Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề huyện Thanh Trì
Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của huyện Thanh Trì, các làng nghề trên địa bàn huyện đã không ngừng đổi mới, phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, khẳng định chỗ đứng trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Bánh chưng Tranh Khúc không chỉ dành cho Tết
Dù không phải dịp Tết Nguyên đán nhưng đến làng nghề truyền thống bánh chưng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì những ngày này, không khí sản xuất vẫn tấp nập. Được hình thành từ lâu đời và được công nhận “Làng nghề truyền thống Hà Nội” năm 2011, đến nay làng nghề bánh chưng Tranh Khúc đã có bước phát triển mạnh mẽ.
Theo lãnh đạo UBND xã Duyên Hà, hiện toàn xã có khoảng 110 hộ sản xuất các loại bánh truyền thống từ gạo. Để nâng cao năng suất, giải phóng sức lao động và đáp ứng nhu cầu thị trường, những năm qua, các hộ sản xuất đã áp dụng công nghệ, đầu tư máy móc hiện đại để thay thế các công đoạn thủ công. Cụ thể, đã có 46 cơ sở đầu tư máy hút chân không, 70 cơ sở đầu tư nồi hơi, dùng điện 3 pha để sản xuất; đồng thời lựa chọn nguyên vật liệu sạch để đảm bảo ATTP.
Sản phẩm của làng nghề cũng ngày càng đa dạng, phong phú. Nếu như trước đây, các hộ chỉ sản xuất bánh chưng xanh truyền thống thì nay đã sáng tạo ra nhiều loại sản phẩm như: bánh chưng gấc, bánh chưng ngũ sắc, bánh chưng nếp nương, bánh chưng gạo lứt...
Bên cạnh bánh chưng, nhiều hộ còn làm cả bánh dày, bánh tẻ, bánh giò để phục vụ cho đám cưới, lễ hội… Vì thế, hoạt động sản xuất của làng nghề diễn ra quanh năm. Chỉ tính riêng năm 2022, sản lượng trung bình của làng nghề đạt khoảng 21.600 chiếc bánh/hộ/năm, doanh thu ước đạt 864 triệu đồng/hộ, tổng doanh thu của làng nghề đạt khoảng 95 tỷ đồng.
Thu nhập của người làm nghề tăng lên đáng kể, đạt từ 6,5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán, một số hộ sản xuất lớn còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong thôn.
Đến nay, làng nghề bánh chưng Tranh Khúc không chỉ cung cấp sản phẩm cho thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài như các nước Đông Âu, Thái Lan, Nhật Bản…
Năm 2020, Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội giới thiệu và đưa các sản phẩm bánh chưng của hộ kinh doanh Trung Thành, Nguyễn Thị Yên, Đặng Văn Đoàn vào hệ thống siêu thị Win+ và BigC. Năm 2021 - 2022, sản phẩm bánh chưng của cơ sở Thành Trung, Đặng Văn Đoàn đã được đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao.
Làm mới các sản phẩm truyền thống
Huyện Thanh Trì hiện có 4 làng nghề truyền thống được công nhận, gồm: làng nghề miến dong và bánh đa Phú Diễn, xã Hữu Hòa; làng nghề bánh chưng Tranh Khúc, xã Duyên Hà; làng nghề dệt Triều Khúc, xã Tân Triều; làng nghề nón lá Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng.
Bên cạnh đó còn có 3 làng nghề nổi tiếng khác được công nhận như: làng nghề rượu Ngâu, thôn Yên Ngưu, xã Tam Hiệp; làng nghề sản xuất bánh kẹo thôn Nội Am, xã Liên Ninh; làng nghề may thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng.
Thực hiện Nghị định số 52/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Quyết định số 31/2014/QĐ-UBND ngày 4/8/2014 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định về chính sách khuyến khích phát triển làng nghề trên địa bàn TP, UBND huyện Thanh Trì đã xây dựng kế hoạch về phát triển làng nghề trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các xã triển khai thực hiện nhằm bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị của các làng nghề.
Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp với UBND các xã tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm vận động người dân bảo tồn, gìn giữ nghề và làng nghề của địa phương; tuyên truyền các quy định trong công tác ATTP.
Bên cạnh đó, huyện đầu tư, khuyến khích các làng nghề tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đến nay, UBND huyện Thanh Trì đã hỗ trợ 1 hệ thống xử lý nước RO để phục vụ lọc tạp chất của rượu tại làng nghề rượu Ngâu, xã Tam Hiệp; hỗ trợ 2 máy hút chân không cho làng nghề bánh chưng Tranh Khúc, xã Duyên Hà.
Ngoài ra huyện còn tổ chức cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn đến tham quan mô hình sản xuất, học tập kinh nghiệm tại các làng nghề khác trên địa bàn TP.
Đặc biệt, công tác phát triển làng nghề gắn với tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại được huyện triển khai tích cực. Huyện đã triển khai 6 điểm chợ hoa Xuân, 5 sự kiện kết nối sản xuất và tiêu dùng bền vững cho DN, cơ sở sản xuất; xây dựng và duy trì 3 website để quảng cáo, giới thiệu và bán hàng trực tuyến cho các làng nghề.
Đồng thời phối hợp với các sở, ngành tư vấn, hỗ trợ các xã lập hồ sơ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các làng nghề. Huyện cũng đã xây dựng và duy trì 3 điểm trưng bày, giới thiệu và cung ứng sản phẩm có truy xuất nguồn gốc cho các làng nghề, đặt tại xã Tứ Hiệp và xã Tân Triều.
Để những tinh hoa làng nghề tỏa sáng
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh, trước khi thực hiện chính sách hỗ trợ, hoạt động của các làng nghề chưa được chú trọng quan tâm, các hộ sản xuất, kinh doanh tự do, chưa nắm rõ được quy định về đảm bảo ATTP, vệ sinh môi trường, thương hiệu, bao bì, mẫu mã sản phẩm.
Do vậy, sản phẩm cung ứng ra thị trường chưa được khách hàng chú ý, doanh thu và thu nhập của các hộ sản xuất còn thấp. Từ khi thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển, sản phẩm của các làng nghề đã được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn, số lượng sản phẩm được cung ứng ra thị trường tăng cao hơn so với các năm trước, điển hình như sản phẩm rượu Ngâu, bánh chưng Tranh Khúc, nón lá Vĩnh Thịnh...
Việc phát triển của các làng nghề đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động nông thôn, không chỉ với những người trong độ tuổi lao động mà còn giải quyết việc làm thêm cho cả lao động người già và trẻ em. Làng nghề phát triển giúp tăng thu nhập cho người dân, tạo điều kiện kết nối cộng đồng, phát triển những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật từ đời này qua đời khác.
Hoạt động của các điểm trưng bày, giới thiệu và cung ứng sản phẩm có truy xuất nguồn gốc đã thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, có truy xuất nguồn gốc, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Đặc biệt, đơn vị quản lý và vận hành điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm đang thực hiện liên kết chuỗi với các HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn, cung cấp sản phẩm cho hàng trăm bếp ăn trong trường học trên địa bàn TP và các tỉnh, thành lân cận.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển, các làng nghề trên địa bàn huyện Thanh Trì vẫn còn gặp những khó khăn, hạn chế nhất định như: Quy mô sản xuất còn nhỏ; tỷ lệ áp dụng công nghệ máy móc hiện đại vào sản xuất còn chưa cao; mẫu mã các sản phẩm làng nghề còn chưa đa dạng; thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa rộng...
Để khắc phục những tồn tại này, thời gian tới, huyện Thanh Trì tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển làng nghề và làng nghề truyền thống. Trong đó, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho các hộ sản xuất; thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu cho các làng nghề.
Phối hợp với các sở, ngành triển khai tư vấn, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu cho các làng nghề; đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh thiết kế mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng. Tăng cường hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm làng nghề đã được công nhận OCOP vào các siêu thị, chuỗi thực phẩm an toàn có truy xuất nguồn gốc...