Hiệu quả từ mô hình thí điểm 1 triệu hecta lúa chất lượng cao

Sơ kết thí điểm Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao mang lại nhiều tín hiệu tích cực, lợi nhuận ròng từ 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha, giảm phát thải khí nhà kính từ 2-6 tấn CO2/ha so với ruộng đối chứng…

Cần Thơ - thành công từ mô hình thí điểm

Sau thời gian triển khai thí điểm, cánh đồng lúa được canh tác theo phương pháp chất lượng cao tại tại Hợp tác xã Tiến Thuận, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) với diện tích 50 ha đã bước vào thời kỳ thu hoạch.

Đây là một phần của “Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, theo kế hoạch sẽ triển khai tại 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

TS Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cho biết, về hiệu quả kinh tế, lúa thực hiện đề án tăng lợi nhuận ròng từ 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha. Ảnh CK

TS Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cho biết, về hiệu quả kinh tế, lúa thực hiện đề án tăng lợi nhuận ròng từ 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha. Ảnh CK

Trước khi thực hiện rộng rãi, Bộ NN&PTNT quyết định thực hiện các cánh đồng thí điểm ở 5 địa phương gồm Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Đồng Tháp. Trong đó, Cần Thơ là địa phương xuống giống đầu tiên tại vụ Hè Thu (đầu tháng 4/2024) với diện tích 50 ha tại HTX Tiến Thuận.

Chia sẻ về kết quả đạt được, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: mô hình giảm lượng giống gieo sạ từ 140kg/ha xuống còn 60kg/ha, giảm số lần bón phân 3-4 lần/vụ xuống còn 2 lần/vụ, đồng thời giảm tối thiểu 20% lượng phân bón vô cơ. Cùng với đó là giảm đáng kể lượng nước tưới, giảm rủi ro dịch bệnh hay cây lúa bị đổ ngã, và giảm tổn thất sau thu hoạch.

“Kết quả của mô hình này là nền tảng, là cơ sở để ngành nông nghiệp TP nhân rộng trên toàn bộ diện tích tham gia đề án như đã cam kết với Bộ NN&PTNT. TP phấn đấu đến năm 2025 xây dựng được vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao với quy mô 38.000ha, đến giai đoạn 2026-2030 đạt 50.000ha theo kế hoạch". - ông Nguyễn Ngọc Hè nhấn mạnh.

TS Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cho biết, việc giảm lượng lúa giống còn 60kg/ha tương đương giảm được chi phí về giống 1,2 triệu đồng/ha, phân bón giảm 0,7 triệu đồng/ha; năng suất đạt từ 6,3-6,5 tấn/ha. Về hiệu quả kinh tế, lúa thực hiện đề án tăng lợi nhuận ròng từ 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha, giảm phát thải khí nhà kính từ 2-6 tấn CO2/ha so với ruộng đối chứng…

Nắm bắt thời cơ vàng, phát triển đề án

Vừa qua, Bộ KH&ĐT cùng Bộ NN&PTNT, WB và 12 địa phương ở ĐBSCL họp bàn về đề xuất dự án sử dụng vốn vay WB hỗ trợ thực hiện đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

Dự án hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL do Bộ NN&PTNT là chủ quản dự án cùng UBND 12 tỉnh/thành phố tham gia dự án. Đơn vị đề xuất dự án cùng chủ dự án dự kiến là Ban quản lý các Dự án Nông nghiệp và Sở NN&PTNT 12 tỉnh/thành phố tham gia dự án. Nhà tài trợ dự kiến là WB với thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2026-2031.

Theo Bộ NN&PTNT, dự án có 3 hợp phần. Trong đó, hợp phần 1, phát triển cơ sở hạ tầng cho chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao phát thải thấp (ước tính 404,9 triệu USD trong đó vốn WB khoảng 327,5 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ và các địa phương là 77,4 triệu USD). Hợp phần 2, phát triển và chuyển giao công nghệ (ước tính 16,1 triệu USD trong đó vốn vay của WB là 2,5 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ và các địa phương là 13,6 triệu USD). Hợp phần 3, quản lý dự án, ước tính 9 triệu USD vốn đối ứng Chính phủ và địa phương.

Đại diện WB khẳng định, đây là thời điểm vàng để Việt Nam triển khai đề án nhằm định vị thương hiệu lúa gạo gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, giảm chi phí sản xuất, tăng thêm lợi nhuận cho nông dân từ việc trao đổi tín chỉ carbon. Vì vậy WB mong muốn Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ NN&PTNT trong các vấn đề kỹ thuật, thủ tục huy động nguồn vốn vay ODA cho đề án này.

Tại buổi tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ vào ngày 14/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã có quyết định 1490 giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét ban hành chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp ĐBSCL. Ngày 9/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có tờ trình phê duyệt chương trình cho vay theo quyết định 1490. Sau khi xem xét từ các cơ quan tham mưu, Chính phủ sẽ phê duyệt chương trình này để tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Ngọc Phạm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-thi-diem-1-trieu-hecta-lua-chat-luong-cao.html