Hiệu ứng du lịch An Giang

Năm 2025, du lịch (DL) An Giang đón nhiều dấu hiệu tích cực, khi lượng khách đến tham quan tăng cao so cùng kỳ. Cùng với nâng chất sản phẩm DL hiện có, phát triển sản phẩm DL đặc trưng, đẩy mạnh quảng bá và chuyển đổi số trong DL, An Giang nâng cao chất lượng loại hình DL gắn với lễ hội văn hóa truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc…

Điểm sáng tích cực

Năm 2024, toàn tỉnh đón khoảng 9,1 triệu lượt khách, tăng 7% so cùng kỳ. Tổng doanh thu từ hoạt động DL ước đạt 10.250 tỷ đồng (tăng 73,7% so cùng kỳ, đạt 165% kế hoạch). Chỉ trong 9 ngày Tết (từ ngày 25/1 - 2/2), ngành DL đón khoảng 771.000 lượt khách, tăng 0,4% so cùng kỳ. Trong đó, khách lưu trú đạt gần 7.240 lượt, tăng 11,3%. Khách quốc tế gần 1.600 lượt, khách do doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh phục vụ gần 1.500 lượt, tăng 4,3%.

An Giang có nhiều tiềm năng phát triển ngành “công nghiệp không khói”: Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh (Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam); 8 bảo vật quốc gia; 8 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; 90 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật trình diễn Dì Kê đồng bào Khmer An Giang, Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nghề dệt đồng bào Chăm An Giang…

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh An Giang (Dự án 6) năm 2024, nhiều nội dung được thực hiện, như: Xây dựng Câu lạc bộ Văn hóa dân gian trình diễn Dì Kê của đồng bào dân tộc Khmer xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn); tái hiện di sản Nghệ thuật trình diễn Dì kê của đồng bào dân tộc Khmer; phục dựng Nghi lễ ăn mừng nhà mới của đồng bào Chăm; trình diễn nghề gốm của đồng bào dân tộc Khmer; tổ chức truyền dạy nhạc Ngũ âm, truyền dạy trống Chhaydăm, truyền dạy khắc chữ trên kinh lá buông của đồng bào Khmer…

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam

Tỉnh có 100 cơ sở lưu trú, trong đó 68 cơ sở được xếp hạng (1 khách sạn 4 sao, 6 khách sạn 3 sao, 9 khách sạn 2 sao, 21 khách sạn 1 sao và 31 cơ sở đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phục vụ du khách); 26 công ty lữ hành (9 công ty lữ hành nội địa, 16 công ty quốc tế, 1 văn phòng đại diện); 6 khu, điểm DL được công nhận (1 khu DL quốc gia); 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách.

Hoạt động DL trong năm 2024 đạt nhiều kết quả tích cực, chỉ tiêu tăng trưởng tốt, đạt và vượt so cùng kỳ năm 2023 và kế hoạch năm 2024. Tỉnh tổ chức hoạt động quảng bá DL tại không gian triển lãm “DL qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam” trong khuôn khổ Năm DL quốc gia - Điện Biên 2024; Tuần lễ DL - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL năm 2024 tại TP. Cần Thơ; Hội nghị Giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang tại TP. Hồ Chí Minh.

Tỉnh triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển DL giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL năm 2024. Tham gia đoàn khảo sát tuyến điểm DL đường sông kết nối từ TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL do Sở DL TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Ngoài ra, đẩy mạnh quảng bá qua môi trường Internet, mạng xã hội. Tỉnh đã ra mắt Hệ thống DL thông minh, bao gồm Cổng thông tin DL thông minh và Ứng dụng DL thông minh trên smartphone…

Nhiều dư địa phát triển

Vừa qua, chương trình bình chọn “Điểm đến hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL” đã công bố kết quả với 50 điểm đến được công nhận. Trong đó, An Giang có 3 điểm đến được công nhận: Khu DL quốc gia Núi Sam (TP. Châu Đốc), Điểm DL Rừng tràm Trà Sư (TX. Tịnh Biên) và Điểm DL Cồn Én (huyện Chợ Mới). Năm nay, An Giang phấn đấu đón 10 triệu lượt khách tham quan, DL. Trong đó, khách lưu trú phấn đấu đạt trên 1 triệu lượt, doanh thu từ hoạt động DL đạt gần 11.000 tỷ đồng.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để đạt được mục tiêu này, An Giang sẽ triển khai đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm DL; chú trọng liên kết phát triển DL giữa An Giang với TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố trong khu vực và vùng Tây Bắc, Tây Nguyên. Cùng với đó, tập trung triển khai Đề án phát triển sản phẩm DL trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2024 - 2030; khảo sát phát triển chương trình, sản phẩm DL đường sông; tổ chức hội nghị lấy ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp DL về định hướng phát triển giai đoạn 2026 - 2030. Tiếp tục phối hợp thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phát triển khu, điểm DL, sản phẩm DL…

Du khách hành hương đến An Giang

Du khách hành hương đến An Giang

An Giang sẽ đẩy mạnh triển khai chương trình phát triển DL nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh (Dự án 6). Phát huy tối đa nội lực của địa phương, doanh nghiệp, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia để thúc đẩy phát triển DL…

Theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp DL, An Giang rất cần làm mới tour/tuyến; kết hợp hài hòa văn hóa truyền thống địa phương, gắn kết hoạt động DL với người dân, để mỗi người là một “đại sứ DL”. Cùng với đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho du khách, ngành chuyên môn cần giúp hoàn thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường… Theo TS. Lê Hồng Phước (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), các nước phát triển luôn cân đối hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Đờn ca tài tử, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...

“An Giang cần khai thác mạnh hơn những đặc trưng văn hóa, trong đó có đờn ca tài tử vào hoạt động DL. Không phải chỉ để “ăn chơi”, mà là “làm ra tiền”. Khai thác đờn ca tài tử để làm DL là rất phù hợp. Như ở rừng tràm Trà Sư, nếu du khách bơi xuồng vào, ở đó bố trí người cầm đàn kìm, cất lên lời ca tài tử thì “ngon” lắm! Thật ra, du khách nước ngoài đi DL ở ta, họ không mong chờ mình hát nhạc pop, rap… mà chỉ muốn tìm hiểu đặc trưng văn hóa bản địa. Đặc sản miền Nam có đờn ca tài tử, nên cần khai thác mạnh hơn loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này. Ngoài ra, việc tăng cường lan tỏa âm nhạc truyền thống (trong đó có đờn ca tài tử) còn nhằm giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi, “Cây có gốc mới nở cành, xanh ngọn/ Nước có nguồn mới bể rộng, sông sâu”…” - TS. Lê Hồng Phước bày tỏ.

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/hieu-ung-du-lich-an-giang-a415384.html