Hiệu quả từ công tác dân tộc

Huyện Ðầm Dơi có 1.784 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với hơn 8.100 người, nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer với hơn 1.600 hộ, hơn 7.900 người, sinh sống tập trung ở các xã: Thanh Tùng, Tân Thuận, Tân Duyệt, Ngọc Chánh, Trần Phán và Quách Phẩm Bắc. Giai đoạn 2019-2024, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc chăm lo, tạo điều kiện cho bà con đồng bào DTTS phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Nổi bật là các địa phương vùng DTTS đã hoàn thành việc hỗ trợ đất ở cho 24 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 146 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 988 hộ và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 734 hộ. Xây dựng 1 điểm định canh, định cư xen ghép cho 63 hộ và 1 dự án định canh, định cư theo hình thức ổn định dân cư tại chỗ cho 80 hộ dân. Thực hiện hoàn thành 28 dự án phát triển sản xuất cộng đồng, với hơn 300 hộ tham gia (trong đó trên 50% là hộ nghèo, cận nghèo). Hỗ trợ đầu tư xây dựng mới hơn 70 công trình đường giao thông nông thôn (GTNT) với chiều dài trên 40 km, 2 cây cầu bê tông GTNT, 8 trụ sở văn hóa ấp; duy tu, sửa chữa 16 công trình GTNT vùng DTTS. Thực hiện dự án hỗ trợ “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em” đối với địa bàn 3 xã khu vực III. Tổng nguồn kinh phí thực hiện hơn 69 tỷ đồng. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống các hộ dân ở vùng khó khăn; nhiều bà con đồng bào dân tộc khi được Ðảng, Nhà nước quan tâm giúp đỡ đã quyết chí vươn lên thoát nghèo.

Ông Triệu Quang Toàn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc xã Ngọc Chánh, tuyên truyền chủ trương đến hộ đồng bào dân tộc.

Ông Triệu Quang Toàn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc xã Ngọc Chánh, tuyên truyền chủ trương đến hộ đồng bào dân tộc.

Gia đình bà Nguyễn Cẩm Tú, ấp Ngã Bát, xã Trần Phán, có 6 công đất sản xuất nhưng không hiệu quả, là hộ nghèo nhiều năm. Ðể giúp bà Tú vươn lên, địa phương hỗ trợ 3 triệu đồng để nuôi heo. Bên cạnh chăn nuôi, gia đình cải tạo đất sản xuất, thả thêm con giống; mở tiệm buôn bán nhỏ tại nhà. Chồng và đứa con của bà Tú còn đi làm hồ, kiếm thêm thu nhập. Nhờ cần cù lao động mà đến năm 2020, gia đình đã làm đơn xin thoát nghèo và năm 2022 cất được căn nhà khang trang trị giá khoảng 300 triệu đồng.

Gia đình ông Kim Văn Dảo, ấp Tấn Ngọc, xã Ngọc Chánh, là hộ nghèo. Chỉ có khoảng 2 công đất sản xuất. Chịu khó lao động, tích góp qua nhiều năm, gia đình mở được tiệm tạp hóa nhỏ. Ông Dảo còn đi cân cua, kiếm hơn 100 ngàn đồng/ngày, từ đó cuộc sống dần ổn định. Năm 2021, gia đình ông được hỗ trợ trên 20 triệu đồng, cùng với tiền tích góp, đã xây dựng được căn nhà trị giá gần 200 triệu đồng và đã làm đơn xin thoát nghèo.

Ông Dảo chia sẻ: “Bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ từ Nhà nước thì gia đình đã chủ động trong việc lao động sản xuất, tiết kiệm chi tiêu. Giờ cuộc sống đã ổn định, con cái được học hành. Tôi rất vui vì đã thoát được cảnh khó khăn như trước và sẽ cố gắng lao động sản xuất thời gian tới, để kinh tế gia đình phát triển hơn”.

Các cấp ủy đảng, chính quyền huyện còn thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 14 người có uy tín trong đồng bào DTTS, họ luôn phát huy tốt vai trò, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương và có nhiều đóng góp vào việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; luôn đi đầu trong các phong trào thi đua, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh trật tự tại các địa phương vùng DTTS.

Với việc thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các chính sách dân tộc, cùng ý thức tự lực vươn lên của nhiều bà con đồng bào dân tộc, 5 năm qua, huyện Ðầm Dơi đã đạt được kết quả ấn tượng về giảm nghèo, mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3-4%; đến cuối năm 2023, hộ nghèo DTTS chỉ còn 195 hộ, chiếm hơn 20% trong tổng số hộ nghèo toàn huyện và chiếm hơn 10% so với tổng số hộ DTTS; hộ cận nghèo DTTS còn 81 hộ, chiếm hơn 9% trong tổng số hộ cận nghèo toàn huyện và chiếm hơn 4% so với tổng số hộ DTTS trên địa bàn.

Các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ giếng nước sạch cho hộ đồng bào dân tộc ở ấp Ðồng Tâm A, xã Tân Duyệt.

Các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ giếng nước sạch cho hộ đồng bào dân tộc ở ấp Ðồng Tâm A, xã Tân Duyệt.

Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội cũng được quan tâm triển khai thực hiện tốt. Trong các năm qua, đã có 250 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề, với kinh phí hỗ trợ trên 370 triệu đồng. Huyện đã huy động và tập trung nguồn lực thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019-2023 hơn 17,8 tỷ đồng. Công tác xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành tập trung thực hiện quyết liệt. Ðến nay, toàn huyện đã có 9 xã được công nhận xã nông thôn mới, chiếm 60%; riêng vùng DTTS, trong 8 xã có 3 xã khu vực III, 5 xã có ấp đặc biệt khó khăn thực hiện chương trình, đã có 2 xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới là Tân Duyệt và Quách Phẩm.

Ông Phạm Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Ðể thực hiện tốt hơn công tác dân tộc trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo lồng ghép các chương trình mục tiêu, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, cùng với nguồn lực, để tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc phát triển, vươn lên trong cuộc sống. Trong giải pháp giảm nghèo, tiếp tục phân công đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể giúp đỡ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc, tư vấn, hướng dẫn, tạo việc làm. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong đồng bào DTTS, làm chuyển biến nhận thức của đồng bào để có ý chí vươn lên, tránh sự trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước cũng như cộng đồng xã hội”./.

Thùy Mỵ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hieu-qua-tu-cong-tac-dan-toc-a33189.html