Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn
Để nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, những năm qua, bên cạnh các loài nuôi truyền thống, tỉnh Quảng Trị đã du nhập nhiều loài nuôi thủy sản mới và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là trong nuôi tôm. Nhờ vậy, đã hạn chế dịch bệnh trong nuôi tôm và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay toàn tỉnh có 3.350 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi tôm 934 ha, bình quân hằng năm thu hoạch sản lượng tôm đạt hơn 4.600 tấn, năm 2021 ước đạt giá trị hơn 700 tỉ đồng. Nuôi tôm đã trở thành thế mạnh có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây thu nhập từ nuôi tôm không ổn định và có chiều hướng giảm do chất lượng giống kém, môi trường nuôi ngày càng suy giảm, dịch bệnh liên tục xảy ra trên tôm thẻ và tôm sú, đặc biệt giai đoạn dưới 1 tháng tuổi. Từ những thực tế đó, từ năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình nuôi tôm sú thâm canh 2 giai đoạn theo công nghệ biofloc với diện tích thử nghiệm 0,5 ha.
Hộ ông Hồ Ngọc Lảnh, ở thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh được chọn làm thí điểm với mục đích xây dựng mô hình nuôi tôm sú nhằm khôi phục vùng nuôi tôm ao đất, hạn chế tối đa dịch bệnh, nhất là hiện tượng tôm chết sớm dưới 1 tháng tuổi, đồng thời giảm chi phí, rút ngắn thời gian nuôi. Ông Lảnh cho biết: “Được chọn làm mô hình, tôi rất chịu khó tìm tòi học hỏi và có trách nhiệm trong việc tiếp nhận đối tượng nuôi mới. Gia đình tôi xây dựng ao nuôi, ao ương đảm bảo kỹ thuật, đủ diện tích. Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh về hướng dẫn tận tình các phương pháp kỹ thuật nên tôi làm đạt yêu cầu và đem lại hiệu quả tốt”.
Trước khi bắt tay vào thực hiện mô hình, trung tâm tổ chức 1 lớp tập huấn về mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn với 30 học viên tại xã Vĩnh Sơn tham gia. Nội dung lớp tập huấn là tìm hiểu chung về mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn; hướng dẫn quy trình nuôi tôm sú 2 giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học, quy trình biofloc; một số biện pháp phòng và trị bệnh trên tôm sú; biện pháp quản lý các yếu tố môi trường trong ao nuôi; nội dung ghi chép, lưu giữ hồ sơ.
Mô hình triển khai được trung tâm hỗ trợ 50% kinh phí mua tôm giống và thức ăn công nghiệp. Định kỳ hằng tuần cán bộ kỹ thuật trực tiếp đến tại hồ nuôi hướng dẫn thực hiện các biện pháp kỹ thuật ương, nuôi 2 giai đoạn, chăm sóc quản lý các yếu tố môi trường, ghi chép nhật ký, lưu trữ hồ sơ. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi nếu xuất hiện những sự cố bất thường, cán bộ chỉ đạo đều có mặt để cùng hộ thực hiện mô hình giải quyết. Ao ương diện tích từ 90 - 100 m2 , lót bạt, có hệ thống oxy đảm bảo.
Đáy ao ương cao ngang mực nước cao nhất của ao nuôi. Ao nuôi diện tích 5.000 m2 , đầy đủ hệ thống cấp thoát nước. Ao lắng, ao chứa phải đảm bảo cho việc cung cấp đủ nước cho ao nuôi và ao ương trong vụ nuôi. Ao được cải tạo bằng cách tháo cạn nước, nạo vét bùn đáy ao; rải vôi với liều lượng 50 - 70 kg/1.000 m2 ; phơi khô ao 5 - 7 ngày, sau đó cấp nước vào ao qua hệ thống túi lọc.
Thực hiện diệt khuẩn bằng clorine 25ppm; gây màu nước bằng cách ngâm ủ cám gạo trộn với thức ăn số 0 và chế phẩm vi sinh rải xuống ao lúc 9 giờ sáng, kết hợp cho thêm dolomite để gây màu. Về gây biofloc trên ao ương, sử dụng 3 kg thức ăn số 0; 3 kg rỉ mật đường; 0,5kg TA-Pondpro ngâm ủ 24 giờ, sục khí sau đó tạt xuống ao lúc 9 giờ sáng, lặp lại liên tục 3 ngày thì biofloc lên nằm ở mức 1 - 2ml/1lít nước. Kiểm tra các yếu tố môi trường: pH, kiềm, độ mặn... đảm bảo thì tiến hành thả giống. Giai đoạn ương là 24 ngày, cho ăn lượng thức ăn tăng dần theo độ lớn của tôm. Tổng thời gian ương sử dụng hết 25 kg thức ăn. Định kỳ 2 ngày/lần sử dụng 1/2 gói vi sinh TA-Pondpro tạt lúc 9 giờ sáng để gây biofloc ổn định môi trường. Ngày thứ 5 trở đi mỗi ngày thay 15 - 20% nước trong bể ương.
Sau khi ương thì tiến hành san tôm xuống ao nuôi. Nguồn nước ao nuôi được lấy từ ao lắng qua sau khi đã xử lý diệt khuẩn. Tiến hành gây màu 3 - 5 ngày trước khi san tôm qua ao nuôi. Lượng thức ăn cho ăn hằng ngày điều chỉnh theo việc kiểm tra lượng thức ăn có còn dư thừa trong vó. Định kỳ 3 - 5 ngày xử lý vi sinh, khoáng tạt ổn định môi trường.
Giai đoạn ương tôm phát triển chậm hơn so với thả trực tiếp nhưng nhờ quản lý được các yếu tố môi trường cũng như vấn đề dịch bệnh nên tỉ lệ sống cao, đạt 90%. Con giống đạt kích cỡ lớn trước khi thả nuôi, giúp rút ngắn thời gian nuôi, tỉ lệ sống nuôi giai đoạn 2 đạt 70%, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi, hạn chế thiệt hại về kinh tế trong giai đoạn đầu. Sau khi chuyển qua ao mới, tôm phát triển tốt, đồng đều về kích cỡ.
Đến lúc thu hoạch tôm đạt kích cỡ bình quân 34 con/kg, đạt và vượt so với yêu cầu. Mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn giảm được lượng nước thải ra môi trường so với nuôi thả trực tiếp nên hạn chế ô nhiễm môi trường xung quanh. Đồng thời, giảm được rủi ro, tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, lợi nhuận mang lại cao. Mô hình mang lại hiệu quả cao, lợi nhuận đạt trên 180 triệu đồng.
Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn sử dụng chế phẩm vi sinh để kiểm soát môi trường, do đó hạn chế tối đa thay nước, ít ảnh hưởng môi trường. Sản phẩm không có hóa chất, kháng sinh đáp ứng được thị trường xuất khẩu. Đây là mô hình mới áp dụng trên đối tượng tôm sú nằm trong vùng thường xuyên xảy ra dịch bệnh, do đó ương nuôi trong giai đoạn đầu giúp hạn chế hội chứng tôm chết sớm. Ao nuôi được cải tạo đảm bảo kỹ thuật; khâu lấy nước và xử lý nguồn nước cấp vào được thực hiện kỹ càng, diệt khuẩn tốt. Ao nuôi được rào lưới hoặc có hệ thống che chắn đề phòng, hạn chế các vật chủ trung gian bên ngoài xâm nhập vào ao.
Từ kết quả mô hình năm ngoái, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tăng diện tích thử nghiệm lên 1 ha cho 2 hộ nuôi. Hiện nay, tôm đã qua giai đoạn ương và được thả nuôi đảm bảo đúng kỹ thuật, tôm phát triển tốt. Việc xây dựng mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn phù hợp với chủ trương, nhu cầu của địa phương. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị Trần Cẩn cho biết, trung tâm tiếp tục chỉ đạo việc thử nghiệm mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn qua 3 vụ để có kết luận cuối cùng. Nếu khẳng định được thành công thì đây là mô hình nuôi tôm bền vững sẽ được nhân ra diện rộng để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trong nuôi tôm, bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế.