Hiệu quả công tác tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới ở xã Hải Lệ
Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), UBND xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị đã phát động phong trào thi đua 'Toàn dân chung sức xây dựng xã Hải Lệ đạt chuẩn NTM nâng cao' giai đoạn 2021 - 2025. Sau hơn 3 năm thực hiện, xã Hải Lệ đã có những thay đổi tích cực, nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa của người dân. Đến nay, xã Hải Lệ đã đạt 19 tiêu chí NTM nâng cao.

Cán bộ và Nhân dân xã Hải Lệ chú trọng chỉnh trang làm sạch đẹp đường làng, ngõ xóm - Ảnh: M.T
Hải Lệ là một xã thuần nông có tổng diện tích tự nhiên là 6.467 ha, trong đó đất lâm nghiệp 4.747,1 ha, toàn xã có 1.141 hộ với 4.244 nhân khẩu được chia thành 4 thôn Tích Tường, Như Lệ, Tân Mỹ, Tân Phước. Có 3 HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, 4 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế tăng trưởng khá, văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; QP-AN được giữ vững ổn định.
Xác định công tác tuyên truyền là một trong những vấn đề quan trọng trong thực hiện các chương trình MTQG xây dựng NTM, NTM nâng cao, UBND xã đã chỉ đạo thường xuyên thông tin, tuyên truyền các nội dung NTM đến tận người dân thông qua các phiên họp, hội nghị và hệ thống phát thanh tại các thôn. Qua đó, nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý, tổ chức thực hiện. Nhận thức mỗi cán bộ, đảng viên cũng như quần chúng nhân dân trên địa bàn được nâng lên, Nhân dân đã đồng tình ủng hộ thực hiện các nhiệm vụ, hiến đất, hiến cây, góp công, góp của để xây dựng các công trình.
Ủy ban MTTQ Việt Nam xã thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM”, các đoàn thể chính trị - xã hội đã phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM trong toàn thể hội viên và các tầng lớp nhân dân như: mô hình “Thôn phòng, chống tội phạm”; Hội Nông dân với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”; xây dựng bể thu gom vỏ chai bảo vệ thực vật sau khi sử dụng; cải tạo vườn tạp, nuôi hươu, nuôi ong lấy mật, mô hình sen - cá, đã khơi dậy phong trào thi đua sản xuất nâng cao thu nhập trong xây dựng NTM.
Hội LHPN xã đã phát động các phong trào thi đua: “Xây dựng người phụ nữ Quảng Trị thời đại mới có kiến thức, có đạo đức, có sức khỏe, yêu nước, nghĩa tình, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng”, phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” là đòn bẩy nhằm nâng cao phát triển kinh tế gia đình.
Duy trì mô hình phụ nữ tiết kiệm và góp vốn giúp hội viên phát triển sản xuất, thực hiện tốt việc đỡ đầu các hộ hội viên nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Triển khai thực hiện các cuộc vận động như: “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “Xây dựng gia đình 5 có 3 sạch gắn với xây dựng NTM”; thành lập các mô hình “Thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình”, “Phụ nữ với pháp luật”; chăm sóc và trồng mới các tuyến đường hoa; tập trung khơi dậy các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao trên địa bàn. Hội CCB phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong hội viên, hỗ trợ phát triển kinh tế, đảm nhận “Tuyến đường tự quản”. Đoàn thanh niên triển khai chương trình “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM”, tổ chức triển khai công trình “Ánh sáng đường quê” “Sân chơi cho người già và trẻ em” và các mô hình thanh niên khởi nghiệp...
Các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bỏ lại phía sau”; mô hình, sáng kiến giảm nghèo hiệu quả nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội góp phần huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của xã, mạng xã hội, hệ thống loa phát thanh từ xã đến thôn.
Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân luôn được chú trọng. Phát huy lợi thế của địa phương, khắc phục khó khăn, huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa; góp phần đẩy mạnh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp thị xã và các chương trình dự án, xã Hải Lệ đã triển khai được một số mô hình như: sản xuất lúa hữu cơ; chăn nuôi bò; nuôi hươu; nuôi cá chình lồng; trồng ném... đem lại hiệu quả cao. Đời sống của người dân được nâng cao rõ rệt. Nếu năm 2019, thu nhập bình quân đầu người ở xã Hải Lệ đạt 29,3 triệu đồng/năm, thì năm 2024, con số này đã tăng lên hơn 55 triệu đồng/ người/năm. Năm 2019, xã có 87 hộ nghèo và 153 hộ cận nghèo, nay còn 15 hộ nghèo, 40 hộ cận nghèo. Phần lớn các hộ nghèo, cận nghèo đều không có khả năng lao động.
Chủ tịch UBND xã Hải Lệ Lê Văn Tâm cho biết: “Thời gian tới, xã Hải Lệ sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng NTM để duy trì xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Huy động mọi nguồn lực tiếp tục đầu tư, nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đảm bảo môi trường, phát huy các giá trị văn hóa tinh thần cho Nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức quán triệt đến cán bộ và Nhân dân các nội dung, ý nghĩa của chương trình MTQG xây dựng NTM để phong trào này phát triển liên tục, đều khắp tại địa phương.