Hiệu quả từ những đề án khuyến công
Thực hiện Đề án khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã triển khai hỗ trợ các hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn kinh phí mua sắm thiết bị, máy móc. Từ sự hỗ trợ này, năng suất và chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp nhận hỗ trợ có những chuyển biến tích cực, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
1 năm ứng dụng máy tiện cơ khí điều khiển bằng máy tính (gọi tắt là CNC) do Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ, cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ của anh Lương Văn Lạc, thôn Làng Mòi, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) đã đáp ứng yêu cầu cao nhất của bạn hàng về số lượng cũng như chất lượng. Anh Lạc phấn khởi cho biết, cơ sở của anh chuyên chế tác đồ gỗ thủ công mỹ, trước đây các sản phẩm hoàn toàn làm thủ công, 1 sản phẩm phải 1-2 người đẽo, đục trong vòng 2-7 ngày, thậm chí cả tháng trời tùy theo kích cỡ cũng như chi tiết của sản phẩm. Do đó, hiệu quả kinh tế không cao vì chi phí về giá thuê nhân công.
Hiện nay, có máy CNC mọi việc trở lên rất dễ dàng, hầu hết các công đoạn, cưa, đục đều sử dụng máy không những nhanh, độ chính xác cũng rất cao. Ứng dụng máy CNC vào sản xuất anh đã tận thu được nguyên liệu, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, tiết kiệm thời gian, hạ giá thành sản phẩm nâng cao năng suất lao động có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại với các cơ sở khác trên địa bàn. Năm 2021 vừa qua, lợi nhuận của cơ sở đạt trên 400 triệu đồng/năm, tăng gấp đôi so với làm thủ công. Đó là nhờ ứng dụng máy móc vào sản xuất - anh Lạc khẳng định.
Trợ lực từ đề án khuyến công, Hợp tác xã chuối sấy An Quang, tổ dân phố Tân Thịnh, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) đã hiện thực hóa mục tiêu là mở rộng quy mô sản xuất. Anh Hồ Văn Tam, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, được Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ máy chiên chuối chân không, với công suất chiên 1 tấn chuối tươi/ngày, nguồn nguyên liệu về đến đâu chế biến hết đến đó. Hiện nay, trung bình mỗi ngày hợp tác xã chế biến khoảng 2 tạ chuối sấy, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cung ứng vào thị trường. Theo anh Tam, năng lực sản xuất tăng lên, hợp tác xã đã liên kết để phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo phát triển chuỗi hàng hóa khép kín, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, từ đó tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Ông Đàm Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh cho biết, đây chỉ là 2 trong nhiều đề án khuyến công được triển khai trong những năm gần đây. Sự trợ lực từ đề án là động lực, đòn bẩy để các cơ sở sản xuất, hợp tác xã tại khu vực nông thôn thực hiện mục tiêu hiện đại hóa thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương. Thông qua các đề án, các cơ sở công nghiệp nông thôn được bổ sung các kiến thức, kinh nghiệm cho quá trình sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Nhiều cơ sở được hỗ trợ chi phí để phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm thông qua việc tham gia hội chợ, triển lãm. Từ đó, giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với thị trường, công nghệ mới và xác định được hướng đầu tư phát triển phù hợp với khả năng của mình.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Đàm Xuân Hùng khẳng định, với mục tiêu kịp thời nắm bắt tình hình thực tế, tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy cho các HTX, hộ kinh doanh, doanh nghiệp ổn định sản xuất, trung tâm đang rà soát và lập danh sách cơ sở có nhu cầu để lựa chọn hỗ trợ. Trong đó, ưu tiên cho các đề án trong các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như chế biến nông, lâm sản, ngành nghề nông thôn...