý, nếu tính cả vòng đời dự án BOT với mức chi sai, con số có thể lên tới 657 tỷ đồng.

Thực tiễn còn cho thấy, kiến nghị kiểm toán có thể thúc đẩy trực tiếp việc thay đổi chính sách quản lý, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài chính - ngân sách tại đơn vị được kiểm toán. Kết quả kiểm toán tại TP. Hồ Chí Minh là một minh chứng. Ông Nguyễn Hữu Phúc - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV - cho biết, qua kiểm toán tại TP. Hồ Chí Minh, KTNN phát hiện Nghị quyết 05/2022 của HĐND Thành phố về chế độ đặc thù cho huấn luyện viên, vận động viên thể thao không đảm bảo bình đẳng khi chỉ thưởng cho vận động viên nam, bỏ qua nữ. Nhờ kiến nghị của KTNN, HĐND TP. Hồ Chí Minh đã kịp thời sửa đổi, bổ sung chế độ khen thưởng cho vận động viên nữ.

Những ví dụ tiêu biểu cùng các bài học kinh nghiệm được đúc kết đã khẳng định hiệu lực hoạt động kiểm toán không chỉ ở việc phát hiện, xử lý về tài chính mà còn nâng cao chất lượng quản trị công, phòng ngừa sai phạm ngay từ gốc.

Tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán với những con số ấn tượng phản ánh nỗ lực của cơ quan kiểm toán trong nâng cao chất lượng kiểm toán, sự phối hợp hiệu quả của các đơn vị được kiểm toán, đồng thời cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong quản lý tài chính công. Để tiếp tục củng cố hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng kiểm toán, sự đồng thuận từ cơ sở, thì vai trò giám sát của Quốc hội, Chính phủ đối với thực hiện kiến nghị kiểm toán cũng hết sức quan trọng. Nội dung này sẽ được đề cập chi tiết hơn trong bài viết tiếp theo./.

THÙY ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/hieu-luc-kien-nghi-kiem-toan-tu-con-so-biet-noi-den-muc-tieu-cao-hon-trong-nhiem-ky-moi-bai-2-lan-toa-nhung-kinh-nghiem-quy-41503.html