Hiệu quả bước đầu trong thí điểm học bạ số cấp tiểu học

Theo đánh giá của các cơ sở giáo dục, việc triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học đã bước đầu cho thấy kết quả khả quan. Đây là giải pháp tối ưu để quản lý học bạ một cách thống nhất, khoa học, tiết kiệm chi phí và thời gian.

Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Đồng Lương, huyện Cẩm Khê tập huấn về học bạ số.

Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Đồng Lương, huyện Cẩm Khê tập huấn về học bạ số.

Trường Tiểu học Đồng Lương, huyện Cẩm Khê thí điểm học bạ số cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 4 năm học 2023-2024. Thay vì phải in ra giấy và ký tay toàn bộ thì chỉ cần thao tác nhấp chuột, giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng nhà trường đã hoàn thành việc ký, đóng dấu học bạ trên hệ thống mà không cần mất quá nhiều thời gian.

Cô giáo Vi Thị Bích Thọ - Hiệu trưởng nhà trường thông tin: “Sau khi tham gia hội nghị tập huấn chung về học bạ số cấp tiểu học do Sở GD&ĐT tổ chức, chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo từng tổ chuyên môn, đồng thời hướng dẫn thực hiện thí điểm cho các lớp từ khối 2 đến khối 4 đang học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Thực tế cho thấy, 100% cán bộ, giáo viên trong toàn trường đều sử dụng thành thục các phần mềm giáo dục và chữ ký số cho hồ sơ điện tử. Giáo viên tiến hành nhập kết quả học tập của học sinh trên phần mềm Quản lý nhà trường (SMAS) và đồng bộ dữ liệu trên học bạ số sau khi nhà trường gửi dữ liệu lên hệ thống, tiếp đến là chốt dữ liệu học bạ, ký số đối với kết quả học tập của học sinh, trên cơ sở này, hiệu trưởng sẽ ký duyệt và đóng dấu học bạ. Tất cả thao tác đều được thực hiện trên hệ thống nên đảm bảo thống nhất, khoa học, chính xác, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành, tăng tính công khai, minh bạch trong đánh giá, xếp loại học sinh cuối năm.

Học bạ số có nhiều điểm thuận lợi như: Lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh cũng như kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; thể hiện tính nhất quán khi phát hành học bạ; giảm áp lực sổ sách cho giáo viên, nhà trường; việc theo dõi, quản lý hồ sơ chặt chẽ, khoa học. Đặc biệt, phụ huynh có thể tra cứu kết quả học tập của con em mình một cách dễ dàng, từ đó phối hợp tốt với giáo viên và nhà trường trong việc nhắc nhở, đôn đốc học sinh học tập hiệu quả.

Năm 2021 Sở GD&ĐT tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2021-2025 nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, nhu cầu dạy và học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 272/275 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 98,9%.

Các trường cơ bản đảm bảo đủ, đáp ứng yêu cầu thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và công tác quản lý nhà trường. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đã được tiếp cận với nền tảng học bạ số thông qua phần mềm thí điểm cơ sở dữ liệu ngành tỉnh Phú Thọ và SMAS của sổ liên lạc điện tử.

Đến nay, toàn tỉnh có 220/282 cơ sở giáo dục tiểu học, đạt tỷ lệ 78,01% các trường thực hiện triển khai thí điểm học bạ số với 83.055 học sinh, 2.772 lớp tham gia thí điểm học bạ số.

Năm học 2024-2025, ngành GD&ĐT tiếp tục tập huấn sử dụng học bạ số cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường; tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư nguồn lực, tăng cường cơ sở vật chất (máy tính, đường truyền mạng...) đáp ứng việc sử dụng học bạ số, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT. Đồng thời, thiết lập các cơ chế xác thực mạnh mẽ và phân quyền truy cập để đảm bảo chỉ những người được ủy quyền mới có thể truy cập, chỉnh sửa dữ liệu học bạ nhằm lưu trữ bảo mật, an toàn, khai thác thuận tiện.

Việc lưu giữ học bạ số cho học sinh thực hiện đồng bộ đối với cấp tiểu học từ năm học 2024-2025, được triển khai ngay từ đầu năm học và được thực hiện trên nền tảng cơ sở dữ liệu ngành, được miễn phí như các phần mềm quản lý khác.

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/hieu-qua-buoc-dau-trong-thi-diem-hoc-ba-so-cap-tieu-hoc-218421.htm