Hiệu quả từ chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số Yên Bái
Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 đang đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả ở Yên Bái, góp phần đưa chỉ số hạnh phúc của người dân nâng cao rõ rệt.
Xung quanh vấn đề này, Báo PLVN có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Thủy - Trưởng Ban dân tộc tỉnh Yên Bái.
Xin ông cho biết kết quả thực hiện Chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong thời gian qua với đồng bào DTTS?
Những năm qua, tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện tốt chính sách dân tộc, công tác dân tộc. Gần đây nhất, là Chính sách phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Giai đoạn 2021-2025, thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái có tổng vốn đầu tư là 1.384.658 triệu đồng. Giai đoạn 2021 -2023, Yên Bái dành nguồn vốn đầu tư phát triển là 703.323 triệu đồng (kế hoạch vốn năm 2022 là 259.623 triệu đồng; kế hoạch năm 2023 là 343.434 triệu đồng). Vốn ngân sách địa phương đối ứng 100.266 triệu đồng (kế hoạch vốn năm 2022 là 20.339 triệu đồng, kế hoạch vốn năm 2023 là 79.927 triệu đồng).
Từ nguồn vốn đầu tư phát triển, chương trình đi sâu và bao phủ hầu hết các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất của đồng bào DTTS như: đất ở, nhà ở, nước sạch, đất sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản, cơ sở hạ tầng thiết yếu, giáo dục, đào tạo nghề...
Đến nay, Yên Bái đã triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tất cả các dự án đều đã phát huy hiệu quả ngay trong năm đầu tiên tổ chức, triển khai thực hiện, đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào DTTS.
Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS&MN giảm bình quân 7,66% (so với mục tiêu Trung ương giao vượt 2,66%), trong đó huyện Mù Cang Chải giảm 8,51%, huyện Trạm Tấu giảm 6,95%. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%, đạt mục tiêu của Chương trình.
Số xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn là 14/28 xã, đạt 46,42% so với mục tiêu Trung ương giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022; đạt 23,7% so với mục tiêu Chương trình 50% của 59 xã. Số thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn là 25/27 thôn (thuộc xã khu vực I, II), đạt 92,5% so với mục tiêu Trung ương giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022; đạt 45,4% so với mục tiêu Chương trình 50% của 55 thôn.
Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 97,6/99% mục tiêu chương trình. Tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,5/90% vượt mục tiêu chương trình (vượt 3,5%). Tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình và tỷ lệ đồng bào DTTS được nghe đài phát thanh đạt 99,4/100% mục tiêu chương trình….
Có thể nói, việc triển khai, thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần từng bước cải thiện đời sống đồng bào dân tộc, trong đó vấn đề nhà ở, hạ tầng phục vụ dân sinh đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng; chất lượng cuộc sống được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm; hệ thống lưới điện được đầu tư; không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống; học sinh được đến trường đúng độ tuổi; tình hình an ninh trật tự được kiểm soát tốt…
Đến nay đã có hàng trăm hộ đồng bào DTTS ở Yên Bái viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo; hàng nghìn hộ gia đình tự nguyện hiến đất, cây cối, hoa màu, tài sản trên đất phục vụ giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án, công trình, xây dựng NTM... Nhiều hộ gia đình vươn lên trở thành những điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu cho gia đình, quê hương, bản làng.
Dù mới được đưa vào tổ chức thực tiễn tại địa phương từ nửa cuối năm 2022 nhưng đến nay việc triển khai chương trình ở các nội dung đều có những kết quả tích cực. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm, bài học của tỉnh Yên Bái?
Những kết quả tích cực của chính sách về đồng bào DTTS một phần nhờ công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng thực hiện từ Trung ương tới cơ sở. Là chương trình lần đầu tiên dành cho đồng bào DTTS nên ngay khi bắt tay vào thực hiện (cuối năm 2022), các địa phương ở Yên Bái đều khá lúng túng, gặp một số vướng mắc vượt thẩm quyền. Vì vậy, hầu hết các địa phương đều có kiến nghị gửi cấp thẩm quyền cao hơn để xem xét, tháo gỡ, hướng dẫn giải quyết.
Đồng thời, Yên Bái có quan điểm đúng đắn, kiên trì trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; xác định rõ xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là các chương trình có tác động lớn, toàn diện đến xã hội nông thôn.
Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc một cách quyết liệt để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả “Phong trào toàn dân chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. UBND tỉnh đã thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo, giao các cơ quan chủ trì chương trình và Sở Kế hoạch và Đầu tư định kỳ báo cáo kịp thời.
Về phối hợp thực hiện, tỉnh đã phân công, phân cấp rõ trách nhiệm cho từng Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan; làm tốt công tác phối kết hợp giữa các cấp, các ngành; tránh sự chồng chéo trong phân công nhiệm vụ, không có đơn vị chịu trách nhiệm.
Quá trình thực hiện, phải đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, vận động, đào tạo, nâng cao nhận thức, ý thức của đội ngũ cán bộ, người dân và cộng đồng, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện. Biết lựa chọn các nội dung trọng tâm, gắn với lợi ích thiết thực của người dân, cộng đồng và kiên trì tổ chức thực hiện; xây dựng mô hình, điển hình tốt, thuyết phục để nhân rộng.
Về tổ chức triển khai các dự án, chính sách, Yên Bái xác định ngân sách nhà nước chủ yếu mang tính hỗ trợ, kích hoạt, thưởng theo kết quả đầu ra. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, Yên Bái có cơ chế, chính sách, có cách làm sáng tạo trong huy động nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa; phân cấp, trao quyền chủ động cho cơ sở, người dân và cộng đồng; tăng cường sinh hoạt, đối thoại, phát huy cao dân chủ cơ sở; công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn lực, bảo đảm sử dụng hiệu quả, tạo sự tin tưởng của người dân, cộng đồng và toàn xã hội.
Yên Bái tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn cho cơ sở; định kỳ đánh giá, chấn chỉnh kịp thời những yếu kém, lệch lạc. Quan tâm đúng mức việc sơ, tổng kết, khen thưởng, vinh danh các tập thể, cá nhân điển hình, tạo phong trào thi đua mạnh mẽ, rộng khắp.
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Chính sách về dân tộc thiểu số, tỉnh Yên Bái có đề xuất gì để tháo gỡ khó khăn trên địa bàn?
Bên cạnh kết quả ấn tượng đạt được, qua thực tế triển khai vẫn còn một số những khó khăn, vướng mắc như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, làm hạn chế quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương trong tỉnh thấp hơn so với bình quân thu nhập của cả nước; tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số chiếm 57,4% dân số, nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 86,84% trong tổng số hộ nghèo của cả tỉnh.
Việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc thực hiện chuyển đổi, chuyển nhượng đất đai giữa các hộ rất khó thực hiện; về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, không có đối tượng đủ điều kiện để hưởng hỗ trợ theo quy định…
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao góp phần triển khai thực hiện hiệu quả, tỉnh Yên Bái đề xuất Chính phủ phân cấp cho địa phương trong việc quyết định bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương cho các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần, để có thể linh hoạt theo nhu cầu thực tế của địa phương, khả năng giải ngân để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của Chương trình.
Phân cấp mạnh về cho địa phương, hoặc bổ sung thêm quy định về định mức mà HĐND cấp tỉnh được phép chuyển đổi rừng tự nhiên hoặc liên quan đến rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, chuyển đổi đất lúa, từ đó sẽ linh hoạt cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự án, bảo đảm đời sống cho bà con ở vùng sâu, vùng xa.
Tỉnh Yên Bái kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung kế hoạch vốn ngân sách trung ương là 165 tỷ đồng cho tỉnh Yên Bái để tiếp tục thực hiện Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Yên Bái là cơ sở để các địa phương trong tỉnh xây dựng phương án sử dụng đất trong đó ưu tiên việc giao đất sản xuất cho các hộ gia đình thiếu đất sản xuất đặc biệt là các hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Tỉnh Yên Bái đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm hướng dẫn triển khai thực hiện và xem xét sửa đổi quy định thực hiện tiểu dự án 1 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn theo hướng “hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn” thành “hỗ trợ trực tiếp không thu hồi vốn”…