Hiệu quả từ một chính sách phù hợp
ĐBP - Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến đời sống người dân khu vực có rừng trên địa bàn tỉnh. Nguồn tiền này giúp người dân thêm nguồn thu nhập, góp nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cộng đồng. Đặc biệt là sự chuyển biến về ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông phối hợp cùng chính quyền xã Na Son tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh khẳng định: Chi trả DVMTR là một chính sách phù hợp, khi triển khai đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại nhiều lợi ích cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Hiệu quả chính sách mang lại chính là việc người dân thay đổi nhận thức và nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chi trả DVMTR đã tạo nguồn thu nhập ổn định; tạo nguồn vốn phát triển kinh tế hộ gia đình, đầu tư các công trình dân sinh, phục vụ nhu cầu thiết yếu của cộng đồng các thôn bản. Rừng được quản lý, bảo vệ tốt góp phần cải thiện môi trường sống, tạo nguồn nước dồi dào phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Năm 2016 diện tích đất có rừng là 368.772ha, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Điện Biên đạt 38,5% (theo Quyết định số 1819/QĐ-BNN-TCLN ngày 16/5/2017), số lượng chủ rừng được nhận tiền chi trả DVMTR là 2.509 chủ rừng. Đến hết năm 2021, tổng diện tích rừng đủ điều kiện chi trả DVMTR là trên 393.000ha (tăng gần 24.228ha); 4.152 chủ rừng được thụ hưởng chính sách với tổng số tiền chi trả là 68,1 tỷ đồng. Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, hiện nay 100% cộng đồng thôn, bản đủ điều kiện đều đã được thụ hưởng chính sách chi trả DVMTR. Trung bình mỗi hộ dân được nhận 2 triệu đồng/năm; hộ nhận cao nhất là 120 triệu đồng/năm.
Bản Tả Ló San, xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) có 26 hộ dân với gần 100 nhân khẩu nhận quản lý, bảo vệ hơn 2.700ha rừng. Đây là bản được nhận tiền chi trả DVMTR nhiều nhất tỉnh, với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng cho cộng đồng bản trong năm 2021. Trung bình mỗi hộ dân nhận gần 100 triệu đồng/năm.
Trở lại bản Tả Ló San sau hơn 10 năm, chúng tôi chứng kiến sự thay đổi tích cực về cơ sở hạ tầng ở nơi đây. Những ngôi nhà vách đất đã được thay thế bởi những ngôi nhà gỗ khang trang; đường đất nội bản được thay thế bằng đường bê tông kiên cố. Anh Lỳ Sơn Phạ, bản Tả Ló San cho biết: “Số tiền chi trả DVMTR mấy năm nay tôi đã tiết kiệm lại. Năm tới, tôi dự kiến nâng cấp ngôi nhà, mua thêm cặp trâu sinh sản để phát triển chăn nuôi hộ gia đình”.
Ông Lỳ Khò Chừ, Trưởng ban Công tác mặt trận bản Tả Ló San cho biết: Từ khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai thực hiện đã góp phần thay đổi cuộc sống người dân bản Tả Ló San. Bình quân mỗi khẩu được hưởng 18 triệu đồng/năm. Như vậy, hộ 6 khẩu trở lên sẽ hưởng trên 100 triệu đồng/năm từ rừng - một khoản tiền mà nhiều người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới mơ ước. Nhận thấy lợi ích to lớn từ rừng mang lại, bản Tả Ló San đã thành lập 2 tổ quản lý bảo vệ rừng, định kỳ mỗi tuần một lần thực hiện tuần tra. Khi phát hiện sự việc, tổ bảo vệ rừng của bản báo cho lực lượng kiểm lâm xã và tổ chốt biên phòng Sen Thượng đứng chân ở bản kịp thời xử lý.
Tại xã Sín Thầu, từ số tiền chi trả DVMTR nhận được hàng năm, người dân các bản phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé và Đồn Biên phòng A Pa Chải tổ chức tái đầu tư các mô hình phát triển cây sa nhân dưới tán rừng. Hiện nay, xã Sín Thầu có trên 50ha sa nhân tím, trong đó 30ha đã cho thu hoạch. Các mô hình trồng sa nhân không những mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần hạn chế tình trạng cháy thảm thực vật vì cây sa nhân tím chứa nhiều nước, hạn chế tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, tạo thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.
Từ nguồn tiền chi trả DVMTR, nhiều thôn bản đã đầu tư xây dựng được đường giao thông nội bản, nhà văn hóa, mua sắm trang thiết bị… phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. Điển hình như: Làm nhà văn hóa bản và đường bê tông nội bản ở các bản: Mường Pồn 1, Mường Pồn 2 (huyện Điện Biên); bản Pu Nhi A, B, Háng Trợ A, B (huyện Điện Biên Đông); bản Hua Huổi Luông (TX. Mường Lay); đầu tư xây dựng sân vận động mi ni để tổ chức các hoạt động thể dục thể thao…
Tại huyện Điện Biên Đông, từ năm 2019 đến nay đã xây dựng khoảng 150 nhà văn hóa bản từ nguồn vốn xã hội hóa, trong đó có nguồn kinh phí từ chính sách chi trả DVMTR. Mới đây, tháng 10/2022, bản Pá Nậm, xã Chiềng Sơ đã khánh thành và đưa vào sử dụng nhà văn hóa với kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 164 triệu đồng, trong đó tiền DVMTR của bản đóng góp gần 70 triệu đồng.
Ông Lò Văn Phong, Bí thư Chi bộ bản Pá Nậm cho biết: Xây dựng nhà văn hóa là mơ ước bấy lâu nay của người dân bản Pá Nậm. Để hiện thực hóa mơ ước, hàng năm bản thống nhất trích vào quỹ của bản một số tiền từ nguồn chi trả DVMTR. Đến đầu năm 2022, bản được Công an huyện Điện Biên Đông hỗ trợ 80 triệu đồng; kết hợp với gần 70 triệu đồng từ nguồn DVMTR, bản Pá Nậm đã xây dựng được nhà văn hóa bản.
Ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Sau nhiều năm triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân về bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao; nhân dân tích cực tham gia tuần tra, kiểm tra rừng, PCCCR; số vụ vi phạm lâm luật hàng năm giảm đáng kể; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh tăng so với giai đoạn 2015 - 2020.