Hiệu quả từ mô hình xử lý rác thải thành phân hữu cơ

Chùa Bảo Lâm (TP Tuy Hòa) sử dụng thùng ủ phân compost để xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón. Ảnh: ANH NGỌC

Nhằm từng bước cải thiện chất lượng vệ sinh môi trường do ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt, thời gian qua, Sở TN-MT đã tăng cường xây dựng, hướng dẫn và khuyến khích thực hiện nhiều mô hình về phân loại, giảm thiểu rác thải sinh hoạt trong cộng đồng.

Biến rác thải thành phân hữu cơ

Theo Sở TN-MT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình phân loại rác tại nguồn, tái chế, tái sử dụng rác bắt đầu mang lại hiệu quả. Việc tái chế rác thải ngay tại nhà, tại cơ sở sản xuất, kinh doanh… góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường. Mô hình ủ phân hữu cơ từ rác thực vật là một giải pháp như vậy.

Ông Trần Cang ở thôn Ân Niên, xã Hòa An (huyện Phú Hòa), cho biết: Trước đây, lượng rác thải sinh hoạt của gia đình tôi tương đối nhiều, trong đó có nhiều loại rác hữu cơ như rau, lá cây, các loại dư thừa của phụ phẩm phục vụ sinh hoạt và các loại rác thải vô cơ như túi ni lông, vỏ chai nhựa… đều để chung. Do không thường xuyên thu gom, xử lý hàng ngày nên nguồn rác thải này gây mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường. Tháng 5/2021, gia đình tôi tham gia mô hình Khu dân cư phân loại rác thải ở thôn Ân Niên và được hỗ trợ một thùng nhựa để phân loại, đựng rác thải và xử lý. Chúng tôi được cán bộ Sở TN-MT, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung hướng dẫn về cách phân loại và ủ rác hữu cơ thành phân bón hữu dụng. Điều này không chỉ giúp gia đình tôi có nguồn phân để bón cho cây trồng, rau xanh, tạo nguồn rau sạch, an toàn mà đặc biệt là giúp xử lý rác thải, góp phần cải tạo môi trường sống.

Đại đức Thích Quảng Bá, Trụ trì chùa Bảo Lâm (TP Tuy Hòa), cho biết: Hàng ngày, tại chùa Bảo Lâm phát sinh một lượng lớn rác thải sinh hoạt, trong đó có nhiều rác thải hữu cơ. Trước đây, chùa chủ yếu thu gom, tập kết lại để Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên vận chuyển đến bãi rác. Tháng 11/2021, Sở TN-MT, Ủy ban MTTQ tỉnh và Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung phối hợp triển khai mô hình sản xuất nước tẩy rửa sinh học từ vỏ trái cây tại chùa Bảo Lâm và hỗ trợ một số thùng nhựa để đựng, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón. Từ đó giải quyết được một lượng lớn rác thải sinh hoạt ở chùa. Sau khi cán bộ Sở TN-MT và Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung hướng dẫn, tăng sinh trong chùa và phật tử đã phân loại rác thải sinh hoạt, đưa vào thùng ủ để ủ ra phân hữu cơ. Chùa Bảo Lâm sử dụng lượng phân hữu cơ này để bón cho cây trồng, rau xanh…, giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường.

Nhân rộng mô hình

Để triển khai hiệu quả các mô hình phân loại, tái chế rác thải, Sở TN-MT đã phối hợp với Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thùng ủ phân compost từ rác thải hữu cơ. TS Võ Anh Khuê, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, người tham gia nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thùng ủ phân compost từ rác thải hữu cơ, cho biết: Quy trình ủ rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ khá đơn giản. Tùy theo số lượng rác sinh hoạt của gia đình, các cơ sở, rác thải hữu cơ như lá cây, thức ăn thừa, rau củ, trái cây hư… được cho vào thùng phuy nhựa có nắp đậy nhằm tránh ruồi, muỗi hay các sinh vật vào đẻ trứng. Sau đó, kết hợp với chế phẩm vi sinh pha sẵn theo tỉ lệ hai muỗng vi sinh, 10 muỗng đường, một lít nước sạch. Đây là công đoạn vô cùng quan trọng giúp quá trình ủ diễn ra nhanh chóng, bởi chế phẩm sinh học không những thân thiện với môi trường, mà còn có tác dụng chuyển hóa lân khó tiêu thành dạng dễ tiêu mà cây trồng có thể hấp thụ được, sinh chất kích thích tăng trưởng thực vật, phân hủy nhanh bùn, bã hữu cơ, khử mùi hôi của rác thải, ức chế và tiêu diệt các vi khuẩn mầm bệnh có hại. Từ đó, rác thải được ủ thành phân hữu cơ vi sinh rất hiệu quả cho cây trồng và không ảnh hưởng đến môi trường.

Theo Sở TN-MT, chất thải rắn nói chung và rác thải sinh hoạt nói riêng là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Rác sẽ là rác nếu không được phân loại, rác sẽ là tài nguyên nếu được phân loại hiệu quả. Điều này cho thấy, công tác phân loại rác, nhất là phân loại tại nguồn là vô cùng quan trọng. Ông Huỳnh Huy Việt, cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) cho biết: Để giảm thiểu rác thải hiệu quả thì việc ủ rác tại nguồn thành phân bón hữu cơ là giải pháp rất quan trọng và hữu ích. Sở TN-MT đã phối hợp với Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thùng ủ phân compost từ rác thải hữu cơ. Hiện nay, rác thải được xem là một nguồn tài nguyên. Để tận dụng được nguồn tài nguyên này, trước hết cần phải làm tốt công tác thu gom, phân loại rác thải ngay tại nguồn. Mô hình thùng ủ phân compost từ rác thải hữu cơ không chỉ giải quyết ô nhiễm môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân đối với rác thải tại nguồn, mà còn góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp. Hiện nay, nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh… ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai mô hình sử dụng thùng ủ phân compost từ rác thải hữu cơ mang lại hiệu quả cao. Sở TN-MT đang tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này.

Sở TN-MT đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, phòng chống rác thải nhựa và thu gom, xử lý chất thải rắn để đạt được mục tiêu, tiêu chí mà tỉnh đã đề ra. Tỉnh tiếp tục xây dựng và triển khai các mô hình bảo vệ môi trường, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ công tác bảo vệ môi trường, tập trung nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, sản xuất sạch, thân thiện môi trường, các mô hình phát triển kinh tế xanh.

Phó Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Thái Hòa

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/277466/hieu-qua-tu-mo-hinh-xu-ly-rac-thai-thanh-phan-huu-co.html